Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Khó chấn chỉnh xe 3-4 bánh thô sơ, tự chế

Tạp Chí Giáo Dục

Sau vụ xe xích lô chở tôn gây tử vong bé trai 10 tuổi ở Hà Nội vào chiều 23-9-2016, hai thành phố lớn là TP.HCM, Hà Nội và nhiều địa phương lập tức tăng cường kiểm tra, xử phạt xe 3-4 bánh chở hàng cồng kềnh, nguy hiểm. Tuy nhiên, tình trạng xe 3-4 bánh thô sơ, tự chế vốn vẫn còn tồn tại, hoạt động, đôi khi gây tai nạn nghiêm trọng.

Người lao động mưu sinh bằng xe 3 bánh tự chế vì chưa đủ khả năng để chuyển đổi phương tiện

Gây tai nạn ở nhiều nơi

Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương đã xảy ra nhiều vụ TNGT do xe 3-4 bánh thô sơ, tự chế gây ra. Vụ tai nạn gần đây nhất xảy ra vào ngày 28-9, tại Hà Nội. Một chiếc xe 3 bánh gắn nhãn hiệu thương binh chở nhiều đồ đạc, do một người đàn ông điều khiển lưu thông trên đường Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm), khi đến đoạn đối diện Sân vận động Mỹ Đình bất ngờ va chạm mạnh với một xe đạp điện của nữ sinh viên. Vụ va chạm khiến xe ba gác bị lật nhào giữa đường, còn nữ sinh viên thì bị thương nặng.

Tương tự, TP.HCM cũng đã từng xảy ra một số vụ tai nạn nghiêm trọng trong năm nay. Điển hình như vụ tai nạn vào ngày 20-2, khi ông Đỗ Văn Biển điều khiển xe ba gác trên đường Tân Sơn (Gò Vấp) hướng từ đường Quang Trung về Trường Chinh đã xảy ra va chạm mạnh với một xe tải chạy chiều ngược lại làm cho chiếc xe ba gác bốc cháy, khiến ông Biển cũng bị chết cháy trên xe. Một vụ TNGT khác trên địa bàn quận Phú Nhuận vào 20-7, khi một xe rác vi phạm lưu thông ngược chiều trên đường Nguyễn Kiệm, bất ngờ tông mạnh và hất văng một thanh niên đi xe gắn máy vào hông xe ô tô 4 chỗ, khiến nạn nhân bị thương nặng và gây ùn tắc giao thông kéo dài.

Theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT đường bộ – đường sắt Công an TP.Hà Nội, từ đầu năm 2016 đến nay, cơ quan chức năng đã xử lý trên 450 trường hợp xe 3 bánh giả danh xe thương binh. Tuy nhiên, việc xử lý mới chỉ dừng lại ở chỗ xử phạt người vi phạm không có đăng ký, không có giấy tờ và bằng lái. Trong khi nơi sản xuất ra những loại xe này thì cơ quan chức năng không thể can thiệp. 

Cũng trong tháng 7 vừa qua, trên địa bàn xã Minh Tân, huyện Đông Hưng, Thái Bình đã xảy ra một vụ TNGT giữa xe máy với xe 3 bánh tự chế. Nguyên nhân do người đàn ông điều khiển sang đường không bật đèn xi nhan, va quẹt với xe máy cùng chiều, khiến phương tiện  này bị trượt dài 20 mét, hai nạn nhân bị thương phải nhập cấp cứu. Tại tỉnh Kiên Giang, tài xế xe tải Trương Minh Hiếu (SN 1988, ngụ Ninh Thuận) khi lưu thông trên QL80 bất ngờ tông phải xe ba gác do ông Nguyễn Văn Hiệp (SN 1963, TT.Kiên Lương) điều khiển. Khi đó ông Hiệp lập tức nhảy ra khỏi xe, nhưng không may chiếc xe ba gác lao tự do trúng ông Hoàng đang đậu xe ở lề đường. Cú tông quá mạnh khiến ông Hoàng bị hất văng vào gốc cây tử vong tại chỗ.

Cái khó trong công tác xử lý

Theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT đường bộ – đường sắt Công an TP.Hà Nội, từ đầu năm 2016 đến nay, cơ quan chức năng đã xử lý trên 450 trường hợp xe 3 bánh giả danh xe thương binh. Tuy nhiên, việc xử lý mới chỉ dừng lại ở chỗ xử phạt người vi phạm không có đăng ký, không có giấy tờ và bằng lái. Trong khi nơi sản xuất ra những loại xe này thì cơ quan chức năng không thể can thiệp.

Cũng như Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng Ban chuyên trách Ban ATGT thừa nhận tình trạng trên ở TP.HCM cũng chỉ có chuyển biến phần nào, vẫn còn tồn tại rải rác ở nhiều nơi, nhất là vùng ngoại thành, chưa thể chấm dứt triệt để một khi chưa giải quyết được những vấn đề dân sinh. Nguyên nhân do phần lớn người sử dụng phương tiện 3-4 bánh thô sơ, tự chế là lao động nghèo, chưa đủ khả năng tài chính để chuyển đổi phương tiện. Trong đó cũng phải kể đến các loại xe ba gác thô sơ được sử dụng để thu gom rác dân lập. Đặt trường hợp xử lý nghiêm đối tượng này, cũng đồng nghĩa với tình trạng thành phố sẽ bị tồn đọng rác thải, nhất là trong các khu dân cư.

Vẫn biết sử dụng xe tự chế, lắp ráp sai quy định khi tham gia giao thông sẽ bị tịch thu, tuy nhiên, chị Thủy (quê Nam Định) cho biết, vợ chồng chị và hai người anh đều sử dụng loại xe 3 bánh tự chế để chở thuê vật liệu và chở rau củ đi bán mỗi ngày. Chị tâm sự: “Cũng vì khó khăn quá mới đi làm nghề này, chứ làm công nhân suốt đời như chị Hai tôi rồi cuối cùng phải rước bệnh đau khớp, viêm phổi vào thân. Cho nên, là phụ nữ tôi buộc phải sử dụng xe máy tự chế mới có thể đến chợ đầu mối lấy hàng. Như vậy mới còn sức mà rong ruổi bán từ quận này sang quận kia. Còn nếu xui thì chấp nhận bỏ của chạy lấy người”.

Bài, ảnh: Bích Vân

Bình luận (0)