Mùa hè, khi bao học sinh háo hức bởi những ngày được về quê vui chơi, được đi nghỉ mát ở những vùng đất mới thì vẫn còn những em bé suốt mùa phải vất vả mưu sinh. Và khi phải ra đời kiếm sống quá sớm, sự hồn nhiên trong trẻo của các em đã mất đi, thay vào đó là những gương mặt già trước tuổi chất chứa bao lo lắng, ưu tư.
“Chỉ mong kiếm thêm tiền chữa bệnh cho mẹ”
Trên đường Nơ Trang Long, cách cổng Trung tâm Ung bướu (TTUB) TP.HCM khá xa, một bé gái đang len lỏi qua những dãy bàn ăn, kiên trì mời từng người mua vé số. Khi mọi người đều lắc đầu từ chối, em lại tiếp tục lang thang trên vỉa hè, mời những người khác mua. Giữa trưa hè nắng gắt, trên gương mặt em, mồ hôi đọng từng giọt, nhưng điều đó không làm em bận tâm. Điều em bận tâm là từ sáng đến giờ, đi mỏi cả chân mà em mới bán được có mấy tờ vé số.
Em là Trần Hồng Hạnh, đang học lớp 7 ở ngoài Quảng Ngãi, mới vào TP.HCM từ đầu mùa hè này. Bắt đầu nghỉ học là Hạnh bắt xe vào đây ngay. Mẹ em nằm điều trị trong (TTUB) đã mấy tháng nay. Ba em cũng vào đây, vừa phải ở trong viện chăm sóc mẹ, vừa phải ra ngoài làm thuê để kiếm thêm tiền. Hạnh muốn dùng mùa hè này đỡ đần thêm cho ba.
Hằng ngày, từ sáng sớm, cô bé len lỏi qua các con đường, các ngõ hẻm gần bệnh viện để bán vé số. Tối em về ngủ trong phòng bệnh của mẹ hoặc ngoài hành lang bệnh viện. Cứ bán 100 tờ vé số, em được 50 ngàn đồng. Ngày nào bán nhiều, em kiếm được 50-60 ngàn, ngày nào ít chỉ 20-30 ngàn. Số tiền kiếm được, em đưa hết cho ba, một phần thêm vào lo thuốc thang cho mẹ, một phần dành dụm để hết mùa hè, em có ít tiền về quê mua sách vở cho năm học mới.
Cô bé ngậm ngùi: Em chỉ ở đây đến hết tháng 7 là phải về quê đi học. Em chỉ muốn ở lại đi bán vé số vừa đỡ thêm cho ba, vừa được ở gần chăm sóc mẹ. Nhưng mẹ em không cho, mẹ bảo bằng mọi giá cũng phải đi học. Những ngày còn ở lại, em chỉ mong kiếm được nhiều tiền để lo thuốc cho mẹ và mong mẹ khỏi bệnh để về nhà thôi!
Em buồn thiu khi kể cho tôi nghe điều đó. Ánh mắt trong veo của em tần ngần, và nặng trĩu lo toan. Ít ai nghĩ đó là đôi mắt của một em bé mới 13 tuổi…
Mùa hè trên hè phố
Mùa hè này, bé Lê Ngọc Trâm, học sinh lớp 7, Trường Tăng Bạt Hổ A, Q.4 bắt đầu theo ông nội bán túi xách. Giữa trưa nắng, trước cổng TTUB TP.HCM, Trâm cùng ông nội ngồi phơi mặt bên đống túi xách. Nhưng chỉ ngồi được 1 lúc, bảo vệ ra nhắc nhở, hai ông cháu lại phải đứng lên đi chỗ khác, chờ bảo vệ vào trong mới trở lại ngồi. Trâm khoe, từ sáng đến giờ em đã bán được 2 cái túi, cũng lời được hơn chục ngàn.
