Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Khi xây dựng khu dân cư mới, KCX-KCN: Phải xây dựng trường mầm non

Tạp Chí Giáo Dục

“UBND TPHCM chỉ đạo kiên quyết và buộc các nhà đầu tư khi xây dựng các khu dân cư mới, khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) phải đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, trong đó chú trọng xây dựng các cơ sở giáo dục, văn hóa, y tế tại địa phương” – đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà khi trao đổi với phóng viên Báo SGGP sau khi báo đăng bài “Mở trường mầm non ở khu dân cư mới, KCX-KCN: Ràng buộc ngay khi lập dự án” (đăng ngày 6-7-2009).
Phóng viên: Năm học mới sắp đến gần nhưng vẫn còn nhiều trẻ lứa tuổi mầm non (MN) không có chỗ học. Thành phố đã có chủ trương gì để giải quyết tình hình này, thưa bà?
Phó Chủ tịch UBND TPHCM NGUYỄN THỊ THU HÀ: Số trẻ học MN ở thời điểm này tăng 12.198 cháu. Số lượng các cháu tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó, do ảnh hưởng của việc tăng dân số cơ học trên địa bàn thành phố tạo áp lực về chỗ học cho ngành giáo dục MN của thành phố.
– Thưa bà, khu vực thiếu trường tập trung chủ yếu ở nhiều khu dân cư mới, KCX-KCN, làm sao để giải quyết vấn đề này?
– Ở một số địa bàn có khu dân cư mới, KCX-KCN như ở quận Bình Tân, Bình Chánh, Thủ Đức, Gò Vấp, Tân Phú, số trẻ tăng cao nhưng vẫn đảm bảo có chỗ học cho các cháu, tuy sĩ số lớp tương đối cao hơn so với quy định của điều lệ trường MN (cụ thể từ 35 – 50 cháu/lớp so với quy định là 20 – 25 cháu/lớp).
Năm học 2008 – 2009, với trách nhiệm được phân cấp, các quận, huyện đã khởi công xây dựng được 20 trường MN với tổng mức đầu tư 81 tỷ đồng, đã đưa vào sử dụng 175 phòng học và các phòng chức năng. Hiện đang triển khai 30 dự án xây dựng trường MN khác với tổng mức đầu tư 232 tỷ đồng, sẽ đưa vào sử dụng 311 phòng và các phòng chức năng trong năm 2010.
UBND TP đã chỉ đạo các ngành tập trung đầu tư xây dựng các trường MN công lập tại các địa phương thực sự khó khăn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân công trình, để sớm giải quyết chỗ học cho học sinh ở những phường, xã chưa có trường MN công lập.
Các cháu Trường Mẫu giáo Dân lập Sao Mai 5 (quận Phú Nhuận) trong giờ vui chơi. Ảnh: MAI HẢI
– Nhiều doanh nghiệp cũng sẵn sàng hỗ trợ địa phương để xây dựng trường, nhưng do các KCX-KCN trước đây đã bỏ quên phần xây dựng trường học. Do đó, hiện nay nếu muốn xây trường cũng không có đất để xây. Trách nhiệm của từng quận, huyện trong việc vận động doanh nghiệp hỗ trợ địa phương?
– TPHCM luôn là một địa phương điển hình về thực hiện chủ trương xã hội hóa GD-ĐT, cụ thể UBND TP đã chỉ đạo UBND quận, huyện khảo sát, xây dựng và phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn. Trong các ngày 26 đến 28-6-2009, thành phố đã tổ chức ngày hội phát triển giáo dục TPHCM. Tại đây, đã công bố quy hoạch mạng lưới các trường lớp tại 24 quận, huyện và kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm triển khai thực hiện các dự án xây dựng trường cho các cấp học, ngành học, từ đó sẽ giảm áp lực về chỗ học cho con em thành phố trong những năm tới.
Trước đây, khi quy hoạch các KCX-KCN thành phố luôn yêu cầu bố trí cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, để bảo đảm cho hoạt động của các KCX-KCN, trong đó có bố trí các cơ sở giáo dục, y tế… tuy nhiên, quá trình thực hiện có lúc buông lơi, thiếu tập trung. Mặt khác, đây còn là trách nhiệm của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và xã hội.
UBND TP luôn tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để kêu gọi xã hội hóa đầu tư cho GD-ĐT. Do vậy, việc doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư xây dựng trường, lớp phù hợp với quy hoạch của thành phố, ngành giáo dục và đào tạo thành phố, UBND quận – huyện luôn sẵn sàng đón nhận.
– Trong bối cảnh Nhà nước chưa thể lo hết được cho giáo dục MN, trong khi đó doanh nghiệp không mặn mà đối với việc xây dựng trường MN vì thu hồi vốn chậm nên cần phải có chế tài ràng buộc khi xây dựng các khu dân cư mới, KCX-KCN, bà nghĩ sao về vấn đề này?
– Trong thực tế, số lượng các trường MN ngoài công lập chiếm gần 50% và giải quyết chỗ học cho hơn 113.713 cháu trên tổng số 266.000 cháu, việc đầu tư cho giáo dục không chỉ vì lợi nhuận mà còn là tâm huyết và tấm lòng của các nhà đầu tư. Thành phố có chương trình kích cầu thông qua đầu tư phát triển giáo dục và sẵn sàng hỗ trợ 100% lãi vay với thời hạn 7 năm cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển các ngành giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao…
UBND TP chỉ đạo kiên quyết và buộc các nhà đầu tư khi xây dựng các khu dân cư mới, KCX-KCN phải đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, trong đó chú trọng xây dựng các cơ sở giáo dục, văn hóa, y tế tại địa phương.
– Giải quyết chỗ học cho trẻ là vấn đề hết sức cấp bách vì đây là quyền lợi được học tập của trẻ em. MN là bậc học hết sức quan trọng đặt nền móng cho sự phát triển của một con người. Thành phố cần kiên quyết và giải quyết cấp bách vấn đề này như thế nào?
– Như đã nói ở trên, lãnh đạo thành phố luôn quan tâm đến sự nghiệp phát triển GD-ĐT. Năm học mới đã gần kề, UBND TP đã chỉ đạo nhiều biện pháp thúc đẩy để xây dựng mới, mở rộng, sửa chữa, nâng cấp trường học, tạo điều kiện để tiếp nhận thêm nhiều trẻ vào các lớp MN.
Biết rằng, việc xây dựng mới trường học còn gặp không ít khó khăn, nhưng các sở – ngành chức năng cần phối hợp với các quận-huyện tập trung giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, bồi thường giải phóng mặt bằng, giải ngân… để đảm bảo đủ trường lớp và chỗ học tập cho con em nhân dân thành phố, kể cả con em người lao động các tỉnh đang làm việc tại thành phố.
Với sự quan tâm của xã hội, tôi mong rằng các nhà đầu tư, phụ huynh học sinh cùng chia sẻ và góp phần cùng chính quyền thành phố giải quyết những khó khăn nhất thời hiện nay của ngành GD-ĐT thành phố.
LÊ LINH (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)