Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm đã có buổi làm việc với Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước (TTĐHCTCNN) TP sáng 25-4.
Công nhân nạo vét kênh rạch thoát nước. Ảnh: Q.Huy |
Để giải quyết tình trạng ngập nước, hiện TP.HCM đã và đang triển khai nhiều giải pháp, dự án. Tuy nhiên, chỉ cần một cơn mưa kéo dài từ 1-2 giờ là gây ngập nặng nhiều tuyến đường khiến giao thông rối loạn, hàng loạt nhà dân và cửa hàng bị nước tràn vào… Hiện trên địa bàn TP còn 211 điểm ngập do mưa.
Mùa khô cũng… ngập
Từ đầu tháng 4 đến nay, TP.HCM đã đón nhiều cơn mưa trái mùa, trong đó có những cơn mưa lớn gây ngập nhiều nơi. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Đình Quyết – Phó phòng Dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết: Mưa trái mùa, trong đó có những cơn mưa lượng đo được gần 163mm (Q.Tân Bình) và 111mm (Q.Tân Phú) có nguyên nhân từ biến đổi khí hậu làm thay đổi những quy luật tự nhiên, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Hiện tượng ENSO đang ở pha trung tính và có khả năng chuyển thành El Nino trong tháng 5 và 6 được cho là những yếu tố tác động làm xuất hiện hiện tượng thời tiết cực đoan này khiến TP.HCM và nhiều tỉnh phía Nam có mưa trái mùa lớn nhất từ trước đến nay.
Ông Quyết nhấn mạnh: “Cơn mưa chiều 2-4 là lớn nhất trong mùa khô từ trước tới nay ở Nam bộ, đợt mưa liên tục trong những ngày qua với những trận mưa lớn 40-50mm cũng là rất hiếm xảy ra trong mùa khô ở Nam bộ”.
Ông Đỗ Tấn Long – Trưởng phòng Phòng Quản lý hệ thống thoát nước, TTĐHCTCNN TP – cũng cho biết: Năm 2016, trên địa bàn TP xảy ra 135 trận mưa. Trong đó, có 29 trận mưa trên 50mm, tăng gần gấp đôi so với năm 2015. Đặc biệt, sau những trận mưa to kết hợp với triều cường, 46 tuyến đường và khu vực thấp, trũng của TP lại chìm sâu trong nước. Những đợt triều cường cao 1,67m tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn cũng làm 12 tuyến đường của TP bị ngập sâu. Nặng nhất là các con đường Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (Q.7); Quốc Hương, Thảo Điền (Q.2); Quốc lộ 50, Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè); Bình Quới, Bình Lợi (Q.Bình Thạnh)… Trong 76 tuyến đường bị ngập trong năm 2016, có tới 46 tuyến đường ngập do mưa lớn vượt tần suất thiết kế cống. Nghiêm trọng nhất là đợt mưa lớn kỷ lục trong 40 năm qua với vũ lượng hơn 200mm hồi tháng 9, khi đó hệ thống cống hiện hữu của TP bị vô hiệu.
Năm 2017, xóa 12 điểm ngập do mưa
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng – Phó Giám đốc TTĐHCTCNN TP – tình trạng lấn chiếm kênh rạch trái phép, xâm hại hệ thống thoát nước trên địa bàn TP đang tồn tại 59 trường hợp xây dựng lấn chiếm cửa xả (thuộc 23 tuyến đường); 105 hầm ga (thuộc 41 tuyến đường); 13,9km cống và 394 hầm ga (thuộc 92 tuyến đường); 61 vị trí lấn chiếm kênh, rạch phục vụ thoát nước. UBND TP đã yêu cầu các đơn vị chức năng, UBND quận, huyện chỉ đạo phục hồi, nạo vét hệ thống kênh rạch, tuy nhiên kết quả chưa như mong muốn.
Tính đến cuối tháng 2-2017 các đơn vị liên quan mới chỉ xử lý được 7/59 vị trí lấn chiếm cửa xả; 10/105 vị trí lấn chiếm hầm ga; 0,284km/13,9km cống và 9/394 hầm ga; 5/61 vị trí lấn chiếm kênh, rạch thuộc địa bàn Q.9 và Thủ Đức. Gần đây, trung tâm còn bổ sung thêm 11 vị trí lấn chiếm thuộc Q.12, huyện Hóc Môn, Q.Bình Tân.
Từ thực tế này, lãnh đạo TP yêu cầu các đơn vị chức năng phối hợp với các quận, huyện tăng cường xử lý để trả lại dòng chảy cho các kênh rạch… Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân không xả rác xuống kênh rạch khiến dòng chảy bị hạn chế, khi mưa xuống nước thoát không kịp dễ gây ngập.
Tín hiệu đáng mừng trong công tác chống ngập tại TP.HCM là Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) được khởi công vào cuối tháng 6-2016 với tổng vốn đầu tư lên đến 10.000 tỷ đồng đang được triển khai thuận lợi. Với 6 cống ngăn triều, 8km đê bao ven sông Sài Gòn, dự án được kỳ vọng giải quyết tình trạng ngập cho 570km2 với 6,5 triệu dân tại 6 quận, huyện của TP. |
“Nhằm giải quyết tình trạng ngập nước, cần xây dựng tuyến đê bao khép kín dọc sông Sài Gòn từ Bến Súc đến sông Kênh Lộ với chiều dài khoảng 149km. Theo quy hoạch phải xây dựng 10 cống kiểm soát chiều lớn. Hiện nay, TP cũng đã có quy hoạch hệ thống hồ điều tiết để hỗ trợ cho hệ thống thoát nước tại những khu đô thị hiện hữu và vùng cao nhằm hạn chế nước dồn về những vùng thấp. Để ngăn, thoát nước và ứng phó với biến đổi khí hậu, TP cũng quy hoạch khoảng 100 hồ điều tiết phân tán trên toàn TP. Bên cạnh đó tăng cường hợp tác với các nước Hà Lan và Nhật Bản để học hỏi kinh nghiệm và áp dụng những biện pháp chống ngập hiệu quả hơn”, ông Đỗ Tấn Long thông tin.
Năm 2017 TP đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng cho công tác chống ngập. Trong đó, khoảng 2.000 tỷ đồng được dùng để đầu tư xây dựng 51 dự án chống ngập; gần 1.000 tỷ đồng còn lại sẽ dùng để phục vụ công tác duy tu, bảo dưỡng, vận hành hệ thống chống ngập hiện hữu. Theo kế hoạch, trong năm 2017, TP xóa 12 điểm ngập do mưa.
Lê Quang Huy
Bình luận (0)