Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Khi U80… đến trường

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Ở ngôi trường này, học sinh lão niên không phải hàng hiếm. Trong số 1.500 học sinh đang theo học, có đến 800 người trên 50 tuổi. Trong đó, hơn 300 học sinh xếp vào hàng lão niên U70-U80.

Họ là những người đã rành các cây thuốc, có kinh nghiệm khám chữa bệnh theo đông y nhưng theo kiểu cha truyền con nối. Vậy là ở cái tuổi cổ lai hy, họ lại cắp sách đi học. 

Những bạn học… kỳ lạ

Đó là ngày cuối năm, trời áp thấp, thời tiết đành hanh “khó ở” nhưng hóa ra, tuổi tác chỉ là con số. Những học sinh lão niên ở Trường trung cấp Tây Sài Gòn (H.Củ Chi – TP.HCM) vẫn miệt mài đến các lớp y sĩ y dược học cổ truyền. Những học sinh này đáng tuổi… ông bà của thầy cô nhưng đi học nền nếp và đặc biệt… ngoan. 

Bước vào cổng trường, học sinh một tiếng gọi thầy, hai tiếng thưa thầy. Còn thầy chẳng dám gọi học sinh bằng em hay anh chị, mà nhẹ nhàng như với ông bà của mình: “con mời cụ lên trả lời câu này ạ!”, “các cụ làm thí nghiệm chiết xuất cây Phyllanthus urinaria (cây chó đẻ) này đi!”… 

Các cụ đi học còn siêng hơn những bạn trẻ. Như cụ Nghiêm Trần Tiến (75 tuổi), nhà ở Phú Riềng (tỉnh Bình Phước), cách trường ngót nghét 120km, thế nhưng cả học kỳ I, cụ không hề vắng hay đi trễ buổi nào. Bạn học của cụ Tiến là hai cụ Trương Văn Kiểm (74 tuổi) và Đặng Văn Rô (72 tuổi), nhà ở Chợ Mới (tỉnh An Giang), thường tự đèo nhau bằng xe máy lên Củ Chi học.

Không chỉ học nghiêm túc, đến các hoạt động phong trào của tuổi trẻ, những học trò lão niên cũng tham gia rất nhiệt tình. Trước ngày trường tổ chức hội trại mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, hai cụ đi xe máy lên trường, thuê phòng trọ ở lại để sáng hôm sau kiếm tre nứa, lá dừa… trang trí trại y như thời đi học phổ thông. 

Khi U80… den truong
Không hiếm lão niên trong các lớp y sĩ y dược học cổ truyền của Trường trung cấp Tây Sài Gòn

“Đi xe đò phụ thuộc người ta. Mình còn khỏe, tự chạy xe máy tiện hơn. Đừng nghĩ tôi già mà yếu nghe. Ở quê, tôi toàn chạy xe máy đi hái thuốc chữa bệnh cho bà con”, cụ Kiểm bộc bạch. 

Học sinh Nguyễn Thanh Tràng, Việt kiều Mỹ (73 tuổi) cũng được xếp vào hàng chăm chỉ của lớp y dược học cổ truyền tại đây. Sau khi về nước, cụ quyết định tầm sư học… bốc thuốc để tự bắt mạch, bốc thuốc chữa bệnh cho người nghèo trong xóm. Cứ cuối tuần, cụ lại chạy xe máy từ tỉnh Tây Ninh xuống học. Suốt hai năm khoác áo học sinh, cụ chưa vắng mặt buổi nào.

Ở tuổi này, đi học như cực hình vì tiếp thu cái gì cũng chậm. Nhưng dần dần, sự cần mẫn giúp các cụ quen với việc tiếp nhận kiến thức mới. “Người già đi học sợ… quê lắm. Hỏi điều gì không biết trả lời cảm thấy xấu hổ còn hơn người trẻ. Nên ngoài giờ lên lớp, tôi và các bạn học lớn tuổi thường trao đổi bài vở, chỗ nào không hiểu sẽ ghi lại để khi lên lớp hỏi thầy cô”, cụ Tiến nói. 

Cũng chính những học trò hàng hiếm này đã tạo nên câu chuyện truyền kỳ cho ngôi trường trung cấp vùng ven này. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, trong khi các trường tri ân thầy cô thì ở trường này thầy cô mừng thọ học trò.

Cụ Tiến kể: “Thật tiếu lâm đúng không. Khi tôi về nhà nói với vợ con rằng, trường sẽ tổ chức mừng thọ cho tôi, ai cũng cười bảo tôi nói giỡn. Tới ngày tôi đi dự, họ mới tin là thiệt”. 

Tuổi tác không phải là giới hạn

Lan tỏa điều tốt đẹp từ lớp học

Tại Trường trung cấp Tây Sài Gòn còn có một lớp toàn nữ sinh đặc biệt. Lớp gồm 39 người, độ tuổi từ 16 đến 20. Những nữ sinh này do hoàn cảnh khó khăn nên bỏ học đi làm từ sớm. Các ngày trong tuần, họ vất vả mưu sinh trong các xưởng lân cận. Cuối tuần, họ mới được trở về với ước mơ đèn sách, đến trường học kiến thức về ngành y học cổ truyền. Đồng lương công nhân, làm thuê hạn chế nên việc duy trì chuyện học với họ là một thử thách. Thật may, họ không đơn độc. Người bảo trợ chính cho lớp là bà Trần Thị Xuân Thảo – cũng là bạn học cùng lớp. Bà Thảo năm nay đã 60 tuổi, thấy những em này có tuổi đời xấp xỉ con cháu mình nên bảo bọc.

