Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Khổ cho “thân” cầu

Tạp Chí Giáo Dục

Dừng, đỗ xe trái quy định ở lòng cầu để buôn bán là chuyện đã xảy ra và vẫn tiếp diễn ở TP.HCM. Tình trạng này chưa dứt thì xu hướng người trẻ chọn hành lang cầu là nơi chuyện trò, hóng mát vào mỗi buổi tối cũng gây phiền phức không kém.

Cầu thành công viên

Đều là sinh viên, Hằng và Phát trước đây hay hẹn hò ở Công viên 30-4 gần Nhà thờ Đức Bà vào mỗi ngày cuối tuần, nhưng từ khi cầu Bình Lợi mới (thuộc đường Phạm Văn Đồng, quận Bình Thạnh) khánh thành đi vào sử dụng, cặp đôi này đã bỏ công viên và chọn chiếc cầu mới, vì “đây là nơi hẹn hò lý tưởng, vừa lãng mạn, mát mẻ lại gần nhà trọ mà muốn ăn cá viên chiên hay uống nước cũng có vì người bán hàng rong cũng thích đến đây để bán được hàng vì có đông người”.

Theo lời của bà Trịnh Thị Dung, sống gần chân cầu Bình Lợi cho biết, trước đây khi còn là cầu cũ thì chẳng có ai đến đây, nhưng từ khi cây cầu vòm thép lớn nhất Việt Nam này bắt đầu thông xe từ tháng 9-2013 đến nay thì ngày nào cũng nườm nượp người, nhất là tối thứ bảy và chủ nhật thì hai bên thành cầu chật kín các bạn trẻ và các cặp đôi. Điều đáng nói là tình trạng đỗ xe hàng loạt thành hai hàng dài hai bên thành cầu gây cản trở lưu thông cho những người qua cầu. Trong khi theo định mức công suất, cây cầu dài 1.093m này tiếp nhận khoảng 40% lưu lượng giao thông từ trung tâm thành phố qua sông Sài Gòn. 

Nhiều bạn trẻ vô tư dừng đỗ xe trái quy định ở cầu Bình Lợi

Để góp phần chấn chỉnh tình trạng trên nhằm đảm bảo an toàn cho người lưu thông, lực lượng CSGT đã có nhiều đợt ra quân chấn chỉnh, thậm chí xử phạt các trường hợp vi phạm lấn chiếm lòng lề đường trên cầu nhưng rồi sau đó đâu lại vào đấy.

Tương tự như cầu Bình Lợi, tình trạng xử phạt vi phạm lấn chiếm lòng cầu cũng đã từng được CSGT thực hiện nhiều lần, ráo riết ở cầu Thủ Thiêm (nối liền Bình Thạnh và quận 2) nhưng lỗi vi phạm này đến nay vẫn còn tồn tại. Trước khi có cầu Bình Lợi, thì cầu Thủ Thiêm dài 1.250m kể từ khi được khánh thành vào đầu năm 2008 đã trở thành điểm hẹn lý tưởng của giới trẻ thành phố. Cầu Thủ Thiêm do có vị trí đắc địa nằm vắt ngang khúc sông Sài Gòn uốn lượn quanh khu trung tâm TP.HCM tuyệt đẹp, nên chỉ cần đứng ở cây cầu này, người trẻ có thể thưởng lãm phong cảnh tuyệt đẹp và yên tĩnh của thành phố với cảnh sông Sài Gòn nên thơ và nhiều nhà cao tầng tráng lệ. Tuy nhiên, việc tập trung đông người ngắm cảnh vào buổi tối kéo theo đó là tình trạng đỗ xe lấn chiếm lòng cầu, buôn bán hàng rong, xả rác bừa bãi, thanh niên nhậu nhẹt…

Mặc dù không quá phức tạp như cầu Bình Lợi và Thủ Thiêm, nhưng cầu Phú Mỹ (cây cầu dây văng lớn nhất TP.HCM) dài 2.100m, bắc qua sông Sài Gòn nối quận 2 và quận 7 cũng là nơi khiến người dân phải dừng chân để ngắm cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp.

Cầu như chợ trời

Một trong những chiếc cầu có thâm niên là nơi buôn bán lấn chiếm lòng lề đường sầm uất nhất đầu tiên phải kể đến cầu Tham Lương nằm trên đường Trường Chinh, tiếp giáp giữa quận Tân Bình và quận 12. Chợ trời lòng lề cầu này được bày bán với nhiều mặt hàng gồm tôm, cua, nghêu, sò, ốc, hến, vịt, gà, bánh mì, trái cây theo mùa… Trung bình mỗi ngày ở khu vực này có đến 20 xe ba gác, xe máy, xe đạp hoặc “sạp” di động dùng để bày bán hàng chủ yếu là của người dân tứ xứ thường trực buôn bán ở khu vực này, vì thế mà tình trạng rác thải ngày nào cũng bừa bãi, nhếch nhác. Điều đáng nói là ở hai đầu cầu, cơ quan chức năng đã lắp đặt các biển “Cấm tụ tập buôn bán”, “Không chiếm dụng lòng đường đô thị, hè phố làm nơi kinh doanh, bày bán hàng hóa” từ nhiều năm nay, nhưng tình trạng buôn bán bát nháo vẫn còn đó.

Không chỉ gây mất trật tự giao thông bởi tình trạng buôn bán lấn chiếm bề mặt cầu, mà kể từ khi thành phố có cầu vượt, thì tình trạng buôn bán lấn chiếm cũng đã xuất hiện dưới lòng cầu. Cụ thể như ở dạ cầu vượt Bình Phước (Thủ Đức) và dạ cầu vượt Bình Triệu (Bình Thạnh) có nhiều quán nước, người bán vé số, bán trái cây, bán khẩu trang, bán kính, bán bảo hiểm xe máy… tụ tập hoạt động. Bán hàng ở đây được cái đỡ mưa, đỡ nắng nhưng lúc nào đội trật tự đô thị “dẹp loạn” thì ai nấy chạy tán loạn để thoát thân.

Lý giải vì sao tình trạng lấn chiếm lòng cầu, lòng dạ cầu để ngắm cảnh, buôn bán cứ tái đi tái lại nhiều lần, các cơ quan chức năng đều cho rằng do ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân chưa cao, mặt khác về phía cơ quan chức năng cũng chưa tiến hành kiểm soát và xử phạt vi phạm một cách liên tục. Trong thời gian tới, Đội CSGT Hàng Xanh cho biết sẽ liên tục xử lý hành vi dừng đỗ xe trái phép tại cầu Bình Lợi mới nhằm chấm dứt tình trạng tụ tập, gây cản trở giao thông tại khu vực này.

Quyết tâm của Đội CSGT Hàng Xanh hy vọng sẽ góp phần dứt điểm tình trạng lấn chiếm gây mất trật tự và mỹ quan thành phố trong bao nhiêu năm qua, không chỉ ở cầu Bình Lợi, mà còn được nhân rộng đến nhiều địa bàn khác nữa.

Bài, ảnh: Bích Vân

Hãy đánh giá bài viết này!

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)