Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Khi trò… yêu

Tạp Chí Giáo Dục

Nhớ hồi mới làm hiệu trưởng, tôi đã bật cười khi đọc một bức thư treo trước cửa lớp 6A1 mà học sinh trực lớp phát hiện và nộp lại cho tôi: “Asura yêu dấu, anh yêu em bằng cả trái tim này (minh họa bằng hình vẽ trái tim có mũi tên xuyên qua!). Chiều nay tan học, anh hẹn gặp em tại quán bánh mì thịt vịt! Em nhớ đến và đừng cho tụi nó biết em nhé!”.

Minh họa của Hoàng Tố Diệu

1. Thiệt là con nít! Học sinh mới học lớp 6, má búng ra sữa mà đã tỏ tình với nhau như thế rồi đó! Một cô giáo đã phát hiện bài thơ tình trong trang vở của học sinh lớp 7: “Mắt nhìn mắt thẹn thùng – miệng trao lời ngượng ngập – nhìn thấy ai bối rối – sao xúc động lạ thường!”; còn thầy giáo lớp 9 thì than thở: “Học sinh bây giờ tiến bộ hơn thầy, “Hậu sinh khả úy”, thầy chưa có người yêu mà chúng nó đã dám có bồ rồi”. Và những câu chuyện tình của học sinh cứ được giáo viên kể giòn giã mỗi giờ ra chơi cho thấy số lượng học sinh yêu nhau không phải ít.

“Khi đã yêu thì mơ mộng nhiều!”. Lời bài hát thật đúng. Các cặp đôi yêu nhau sẽ xao lãng việc học hành và thường thì điểm số sa sút thấy rõ. Hiếm có học sinh nào yêu nhau mà học giỏi cả. Đã yêu thì có những cử chỉ, thái độ khác thường trong lớp học, đôi khi vượt quá mức độ cho phép, làm chướng tai, gai mắt, khó chấp nhận được. Đã yêu thì sẽ có những phút giây đau khổ vì nhớ nhung, buồn giận, lúc thất tình thì gương mặt ỉu xìu như bánh tráng nhúng. Đã yêu, nếu không được kiềm chế tốt sẽ dễ xảy ra tình trạng “ăn phải trái cấm” làm cho cha mẹ hai bên phải “xấc bấc xang bang”. Khi yêu còn có trạng thái ghen và đánh ghen nữa chứ! Tôi còn nhớ hai nữ sinh lớp 9 đã đánh nhau tơi bời chỉ vì cùng yêu một nam sinh khá đẹp trai. Hai nàng đã giật áo, bứt tóc, cào mặt, cắn tay, nhéo bụng… Ôi thôi đủ thứ “chưởng” được tung ra trước cổng trường. Công an đến phải khó khăn lắm mới gỡ hai nàng ra được.

2. Phải giải quyết sao đây khi học sinh yêu nhau? Quan điểm chung là không cấm đoán, vì như các bạn biết, cái “giồng” tình yêu, ta càng cấm nó càng bung mãnh liệt hơn. Theo các nhà giáo dục phương Tây, hãy để cho chuyện này phát triển tự nhiên. Vì thế, không nên gọi học sinh lại và nói: “Tôi đề nghị em chấm dứt quan hệ tình cảm với em A.”, hay “Vì kỳ thi sắp tới, tôi yêu cầu em ngừng yêu em B. ngay lập tức!”… Vậy mà, rất tiếc có một số phụ huynh đã làm như thế! Thậm chí có người còn canh giữ con em mình thật chặt, đến trường đúng giờ rước con về. Về nhà, họ nhốt con lại, không cho đi đâu. Khi gặp mặt đối tượng của con lãng vãng trước nhà, họ  còn mắng: “Tôi cấm cậu dụ dỗ con gái tôi, nếu không tôi kêu công an bắt cậu ở tù mục xương bây giờ!”. Hậu quả của việc cấm đoán là có trường hợp các em bỏ nhà đi theo tiếng gọi của tình yêu, bất chấp cha mẹ hoảng loạn, đau khổ như thế nào?

Nhưng không cấm không có nghĩa là ta khuyến khích các em “Hãy yêu nhau đi” – như lời bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Dĩ nhiên người thầy không ai muốn các em dính vào chuyện yêu đương sớm khi nhiệm vụ học tập nặng nề trước mắt. Đứng về góc độ chuyên môn mà nói, học sinh yêu nhau sẽ lơ là học tập, thầy cô sẽ là người khổ tâm nhất khi gánh  chịu hậu quả này. Vậy phải tính sao đây? Việc này khá tế nhị, phức tạp và không phải trường hợp nào cũng giải quyết giống trường hợp nào.

3. Trong việc này, vai trò của người giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng. Người giáo viên cần quan sát, phân tích, nắm tình hình để tùy tính chất yêu, mức độ yêu mà can thiệp sâu hay nông, dùng lời lẽ thích hợp để tác động đến đối tượng. Giáo viên cần giao cho cán bộ lớp hoặc những bạn thân theo dõi giúp đỡ hai bạn này, thông tin kịp thời và có những can thiệp cần thiết nếu xảy ra những gì vượt mức độ cho phép.

Giáo viên chủ nhiệm, hay cán bộ đoàn – đội nên làm việc riêng với từng học sinh đang yêu. Thầy cô cần giải thích cho các em hiểu ở tuổi học sinh giữ tình bạn trong sáng là tốt. Tình bạn tuổi mới lớn rất cần thiết, nó sẽ giúp các em trao đổi tâm tình, tháo gỡ những vướng mắt, khó khăn và giúp nhau học tốt.

Nhà trường nên tổ chức các buổi nói chuyện về đề tài “Tình bạn, tình yêu tuổi học trò”. Sau buổi nói chuyện cần tạo điều kiện cho các em thảo luận, nói lên tâm tư của mình để thầy cô biết mà uốn nắn. Giáo viên chủ nhiệm cũng nên mời phụ huynh của hai học sinh đang yêu nhau đến trường để trao đổi thông tin, bàn biện pháp tác động sao cho tế nhị mà hiệu quả. Khi yêu mà rảnh rỗi thì sẽ dễ nảy sinh tiêu cực. Trường cần tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa lôi kéo những “kẻ yêu nhau” tham gia, với những nội dung lành mạnh như: công tác xã hội, cắm trại, tham gia văn nghệ, câu lạc bộ hay cùng nhau tạo ra những sản phẩm trong giờ học.

Khi đang yêu mà được sinh hoạt chung với nhau, các cô cậu rất thích, nhưng cần có sự giám sát của bạn bè và người lớn. Kinh nghiệm cho thấy sự chọn lựa người yêu của các em mang đầy tính cảm xúc. Khi sinh hoạt chung sẽ  bộc lộ những khuyết điểm, các em thường mau chán và chuyển hướng sang đối tượng khác. Rất hiếm khi nhìn thấy học sinh THCS có tình yêu bền vững để tiến đến hôn nhân. Tình yêu trong lứa tuổi học sinh THCS chỉ là trải nghiệm nhất thời của tuổi mới lớn. Các em còn thời gian dài phía trước để chọn người bạn đời cho mình. Nhưng mặc cho người lớn lo lắng, thầy cô băn khoăn, các em yêu vẫn cứ yêu. Nhờ thế mà những vần thơ đẹp về tình yêu tuổi học trò cứ tuôn ra đầy cảm xúc.

Trần Thị Minh Thi

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)