Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Khi xiếc nâng tầm thành kịch xiếc

Tạp Chí Giáo Dục

Với nhiều vở kịch xiếc được dàn dựng khá công phu và số ghế luôn lấp đầy trên 70% mỗi khi sáng đèn, tới thời điểm hiện tại có thể nói hướng đi mới của Nhà hát Phương Nam là hoàn toàn đúng đắn. Trong khi đó, nhiều nhà hát công lập vẫn phải “Ăn đong từng bữa”, trông chờ ngân sách.

Chuyển mình nhờ Kịch xiếc

Nhà hát Phương Nam (tên đầy đủ là Nhà hát nghệ thuật Phương Nam – tiền thân là đoàn Xiếc TPHCM) được thành lập từ năm 1986. Tuy nhiên, do đã có quy hoạch Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ nên trong thời gian chờ đợi rạp mới xây xong, đoàn đã phải “tạm cư” ở nhiều vị trí, từ quận 5 sang quận 11 rồi sang quận 1. Mãi tới đầu năm 2013, đoàn mới được tạm cấp khu đất 5.529 m2 tại Công viên Gia Định (quận Gò Vấp) để xây dựng nhà bạt (một dạng nhà tiền chế) để diễn xiếc. Dù chỉ là nhà bạt nhưng trong những năm vừa qua Nhà hát Phương Nam đã có những nỗ lực hết mình để thu hút khán giả đến với nghệ thuật xiếc.

Trước khi có những vở kịch xiếc, Nhà hát Phương Nam cũng đã từng có nhiều tiết mục xiếc nổi tiếng, giành được nhiều Huân – huy chương trong các hội diễn trong và ngoài nước. Đặc biệt tiết mục Sức mạnh đôi tay và Bịt mắt chồng đầu lên cầu thang thăng bằng của 2 anh em NSƯT Giang Quốc Cơ – NSƯT Giang Quốc Nghiệp đã nổi danh khắp thế giới.

Cuối năm 2020, Nhà hát đã giới thiệu tới công chúng vở kịch xiếc đầu tiên mang tên Ba Tư huyền bí. Chỉ là câu chuyện quen thuộc của xứ sở Ngàn lẻ một đêm với những nhân vật Thần đèn, Công chúa Ba Tư xinh đẹp, chàng Aladdin thật thà, lão phù thủy độc ác… nhưng lần đầu tiên tại sân khấu Nhà hát Phương Nam, khán giả đã chứng kiến câu chuyện được kể bằng ngôn ngữ xiếc. Hơn 50 diễn viên trẻ tài năng đã thể hiện nhiều tiết mục xiếc đặc sắc được lồng ghép trong những tình huống hấp dẫn của câu chuyện. Cùng với sân khấu được trang trí 3D hoành tráng, với những kỹ xảo và ánh sáng lung linh huyền ảo khiến cho khán giả như lạc vào không gian huyền thoại.

Khi xiếc nâng tầm thành kịch xiếc ảnh 1

Vở kịch xiếc “Cha Rồng mẹ Tiên”

Từ khi ra mắt cho tới nay, vở diễn Ba Tư huyền bí vẫn sáng đèn định kỳ và luôn thu hút số lượng khán giả ổn định. Theo ông Lê Diễn – Giám đốc Nhà hát Phương Nam, sự thành công của Ba Tư huyền bí là chất xúc tác cho Nhà hát định hình thêm một hướng đi mới, hướng đi dàn dựng các vở kịch xiếc có lớp lang, có thắt mở và những xung đột của kịch… thay vì chương trình với những tiết mục xiếc nối tiếp nhau như thường thấy.

“Chúng tôi dùng ngôn ngữ xiếc để thể hiện vở diễn, các diễn viên thay vì chỉ là diễn xiếc thông thường thì trong kịch xiếc, tiết mục xiếc phải hòa nhập với vở diễn. Ngoài ra các diễn viên còn phải thể hiện diễn xuất của mình như một diễn viên kịch, phải hoá thân vào nhân vật” – Ông Lê Diễn chia sẻ.

Khi xiếc nâng tầm thành kịch xiếc ảnh 2

Vở kịch xiếc “Ba Tư huyền bí”

Từ thành công của Ba Tư huyền bí, tháng 7/2022 Nhà hát Phương Nam tiếp tục ra mắt vở kịch xiếc Bí ẩn nơi đảo hoang. Vở diễn này không chỉ là kịch xiếc mà lần đầu tiên, Nhà hát còn sử dụng sân khấu nước để dàn dựng. Nước được bơm vào sân khấu tròn đã quây bạt của nhà hát để không gian nước tạo hình ảnh một hòn đảo hoang, làm nền cho câu chuyện một cậu bé đi vào giấc mơ và lạc tới hòn đảo huyền ảo. Cậu được gặp gỡ bộ lạc thời nguyên thuỷ với cuộc sống hoang dã… Từ bối cảnh đó, nhiều màn xiếc đã được đưa vào trong hành trình khám phá xứ sở mới của cậu bé như các kỹ thuật xiếc nhảy dây, lăn vòng, đu dây, tung hứng, xe đạp, xiếc lửa… thu hút khách liên tục trong những tháng cuối năm 2022…

Cuối tháng 4/2023, Nhà hát Phương Nam đã ra mắt tiếp vở kịch xiếc thứ 3 mang tên Cha Rồng mẹ Tiên với câu chuyện về giai thoại mối tình Lạc Long Quân – Âu Cơ cùng 100 người con lên rừng xuống biển. Và cũng như 2 vở kịch xiếc trước, Cha Rồng mẹ Tiên tiếp tục ăn khách. Nhà hát phải mở thêm nhiều suất diễn để đáp ứng nhu cầu khán giả.

Chuẩn bị cho xiếc hội nhập quốc tế

Cũng vào dịp cuối tháng 4 năm nay, TPHCM đã chính thức khởi công xây dựng Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ. Công trình sẽ được xây dựng trong vòng 2 năm và dự kiến khánh thành đúng vào dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước 30/4/2025. Đây là tin vui với những người làm nghệ thuật xiếc tại TPHCM.

Theo ông Lê Diễn, công trình rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ sẽ mở ra tương lai cho xiếc thành phố bởi nơi đây không chỉ dành riêng cho Nhà hát Phương Nam mà cho nhiều loại hình nghệ thuật khác. “Đặc biệt với một rạp xiếc đủ chuẩn, chúng ta có thể mời những đoàn xiếc quốc tế tới giao lưu, biểu diễn. Bên cạnh đó, thành phố có thể tổ chức những liên hoan xiếc quốc tế, điều mà từ trước tới nay TPHCM chưa hề có. Không chỉ khán giả tại TPHCM được xem các chương trình xiếc nổi tiếng thế giới mà các nghệ sĩ xiếc tại TPHCM sẽ có cơ hội giao lưu học hỏi, thi tài với các nghệ sĩ quốc tế” – ông Diễn nhận xét.

Theo Trọng Thịnh/TPO

 

Bình luận (0)