Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Khó chuyển đổi mô hình quản lý

Tạp Chí Giáo Dục

Vườn học tập của SV tại KTX ĐH Quốc gia TP.HCM. Đây là đơn vị tiên phong của cả nước trong chuyển đổi từ mô hình “quản lý” sang “phục vụ” SV
Việc chuyển đổi từ mô hình “quản lý” sang “phục vụ” sinh viên đang là hướng đi của rất nhiều trường bởi nó thể hiện được hiệu quả tích cực đối với công tác học sinh sinh viên (HSSV) nội trú, tuy nhiên hoạt động này trên thực tế lại vướng rất nhiều trở ngại…
Chưa tự chủ, khó chuyển đổi
Tại hội thảo “Bàn về công tác HSSV nội trú năm 2011” do Bộ GD-ĐT tổ chức tại ĐH Quốc gia TP.HCM ngày 8-6, Phó vụ trưởng Vụ Công tác HSSV Bộ GD-ĐT Dương Văn Bá đã khẳng định những ưu thế của mô hình “phục vụ” SV trong giai đoạn hiện nay, đồng thời khuyến khích các trường căn cứ vào điều kiện cụ thể của đơn vị mình để vận dụng các mặt tiến bộ của mô hình này vào công tác tổ chức nội trú. Theo ông Bá, không nên quá đặt nặng vai trò “quản lý”, việc chú trọng “phục vụ” tốt cũng sẽ hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý. Sự việc 300 SV KTX Trường ĐH Bách khoa TP.HCM rời khỏi KTX để ngoại trú trước đây chỉ vì lý do hệ thống internet nội khu không đáp ứng được nhu cầu của các em đến nay vẫn được xem là “bài học xương máu” đối với ban quản lý. Giám đốc KTX Trường ĐH Bách khoa TP.HCM Phan Đình Mãi đúc kết, khi chất lượng dịch vụ không tốt không thể nào thu hút được SV. Theo ông Mãi, sau khi có những thay đổi bằng việc phối hợp với bưu điện cung cấp dịch vụ internet chất lượng với giá “mềm” hơn cho SV, số em đăng ký vào nội trú đã lại tăng đột biến.
KTX ĐH Quốc gia TP.HCM, đơn vị dẫn đầu cả nước trong chuyển đổi từ mô hình “quản lý” sang “phục vụ” cũng thừa nhận đã gặp không ít khó khăn trong suốt quá trình thực hiện. Ông Trần Thanh An (Giám đốc KTX ĐH Quốc gia TP.HCM) nêu: “Cái khó là từ trước đến nay chưa có mô hình thực tiễn nào về công tác phục vụ SV để học tập kinh nghiệm, chưa có cơ sở lý luận hay tài liệu hướng dẫn để tổ chức học tập”… Cũng theo Giám đốc An, việc thay đổi tư duy của nhân viên KTX cũng không hề dễ dàng. Tuy nhiên, ngược lại, đơn vị cũng gặp được những thuận lợi nhất định nhờ được tự chủ trong công tác tổ chức, tài chính. Trong khi đó, với không ít trường, vấn đề tự chủ như ĐH Quốc gia TP.HCM hiện vẫn chỉ là “niềm mơ ước”. Bởi cơ chế xin – cho, thiếu tính tự chủ tài chính đơn vị đã tồn tại quá lâu và hiện đang là trở ngại, trói buộc họ khi chuyển sang mô hình “phục vụ”. Ông Hoàng Văn Quý (Trưởng ban Quản lý KTX ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) cho biết, trường tiến hành dự toán kinh phí hoạt động ngay từ đầu năm, thông qua hiệu trưởng xét duyệt để phân bổ thực hiện, vì thế tính bị động cũng giảm đi. Đây cũng là hướng đi của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và một số đơn vị khác. Đại diện ĐH Thái Nguyên cho biết, tại đơn vị, việc quản lý tốt đã khó. Và với sự ràng buộc của cơ chế cũ, trường chưa thể chuyển sang mô hình “phục vụ” như các đơn vị bạn mặc dù rất muốn.
Để SV không “chê” KTX
Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành quy chế quản lý HSSV mới. Các trường kiến nghị, quy chế cần đưa ra những tiêu chuẩn chung để các trường có căn cứ thực hiện. Ông Nguyễn Văn Cương (Trưởng ban Quản lý KTX Trường ĐH Tây Nguyên) kiến nghị cụ thể, cần chú ý đến quy định tự chủ về tài chính – nhân sự để các trường được chủ động chọn lựa người có năng lực, tâm đắc với công việc vào quản lý KTX. Thực tế thời gian qua, các địa phương, ngay cả trung tâm lớn như KTX ĐH Quốc gia TP.HCM cũng diễn ra tình trạng “luân chuyển” những cán bộ bị… kỷ luật về làm công tác quản lý SV nội trú khiến cho hoạt động này kém hiệu quả. Phó vụ trưởng Vụ Công tác HSSV Bộ GD-ĐT Dương Văn Bá lại cho rằng, rất khó để xây dựng các tiêu chuẩn chung trong tổ chức quản lý. Thay vào đó, quy chế mới sẽ nhắm vào những nội dung cần thực hiện trong công tác quản lý và giao quyền quyết định thực hiện cho hiệu trưởng các trường.
Một nghịch lý là hiện nay, tại hầu hết các thành phố lớn, nhu cầu nội trú của SV rất lớn. Tuy nhiên, ở các tỉnh lẻ, các KTX luôn trong tình trạng thiếu vắng SV. Đơn cử như ĐH Thái Nguyên, số lượng chỗ có thể cung ứng cho SV lên đến hơn 20.000 (được xem là không lớn so với tổng lượng SV trong ĐH) song, KTX vẫn luôn bị thừa chỗ. Đại diện KTX ĐH Thái Nguyên giải thích, quanh khu vực trường học có rất nhiều nhà trọ tư nhân, chỉ với giá không quá 500 ngàn đồng, các em đã có thể thuê được một phòng khép kín, giờ giấc sinh hoạt thoải mái, được phép nấu ăn… Trong năm tới, có thể trường sẽ thực hiện “bắt buộc” ở nội trú đối với toàn bộ SV năm nhất. Trường ĐH Tây Nguyên hiện có 11.000 SV chính quy, nhưng KTX chỉ đáp ứng được 1.200 chỗ ở. Trong khi đó, hai KTX mới đang được xây dựng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ với sức chứa lớn nhưng lại có nguy cơ không thu hút được SV vì địa điểm cách xa trường đến 5km.
Phó vụ trưởng Vụ Công tác HSSV Bộ GD-ĐT Dương Văn Bá cũng thống kê, hiện có đến 80% SV ở ngoại trú khiến cho công tác quản lý rất phức tạp. Phần lớn những SV sa vào tệ nạn xã hội đều thuộc nhóm này. Nếu làm tốt công tác “phục vụ” thì HSSV sẽ chọn ở KTX mà không ở ngoài, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Ông Bá cũng nhấn mạnh, KTX không chỉ là nơi ở mà còn cần phải đi kèm với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí… lành mạnh để HSSV được thể hiện hết khả năng của mình.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Theo Bộ GD-ĐT, dự kiến đến cuối năm 2011 sẽ đáp ứng cho khoảng 330.000 HSSV được ở KTX tập trung với tổng đầu tư 4.800 tỷ đồng.
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)