Chiều 15/8, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận định, giá xăng giảm 1.000 đồng (giảm 5%) tức là các doanh nghiệp kinh doanh vận tải chỉ giảm được 1,6% chi phí vận tải.
Điều này chỉ có tác động đối với những doanh nghiệp chưa kịp điều chỉnh sau đợt tăng giá xăng vừa qua (ngày 21/7). Với các doanh nghiệp đã điều chỉnh, sẽ khó có sự thay đổi trở lại vì đợt giảm giá xăng ngày 14/8 chỉ có tác động tâm lý để kiềm chế không tăng giá.
Một lý do khác khiến giá cước vận tải khó giảm là do vận tải hàng hoá, hành khách đường dài chủ yếu sử dụng dầu diezel, trong khi giá nguyên liệu này vẫn giữ nguyên ở mức 15.950 đồng/lít.
Đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, ông Hùng cho rằng: khó giảm cước vì đợt tăng giá cước vừa qua chỉ áp dụng theo nguyên tắc bù lỗ nhiên liệu, trong khi các chi phí về bảo dưỡng, sửa chữa, phụ tùng… đều tăng cao. Mặt khác, thủ tục để điều chỉnh đồng hồ tính cước, giá cước mới rất mất thời gian nên các doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc.
Trong khi đó, theo ghi nhận của chúng tôi đến hết buổi chiều hôm qua (15/8) vẫn chưa có hãng taxi nào tại Hà Nội tiến hành điều chỉnh cước. Lãnh đạo một hãng cho rằng: giá xăng mới giảm nên cước taxi chưa thể hạ ngay mà doanh nghiệp cần tính toán kỹ.
Hơn nữa xăng tăng từ 14.500 lên 19.000 đồng/lít (tăng 31%), nay chỉ giảm 1.000 đồng, quá nhỏ so với những gì mà các doanh nghiệp phải gánh chịu trong suốt thời gian qua.
Thông tin mới nhất mà chúng tôi có được, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng đã có đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính cho phép các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường bộ được tính phụ thu giá xăng dầu như ngành hàng không nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm.
Phúc Hưng (dantri.com.vn)
Bình luận (0)