Ông nội Trâm cho biết: “Bảo nó ở nhà lo ôn tập hè nhưng nó không chịu, cứ đòi đi theo ông nội bán hàng kiếm tiền phụ ba mẹ. Nhà con nhỏ cũng nghèo, ba nó chạy xe ba gác, mẹ thì đi ve chai nên cuộc sống cũng khốn khó. Nó muốn tranh thủ hè này kiếm tiền để vô năm đóng học phí”.
Khi được hỏi trong khi các bạn được nghỉ ngơi, vui chơi hè mà em phải đi kiếm sống không thấy buồn sao, em chỉ cười: “Em chẳng nghĩ gì, chỉ thấy mỗi ngày kiếm được mấy chục ngàn mang về cho mẹ là thích lắm rồi”.
Muốn giúp đỡ gia đình, mục đích mà nhiều em nghĩ tới khi quyết định dùng mùa hè để mưu sinh. Có những em, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, trong năm vẫn vừa phải học, vừa phải làm thêm thì đây là dịp tốt để các em kiếm được nhiều tiền hơn giúp đỡ gia đình.
Ở cổng mấy quán cà phê nằm trên đường Ngô Thời Nhiệm tối nào cũng có 2 đứa bé đứng bán hoa. Không được vào trong quán nên 2 em phải đứng ở ngoài cổng, chờ khách đi vào quán rồi mời. Tôi chứng kiến cảnh các em phải đi theo khách một đoạn khá dài từ chỗ để xe ngoài đường đến quán, dùng hết tài năn nỉ để mời khách mua hoa. Mỗi tối như thế, nhiều lắm các em cũng bán được 5 bông hồng.
Một em tên Lê Viết Thân cho biết, năm học tới sẽ lên lớp 5. Trong năm học, mỗi tối em vẫn đến đây bán hoa. Từ lúc nghỉ hè, không phải đi học nữa thì ban ngày em đi bán vé số, tối đi bán hoa nên kiếm được nhiều tiền hơn. Khi được hỏi, em có muốn “mùa hè dài mãi” không, thì em cười: Vừa muốn vừa không muốn. Muốn vì kiếm được nhiều tiền hơn nhưng không muốn vì em rất thích đến trường.
Sự hồn nhiên bị đánh cắp
Tại công viên 30/4, khi thấy một bé gái mặc đồng phục học sinh bán kẹo singum, tôi hỏi mua và lân la làm quen. Ngay lập tức, em thao thao kể cho tôi nghe hoàn cảnh của mình: “Nhà em có mấy người đều bị bệnh, tội nghiệp lắm! Mẹ em bị bệnh tim, ba em là thương binh, 1 chị bị mù, một chị bị bại liệt”. Em cho biết em ở trọ ở quận 3, quê Buôn Ma Thuột. Khi được hỏi hằng ngày em tới công viên bằng cách nào thì em cho biết có một chú xe ôm chở em ra đây và thêm vào sau đó là một câu: “Chú ấy tội nghiệp lắm”.
Dường như mỗi lần nhắc đến một người nào đó liên quan đến em, em đều thêm câu người đó tội nghiệp lắm. Em nói em vào đây ở với bác rồi đi bán hàng. Và tất nhiên em cũng thêm vào câu: “Bác em tội nghiệp lắm”. Nó giống như cái công thức em dùng đi dùng lại. Khi tôi ngỏ ý muốn chụp hình, em bảo không thích nhưng nếu tôi chịu mua 6 phong kẹo singum, em sẽ đồng ý cho tôi chụp.
Cảm nhận đầu tiên của tôi là cô bé này rất “ma lanh”, hơn hẳn những em nhỏ cùng tuổi. Tỉ tê hỏi han một hồi em mới nói thật em là Nguyễn Thu Thủy, đang học lớp 3 Trường phổ cập Ánh Sáng, Q. 3. Em ở cùng mẹ và 2 chị. Mẹ em và 2 chị đi bán hàng rong còn em bán singum ở khu vực này. Em bảo phải kể hoàn cảnh thật khổ thì người ta mới thương mà mua hàng cho.
