Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

“Kho” đồ dùng, đồ chơi sáng tạo

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Trương Thị Việt Liên (Quyền Trưởng phòng Giáo dục MN, hàng đầu – thứ 2 từ trái qua) đang góp ý với các đơn vị có sản phẩm trưng bày tại triển lãm

132 sản phẩm được làm từ các vật liệu gần gũi với đời sống, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, đậm tính sáng tạo, thẩm mỹ và an toàn tuyệt đối cho trẻ đã được trưng bày tại Triển lãm đồ dùng, đồ chơi mầm non (MN) cấp thành phố do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức, từ ngày 8 đến 11-3.

Nhiều giáo viên cho rằng “kho” sản phẩm này sẽ là kim chỉ nam cho công tác giáo dục trẻ ngày càng hiệu quả và toàn diện hơn.

Những sản phẩm sáng tạo, độc đáo

Nhân rộng sản phẩm có tính ứng dụng cao

Cô Trương Thị Việt Liên (Quyền Trưởng phòng Giáo dục MN, Sở GD-ĐT TP.HCM) khẳng định: Mục đích của triển lãm nhằm đẩy mạnh phong trào tự làm đồ dùng, đồ chơi của giáo viên, qua đó tôn vinh các tập thể, cá nhân có sản phẩm chất lượng, sáng tạo và có tính ứng dụng cao trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Các sản phẩm triển lãm đã đáp ứng được các tiêu chí như được dùng để thực hiện chương trình giáo dục MN; phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ. Chúng tôi sẽ triển khai nhân rộng các sản phẩm chất lượng, có tính ứng dụng cao trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ đến các trường trong thành phố.

Đó là các sản phẩm giúp cho trẻ phát triển thể chất, tăng cường vận động được làm bằng những chất liệu “cây nhà lá vườn”, ít tốn kém chi phí như: Bộ đồ dùng, đồ chơi bằng nguyên vật liệu là ống nước, cát, sỏi, que giúp trẻ phát triển xúc giác gan bàn chân, rèn luyện tính tự tin, nhanh nhẹn, khéo léo (Trường MN Nam Sài Gòn, Q.7); bộ đồ chơi ngoài trời hướng dẫn trẻ các kỹ năng dựng lều, thiết kế nhà búp bê, chơi trò chơi bò trong cổng trườn, chơi cột ném vòng, xếp thuyền trên hố cát, làm sân khấu rối… (Trường MN Bé Ngoan, Q.1)… Hay nhiều bộ dụng cụ âm nhạc gây ngạc nhiên cho người tham quan vì tính sáng tạo độc đáo như đàn T’rưng làm bằng tre trúc và đá, chuông âm bằng thanh inox, trống chiến bằng hộp bánh (MN Hoa Lan, Q.Tân Phú); bộ dụng cụ âm nhạc đàn ống được chế tác từ ống nước, trống từ thùng nhựa (MN Thành phố, Phòng GD-ĐT Q.12); dụng cụ xướng âm giúp trẻ xác định được âm vực của các nốt nhạc một cách dễ dàng (Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình)… Các giáo viên cũng đặc biệt chú ý đến những sản phẩm giúp trẻ phát triển khả năng tư duy và ngôn ngữ như bảng đa năng giúp trẻ nhận biết chữ in hoa, in thường, viết thường (MN Quận – Q.11); chuỗi trò chơi phát triển tư duy được thiết kế trên hệ thống bảng tương tác và phần mềm ActivIspire, giúp trẻ chơi trò chơi theo nhóm trên máy tính và cả trên bàn cờ (MN Hoa Hồng, Q.Gò Vấp)…

Cơ hội tiếp cận nhiều sáng kiến mới

Có mặt rất sớm trong buổi triển lãm ở cụm 3 (tổ chức tại Trường MN Quận – Q.11), cô Bùi Thị Nam Giang (giáo viên Trường MN Hoa Hướng Dương, Q.11) cho biết: “Tôi chưa từng nghĩ đến việc có thể tạo ra được một bộ trống bằng các hộp bánh hay lon sữa. Trước giờ những thứ đó chỉ để bán ve chai. Tại triển lãm, tôi cũng đặc biệt lưu ý đến những sản phẩm phát triển tư duy và ngôn ngữ cho trẻ, chẳng hạn như sáng kiến làm thẻ chữ, thẻ số, thẻ từ bằng nam châm và có thể gắn lên bảng, như vậy chắc chắn sẽ gây cho trẻ sự hứng thú hơn rất nhiều”, cô Nam Giang chia sẻ. Tương tự, cô Nguyễn Lưu Bích Phượng (giáo viên Trường MN Hoa Hồng, Q.Gò Vấp) cho hay: “Ngoài thị trường bán rất nhiều dụng cụ đồ dùng, đồ chơi cho trẻ, nhưng không thể đáp ứng đủ và kịp thời những nhu cầu vui chơi, học tập của trẻ bây giờ. Do đó, triển lãm lần này không những tạo điều kiện cho giáo viên cơ hội thể hiện năng lực của mình, mà còn giúp cho chúng tôi có dịp để trao đổi và học hỏi lẫn nhau”.

Cô Nguyễn Đặng Thị Phương Hoa (Hiệu trưởng Trường MN Nam Sài Gòn) cho rằng đây là dịp để giáo viên MN khẳng định năng lực của mình. “Qua những bộ đồ chơi, đồ dùng cho thấy giáo viên có sự đầu tư về tư duy, đồng thời còn cập nhật thông tin theo sự phát triển của xã hội cũng như của ngành giáo dục nói chung và bậc MN nói riêng. Qua đó có thể thấy rõ là năng lực của giáo viên rất giỏi và rất tốt. Cái hay nữa là giáo viên còn cập nhật theo chương trình và những ứng dụng của nước ngoài. Tuy nhiên đó không phải là sự sao chép mà là học tập và cải biên làm sao cho phù hợp với từng vùng miền. Đó là điều chúng ta tự hào”.

Bài, ảnh: Bích Vân

Bình luận (0)