“Khi theo học tại đây, thấy các em hoàn cảnh khó khăn, tôi đứng ra bảo trợ để sau này các em có thể giúp ích cho chính mình, cho gia đình và những người xung quanh. Một người có thể không san sẻ hết nhưng khi có nhiều người góp sức, số người được giúp đỡ sẽ nhiều hơn”, bà Thảo tâm sự. 

Ở đây, có một học sinh sở hữu kỷ lục không ai có thể tranh: học sinh lớn tuổi nhất trường. Đó là cụ Trương Cự, 81 tuổi, nhà ở Đức Linh, tỉnh Bình Thuận. Mỗi tuần, cứ đến chiều thứ Năm, cụ bắt xe khách vào Củ Chi đi học lớp y sĩ y dược học cổ truyền, đến Chủ nhật học xong lại ra bến xe về quê. Cụ là học sinh… già nhất lớp nhưng siêng năng nhất lớp. 

Nói về quyết định cắp sách đến trường ở độ tuổi này, cụ cho biết: “Từ vợ con cho đến các cháu đều nói tôi đã biết bốc thuốc, chữa bệnh, đi học làm chi cho tốn tiền, mất thời gian, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe”.  

Đến thầy hiệu phó trường này cũng không tin là cụ đi học. “Khi thầy về quê tôi tuyển sinh, tôi hỏi thầy ấy học phí trọn khóa bao nhiêu để cân nhắc. Thầy nói cụ chỉ nên lo có đủ thời gian và sức khỏe để học không thôi. Giờ thì thầy hiệu phó không dám cười nhạo tôi nữa rồi”, cụ Cự hào hứng kể.

Lúc đầu, cụ học rất mệt vì quên trước quên sau nhưng sau một học kỳ, học sinh U90 này cảm thấy “thấm” kinh khủng. Cụ cho biết: “Hơn 40 năm làm nghề, tôi tự hào mình biết trên 90% các cây thuốc ở tỉnh Bình Thuận. Khi đi học mới thấy kiến thức của tôi về thuốc vẫn còn hạn hẹp”.

Mỗi người đều có mục đích riêng để quyết định đi học lại ở cái tuổi cổ lai hy. Người học để không thấy mình già hay vô dụng; học để không bị đãng trí; để hoàn thiện giấy phép hành nghề… nhưng tất cả đều thấy đi học rất thú vị. 

Không chỉ có học, cứ mỗi cuối tuần, nhóm học sinh lão niên của trường còn làm bếp ăn từ thiện, bắt mạch bốc thuốc chữa bệnh cho người nghèo. Ngày cuối tuần, khuôn viên trường nhộn nhịp hơn cả ngày thường. Thầy trò cùng nhau nấu những món đặc sản của quê mình để chia sẻ với người khác. Những bữa cơm này là dịp để thầy trò từ khắp mọi miền đất nước thêm gắn bó khi cùng chia sẻ, trao đổi kiến thức, chuyên môn từ trường học đến thực tế. 

Hơn ai hết, chính họ sẽ lan tỏa tinh thần học tập suốt đời, minh chứng việc học không giới hạn bởi tuổi tác. Khi đến đây, nhìn ngắm những lão niên đi học mới thấy chúng ta đã tự đặt ra quá nhiều giới hạn cho cuộc sống này. 

Những gia đình đi học

Không khó để bắt gặp những đại gia đình rủ nhau đi học tại Trường trung cấp Tây Sài Gòn. Đa phần họ đều đi học để làm việc thiện. Bốc thuốc đông y là nghề gia truyền ba đời của gia đình ông Phạm Văn Tiếp (tỉnh Tây Ninh). Từ nhỏ, ông đã được cha truyền dạy những bài thuốc.

Cách đây 16 năm, ông Tiếp thành lập nhà thuốc miễn phí cho người nghèo, được vợ và các con đồng lòng phụ giúp. Tuy nhiên, ông Tiếp chỉ làm theo kinh nghiệm, chưa có bằng cấp, chưa đủ điều kiện pháp lý. Vì vậy, ông rủ ba người con cùng vượt hơn 100km vào những ngày cuối tuần để đi học mở mang kiến thức, nâng cao tay nghề khám chữa bệnh cho bà con. 

Gia đình học sinh Đào Ngọc Tuấn có 15 người gồm anh em, vợ chồng và các cháu cùng học. Ba mẹ con của học sinh Nguyễn Thị Son đến từ tỉnh Tây Ninh. Ba chị em học sinh Trương Thị Ngọc Hà đến từ tỉnh An Giang và 17 cặp vợ chồng khác… đều là bạn học chung lớp. Đặc biệt, có đến 400 cụ học sinh của tỉnh An Giang đang theo học, phần lớn đều đang làm việc trong các phòng khám chữa bệnh đông y thiện nguyện tại tỉnh này. 

Với lưu lượng 200 bệnh nhân/ngày, phòng khám đông y thiện nguyện Hòa An (Chợ Mới, tỉnh An Giang) tất bật cả ngày. Các thầy thuốc phải trực tiếp đi hái cây thuốc. Cả 10 thầy thuốc đang khám chữa bệnh ở đây đều đang theo học y học cổ truyền tại Trường trung cấp Tây Sài Gòn. 

Tiêu Hà/Phunuonline

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)