Thủy nói mình biết 6 thứ tiếng: Anh, Pháp, Hàn, Trung, Thái, Nhật. Rồi em nói một lèo câu mời mua hàng bằng 6 thứ tiếng đó. Ở em hiện lên vẻ tinh quái, già dặn trái hẳn với độ tuổi. Em bạo dạn đòi mượn máy chụp hình của tôi và cũng rất thích thú chụp lại những hình ảnh xung quanh. Chỉ khi đó tôi mới thấy trên mặt em hiện lên nụ cười hồn nhiên của một đứa trẻ khi được cho đồ chơi đẹp. Có lẽ vì phải vào đời sớm, phải vất vả mưu sinh từ khi còn thơ nên những nét ngây thơ hồn nhiên trên gương mặt em đã bị mất đi.
Không chỉ Thủy, tôi đã thấy có rất nhiều em bé có suy nghĩ và gương mặt già trước tuổi như thế. Tại quán cà phê B&A trên đường Trần Não, tôi từng chứng kiến một cô bé khoảng 10 tuổi, mặc đồng phục học sinh chèo kéo nằn nì khách mua hoa. Khi một vị khách hỏi, có phải ngày gì đâu mà lại tặng hoa thì có bé đã rất đĩnh đạc trả lời: thì là ngày cô với chú gặp nhau ở đây.
Sự dạn dĩ và cách biến báo của cô bé khi trả lời khách khiến ai cũng ngạc nhiên. Và có lẽ vì thế mà nhiều vị khách đã có những câu đùa khiếm nhã hoặc vặn vẹo nhiều câu để bắt cô bé phải đối đáp rồi mới chịu mua hoa. Nhìn cảnh đó, những người có lương tâm chắc không khỏi đau lòng xót xa.
Cũng tại quán cà phê đó, cậu bé Chánh Minh Tâm, học lớp 7, Trường An Phú, Q.2 với vẻ mặt cực kỳ nghiêm túc giảng giải về những “bí quyết” bán hàng hiệu quả: Trước khi mời khách, phải quan sát để nắm bắt tâm lý xem người này phải mời như thế nào thì họ mới chịu mua. Ai mà ngờ đó là phát ngôn của một cậu học sinh mới học lớp 7.
Những đứa trẻ phải ra đời mưu sinh sớm, rồi tương lai của chúng sẽ ra sao? Thạc sĩ Hồng Hà, PGĐ TTTV Tình yêu Hôn nhân Gia đình của Hội Liên hiệp Thanh niên cho biết: Với những đứa trẻ phải ra đời sớm, mặt tích cực là chúng sẽ rất lanh lợi, lớn lên thả vào môi trường nào chúng cũng sống được. Nhưng mặt tiêu cực là khi ra đời sớm quá, phải tiếp xúc với những mánh khóe lừa lọc, nếu không được định hướng thì chúng rất dễ bị lạm dụng, tương lai rất dễ sa ngã.
Vì thế, vai trò của gia đình, của những người lớn là rất quan trọng. Người lớn phải theo sát và có định hướng cho các em. Phải giúp các em hiểu rằng hoàn cảnh khó khăn, các em phải kiếm sống giúp đỡ gia đình là điều đáng hoan nghênh nhưng nếu để có tiền mà phải bằng mọi giá, bằng mọi mánh khóe lừa lọc thì đáng phê phán. Ra đời sớm, các em đã phải chịu thiệt thòi nên gia đình cần quan tâm, sâu sát hơn, đừng sớm tiêm nhiễm vào đầu các em những mánh lới, những lọc lừa của thế giới người lớn nếu không tương lai các em sẽ dễ trở thành những người xấu trong xã hội.
Hà Dịu (vietnamnet.vn)
Bình luận (0)