Không còn những con thú hoang dã, chỉ còn thú nuôi như lợn, dê, mèo, chó…, xiếc thú đang thay đổi theo hướng bổ sung câu chuyện và hiệu ứng hình ảnh.
Hổ vằn và sư tử đã có một trận chiến khốc liệt trong chương trình xiếc Chúa tể rừng xanh của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Đó là cuộc chiến trong vòng quay lộn nhào ở dưới đất và trên không trung qua chiếc đu bay. Xen lẫn giữa tiết mục xiếc đó, tiếng khán giả nhí cổ vũ: “Anh hổ vằn cố lên”. Các em bị cuốn vào cuộc chiến đấu để giữ rừng của hổ vằn. Và hổ vằn do diễn viên Thanh Tuấn thể hiện cho thấy sân khấu xiếc hiện nay đã khác rất xa so với trước.
Những câu chuyện quen thuộc như Hai con dê qua cầu được kể lại theo cách khác, khiến xiếc gần gũi khán giả trẻ hơn. TẤN LẠI
Còn nhớ, ông tổ của xiếc Việt Nam hiện đại – NSND Tạ Duy Hiển – từng là người huấn luyện thú rất tài ba, trong đó có hổ, sư tử… Ông cũng dàn dựng nhiều tiết mục xiếc mang màu sắc văn hóa dân tộc như phi ngựa đánh đàn tứ, uốn dẻo trên trống cái, voi gắp dùi gõ trống… Ở thời điểm ban đầu đó, xiếc thú được biết đến là bộ môn xiếc với động vật hoang dã… Tuy nhiên, hiện nay, điều kiện làm việc của xiếc đã khác.
“Trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, chúng ta phải tuân theo các công ước của quốc tế đã đưa ra về việc hạn chế, chấm dứt sử dụng động vật hoang dã trên sân khấu xiếc. Các loài thú lớn như voi, hổ, gấu… sẽ không còn xuất hiện trên sân khấu xiếc”, NSND Tống Toàn Thắng, Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, cũng là đạo diễn của Chúa tể rừng xanh, chia sẻ.
Để xiếc và xiếc thú hấp dẫn hơn, đầy đủ “thế giới động vật”, các diễn viên như Thanh Tuấn đã hóa trang thành những động vật hoang dã. Trong vở diễn vì thế vẫn có cả đàn sư tử, hay những đàn bướm rập rờn. Những diễn viên người và động vật này đều được hỗ trợ thêm bằng việc dàn dựng.
Trong Chúa tể rừng xanh, có thể thấy sân khấu xiếc truyền thống – sân khấu tròn – đã có những biến đổi. Một khu rừng trên núi được dựng lên khiến sân khấu này có chút “pha” với sân khấu hộp. Điều đó giúp công chúng được xem những cảnh quan mãn nhãn hơn, tuy vậy cũng “hy sinh” luôn một lượng ghế sau lưng tấm phông. Nói cách khác, sân khấu đã thay đổi để bổ sung yếu tố hấp dẫn về nghe nhìn cho xiếc cũng như xiếc thú.
Bên cạnh đó, kể lại những câu chuyện quen thuộc theo cách khác khiến xiếc gần gũi khán giả trẻ hơn. Trong Chúa tể rừng xanh, câu chuyện Hai con dê qua cầu được đưa vào. Khác với cái kết dê đen và dê trắng húc nhau, cả hai cùng rơi tõm xuống suối, đạo diễn cho dê đen nhảy qua dê trắng để cả hai cùng qua cầu. Cú nhảy này khiến khán giả ồ lên vui vẻ.
Sự bất ngờ chính là điều khiến xiếc thu hút. Thiếu đi sự bất ngờ từ những động vật hoang dã, Liên đoàn Xiếc triển khai thêm tiết mục với thú nuôi như chó, mèo, lợn, dê… “Thực ra, lợn, dê… cũng có thể dạy làm xiếc được. Vấn đề là nghệ sĩ xiếc cần nghĩ ra tiết mục sao cho hấp dẫn”, NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, nói.
Liên đoàn cũng có kế hoạch để các tiết mục xiếc thú nuôi ngày một nhiều lên. Mục tiêu cuối, liên đoàn có thể tổ chức biểu diễn định kỳ 1 tuần/lần chương trình xiếc thú để phục vụ khán giả.
Theo Trinh Nguyễn/TNO
Bình luận (0)