Khi chưa giải quyết thấu đáo được vấn đề cải thiện thu nhập, nhà ở, tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ cho nguồn nhân lực… thì các doanh nghiệp vẫn sẽ còn gặp khó khăn với bài toán tìm cách giữ chân người lao động.
Tại hội thảo “Nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM trong giai đoạn mới” do Ban quản lý các khu chế xuất (KCX) và công nghiệp TP.HCM phối hợp ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức ngày 3-6, ông Nguyễn Tấn Định (Phó trưởng ban quản lý đơn vị này) cho biết, hiện thành phố có trên 252.560 lao động đang làm việc tại các KCX, khu công nghiệp (KCN). Trong đó, đa số lao động còn trẻ, tuổi từ 18-25. Số lao động có trình độ học vấn từ CĐ đến ĐH còn thấp (chưa tới 10%) trong khi tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo lại nhiều (84%). Các lĩnh vực kỹ thuật như công nghệ thông tin, thiết kế, điện tử, dược phẩm, hóa chất… luôn thiếu hụt lao động đã qua đào tạo. 60% lượng lao động này đến từ các tỉnh và thường hay dao động, dễ nhảy việc dẫn đến nhiều biến động nhân lực tại các KCX, KCN nhất là vào những dịp lễ Tết.
Mức thu nhập không còn hấp dẫn tại các KCX, KCN khiến khó thu hút được lao động vì thế gần đây, các doanh nghiệp buộc phải “hạ chuẩn” tuyển dụng lao động (tuyển ở trình độ lớp 9 thay vì lớp 12 như trước kia). Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, dù tiền lương của người lao động trong các KCX, KCN hằng năm đều tăng nhưng vẫn còn ở mức thấp so với mặt bằng chung. Ít doanh nghiệp tăng lương theo tiêu chí thâm niên nên có những người làm lâu năm mà mức lương vẫn không thay đổi mấy. Chưa nói, trong khoản thu nhập đó, lại bao gồm cả 10%-15% các khoản phụ cấp xăng xe, nhà trọ, làm thêm giờ… Đây lại là những khoản thu nhập không ổn định, trong nhiều trường hợp có thể bị cắt bỏ. Việc tăng giá tiêu dùng gần đây khiến thu nhập của người lao động càng có xu hướng bị kéo giảm, không đủ chi tiêu. Cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục… cho người lao động cũng chưa được quan tâm đúng mức. Mới chỉ có không hơn 25% số lao động được khám bệnh định kỳ. Không ít doanh nghiệp tỏ ra “phớt lờ” các quy định khám chữa bệnh của Nhà nước.
Trong 5 năm tới (giai đoạn 2011-2015), TP.HCM cần 100.000 lao động cho các doanh nghiệp hiện hữu, doanh nghiệp mở rộng sản xuất và doanh nghiệp đầu tư mới. Các đại biểu cho rằng, để thu hút và giữ chân được người lao động, không chỉ đơn giản là việc cải thiện thu nhập cho họ mà còn liên quan đến giải quyết nhiều vấn đề an sinh xã hội khác. Ông Nguyễn Xuân Thủy (Trưởng phòng Quản lý Công ty TNHH MTEX) đặt vấn đề cấp phép xây dựng các chung cư cho người lao động trong phần đất của KCX, KCN có tính đến phương án bán trả góp thông qua điều kiện như xét thời gian làm việc tại KCX, KCN… bởi khi lập gia đình, sinh con cái, người lao động không thể cứ ở mãi trong cảnh nhà thuê. Ông Thủy còn đề cập đến việc xây dựng nhà trẻ ngay tại khu đất hoặc tiện ích công cộng trong các KCX, KCN. “Nếu mỗi KCX, KCN có một nhà trẻ, trường mẫu giáo chung với giá hợp lý để người lao động có thể gửi con khi đi làm thì sẽ hạn chế được tình trạng phải thôi việc để ở nhà giữ bé” – ông Thủy nói. Được biết, chương trình xây dựng các khu nhà ở cho lao động tại các KCX, KCN của thành phố hiện mới chỉ giải quyết được khoảng 3,3% nhu cầu của người lao động. Còn đến 90% người lao động phải ở trong những khu nhà trọ chật hẹp, nhếch nhác, không đảm bảo an ninh…
Hiện, việc tạo điều kiện cho công nhân đi học không được doanh nghiệp quan tâm đúng mức. Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng thừa nhận, đến nay chưa có quy định “bắt buộc” người sử dụng cùng tham gia vào quá trình đào tạo người lao động. Được biết, khoảng 70% công nhân được khảo sát có nhu cầu học tập chuyên môn, ngoại ngữ, vi tính… để nâng cao trình độ nhưng rất ít người được đi học do việc tăng ca, thu nhập thấp.
Mê Tâm
Dự tính đến năm 2015, nhu cầu lao động trong các doanh nghiệp lên tới 100.000 người, trong đó lao động trình độ công nhân kỹ thuật là 19%, trung cấp chiếm 12%, cao đẳng đại học chiếm 17% và lao động phổ thông chưa qua đào tạo chiếm 32%… |
Bình luận (0)