Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Kho báu 2.000 năm trong tàu Titanic cổ đại

Tạp Chí Giáo Dục

Tàu Atntikythera được ví như Titanic thời cổ đại, chở theo đồng hồ thiên văn cổ xưa nhất Trái Đất, cùng nhiều bảo vật quý giá.

unnamed5-9454-1435371666.jpg

Người thợ lặn tìm thấy ngọn giáo dài 2m, có thể là của một bức tượng nào đó.

Theo Live Science, giới chức Hy Lạp đã quyết định gia hạn thêm 5 năm để các nhà thám hiểm quốc tế tiếp tục tìm kiếm phần còn lại của con tàu đắm 2.085 năm tuổi Antikythera.

Con tàu được đặt tên theo vùng biển nơi nó gặp nạn vào khoảng năm 70-60 trước Công nguyên, khi đang di chuyển cùng với vô số châu báu và hàng hoá về hướng tây, từ thành Minor của châu Á, đến Rome.

Trong giai đoạn I của dự án Trở lại Antikythera (kết thúc tháng 10/2014), các nhà thám hiểm dưới đại dương đã tìm thấy nhiều bộ bát đĩa, mỏ neo chính, một ngọn giáo bằng đồng khổng lồ có thể là một phần của bức tượng chiến binh hoặc nữ thần Athena, cùng nhiều vật quý giá khác.

Nhờ chính phủ cho phép kéo dài dự án, các nhà nghiên cứu sẽ tập trung tại các điểm đã khảo cứu trước đây để tìm kiếm các vật dụng bằng gốm và kim loại. Họ hy vọng sẽ hoàn tất bản đồ chi tiết của con tàu đắm và trục vớt được kho báu quý giá từ con tàu.

Để chuẩn bị cho giai đoạn hai bắt đầu cuối mùa hè này, các nhà khoa học đã thả thiết bị di chuyển dưới nước tự động (AUV) để khảo sát con tàu trong 10 ngày. Mới đây, AUV và thiết bị phát hiện kim loại đã xác định vị trí của nhiều mảnh vật dụng có đồng, chì và sắt. AUV cũng đã tiếp cận với các hiện vật, chụp ảnh và thu thập dữ liệu không gian, bao gồm cả thông tin về mối liên hệ giữa các hiện vật. Trong vòng 5 năm tới, các nhà khoa học sẽ khai quật từng phần của con tàu đắm Antikythera.

Phát lộ kho báu

Con tàu Antikythera được ngư dân đảo Symi, Hy Lạp tìm thấy cách đây hơn một thế kỷ trong khi đang đánh bắt bọt biển ngoài khơi Antikythera, cù lao nhỏ thuộc Hy Lạp có dân số 45 người.

Khi lặn xuống biển, người ta vô tình phát hiện mảnh vỡ của con tàu. Người thợ lặn vớt lên cánh tay của một bức tượng đồng từ độ sâu 40-50m dưới đáy biển.

Với sự trợ giúp của Bộ Giáo dục và hải quân Hy Lạp, những người tìm bọt biển đã phát hiện nhiều bức tượng cổ, bao gồm tượng anh hùng Ulysses, Diomedes cưỡi ngựa, thần Hermes, thần Apollo, và nhiều vị thần khác.

Trong khi phân tích những cổ vật này, bộ trưởng Giáo dục lúc đó, ông Spyridon Stais đã khám phá ra một thiết bị gọi là Cỗ máy Antikythera, thực chất là một đồng hồ thiên văn, được coi là máy tính analog cổ xưa nhất Trái Đất.

unnamed-2906-1435371666.jpg

Máy tính cổ xưa nhất Trái Đất.

Thiết bị này trông giống một chiếc đồng hồ, nhưng thay vì kim giờ và kim phút, các kim và núm của nó chỉ chu kỳ quay của các hành tinh, ngày tháng và thời điểm nhật thực, nguyệt thực.

Nó theo dõi hành trình của Mặt Trời, Mặt Trăng và các hành tinh với một sự chính xác đáng kinh ngạc. Một nhà văn Thụy Sĩ từng nói rằng nó thuộc về người ngoài Trái Đất. Số kho báu và cổ vật này đang được lưu giữ tại Bảo tàng khảo cổ học ở Athens.

Cuộc thám hiểm tàu Antikythera bắt đầu từ năm 2012, do Trung tâm nghiên cứu Di tích dưới nước của Hy Lạp hợp tác với Viện Đại dương học Woods Hole ở Massachusetts, Mỹ. Hai cơ quan này sẽ tiếp tục cộng tác trong giai đoạn hai với sự trợ giúp của "Exosuit" –  thiết bị lặn do viện Woods Hole cung cấp. Các nhà khoa học miêu tả nó như là bộ giáp của Iron Man (Người sắt) để phục vụ khoa học dưới nước.

Kết thúc giai đoạn I, các nhà khoa học đã dựng được bản đồ 3D khu vực đáy biển và con tàu. Họ cũng đưa những khu vực có nhiều kim loại sắt vào dữ liệu. Dữ liệu này được đưa vào hệ thống thông tin địa lý GIS,  hệt thống này bao gồm cả dữ liệu về địa lý khu vực kể từ năm 1900.

Các nhà nghiên cứu tìm thấy hai khu vực tách biệt cách nhau khoảng 100m, điều này có nghĩa là con tàu đã bị vỡ làm đôi khi đâm vào đá ngầm hoặc có hai con tàu chịu chung số phận.

"Các bằng chứng cho thấy đây là con tàu đắm từ thời cổ đại lớn nhất được tìm thấy," Brendan Foley, nhà khảo cổ học đại dương của Viện Woods Hole cho biết. "Nó thực sự là Titanic của thời cổ đại."

Cuộc thám hiểm đã phát hiện một số lượng lớn cổ vật quý giá. “Con tàu đắm Antikythera giúp chúng ta nhận thấy sự đa dạng trong số hàng hóa mà nó vận chuyển," bà Aggeliki Simosi, giám đốc trung tâm nghiên cứu Di tích dưới nước của Hy Lạp cho biết.

"Con tàu chìm này thực sự là một bảo tàng nổi," bà nói. Việc phát hiện ra con tàu khẳng định sự tồn tại của lộ trình buôn bán đồ vật quý giữa các quốc gia phía đông Địa Trung Hải.

unnamed3-5253-1435371666.jpg

Các nhà thám hiểm dung máy dò kim loại để tìm châu báu trong con tàu đắm.

Ngô Minh (theo vnexpress)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)