Liên quan tới vụ việc trường ĐH Phan Thiết, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, trong hoàn cảnh hiện nay, rất khó yêu cầu các trường chín muồi về điều kiện cơ sở vật chất rồi mới đào tạo.
|
Một giờ học của sinh viên đại học. Ảnh chỉ mang tính minh họa |
Theo báo cáo kết quả kiểm tra công tác chuẩn bị năm học 2009 – 2010 tại trường ĐH Phan Thiết của tổ công tác Bộ GD&ĐT, các điều kiện cơ sở vật chất hiện tại của trường này đảm bảo đào tạo theo chỉ tiêu đã xác định (750 chỉ tiêu gồm ĐH và cao đẳng).
Ở mục giảng đường và phòng học, báo cáo mô tả, ngoài một hội trường (400 chỗ), trường ĐH Phan Thiết có 10 phòng học. Trong đó, tám phòng học đủ bàn ghế cho 50 chỗ/phòng, hai phòng đủ bàn ghế cho 34 chỗ/phòng.
Báo cáo viết: “Với số phòng học trên (không kể hội trường), nếu tổ chức đào tạo 2 ca/ngày thì có thể đáp ứng được quy mô gần 1.000 sinh viên”.
Tại cuộc họp báo, có ý kiến cho rằng, cách mô tả trên với câu kết luận kèm theo khiến dư luận dễ có cảm giác tiêu chí về cơ sở vật chất của một trường ĐH không khác gì một trường phổ thông. Phải chăng, để học ĐH, mỗi sinh viên chỉ cần có một chỗ ngồi trong một phòng học được sử dụng với tần suất lớn (2 ca)?
Không trả lời thẳng vào câu hỏi này, ông Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ GD Đại học và là tổ phó tổ kiểm tra tại ĐH Phan Thiết của Bộ GD&ĐT giải thích, tổ công tác của mình đã đi từng phòng, đếm từng chỗ ngồi.
“Với số chỗ ngồi đó trường có thể đảm bảo được việc đào tạo theo niên chế. Ngay cả đào tạo theo tín chỉ cũng được bởi trường có thể tổ chức những lớp học có quy mô khác nhau tuỳ thuộc vào số lượng sinh viên đăng ký học theo từng học phần, từng tín chỉ. Lớp lớn thì học ngay tại hội trường, những lớp nhỏ học tại các phòng học”, ông Ngô Kim Khôi nói.
Cuộc họp báo có lúc dẫn đến sự đôi co giữa các phóng viên và một số lãnh đạo cấp Vụ của Bộ GD&ĐT. Dẫn một tờ báo có bài viết về trường ĐH Phan Thiết ra ngày 21/10, ông Ngô Kim Khôi khẳng định: Tôi từng nhiều năm làm giảng viên, quản lý phòng đào tạo của một trường ĐH và bảy năm nay làm Phó Vụ trưởng Vụ ĐH, không bao giờ tôi nói rằng chỉ cần 7 – 8 giảng viên là đủ với một trường ĐH!
Ông Khôi còn cho rằng, các tác giả của bài báo này viết không chính xác khi phong cho ông chức vụ Phó chủ tịch hội đồng thẩm định về đề án thành lập trường ĐH Phan Thiết trước đây.
Những phóng viên viết bài báo mà ông Ngô Kim Khôi vừa nói đến khẳng định họ đủ căn cứ chứng minh ông Khôi phát ngôn câu nói trên cũng như đủ cơ sở để tin ông Khôi là thành viên trong hội đồng thẩm định (dù có thể không phải là Phó Chủ tịch hội đồng thẩm định).
Điều này liên quan tới một câu hỏi của báo giới, phải chăng do Bộ GD&ĐT quá thiếu cán bộ nên cử người trong hội đồng thẩm định việc thành lập trường ĐH Phan Thiết đi kiểm tra điều kiện thành lập trường này?
Ông Nguyễn Văn Chiến, Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT và là tổ trưởng tổ công tác của Bộ kiểm tra tại trường Phan Thiết đọc tên từng người trong tổ rồi khẳng định: “Trong đoàn có đồng chí Khôi là tổ phó. Nhưng đồng chí Khôi không tham gia thẩm định dự án này. Vả lại, nếu có thành viên nào tham gia thẩm định trước đây thì trong cuộc kiểm tra này vẫn được tham gia bởi tính chất của cuộc kiểm tra này có tính định kỳ, nó không phải là một cuộc thanh tra”.
Tuy nhiên, thông tin của ông Chiến có phần mâu thuẫn với một nội dung ông Khôi nói tại cuộc họp báo. Ông Khôi cho biết mình có tham gia thẩm định hồ sơ của trường ĐH Phan Thiết khi trường này xin mở mã ngành.
Ông Khôi cho biết: “Để thẩm định việc mở ngành của trường, chúng tôi căn cứ vào hồ sơ (không thẩm định trực tiếp tại trường) và các quy định hiện hành. Trên cơ sở đó, chúng tôi trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký quyết định giao nhiệm vụ ĐH Phan Thiết mở 5 ngành đào tạo ĐH và 3 ngành trình độ CĐ”.
Được biết, theo quy định hiện hành, việc thẩm định mở mã ngành của các trường không cần đi thực tế mà chỉ cần căn cứ vào hồ sơ. “Theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, chúng tôi đang soạn thảo một quy định mới về việc mở mã ngành. Trong dự thảo quy định này, chúng tôi đề xuất thẩm định mở mã ngành là phải căn cứ vào thực tế”, bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ GD Đại học cho biết.
Kết luận cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận nhận xét, thắc mắc của các nhà báo (nơi đào tạo hiện nay của trường ĐH Phan Thiết có tính tạm thời, không ổn định) là đúng.
Trong hoàn cảnh của Việt Nam, để đạt đến độ chín muối các điều kiện rồi mới tổ chức đào tạo là khó. Với những tỉnh có điều kiện khó khăn, việc thu hút nguồn nhân lực có trình độ về đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương còn rất hạn chế, trong đó Bình Thuận, thì phải tính đến các điều kiện khác.
“Nếu chỉ căn cứ vào chuẩn không thôi thì không phải là hướng xem xét đúng. Nhưng phải phấn đấu đạt chuẩn. Với những điều kiện của một làng cổ như vậy trong điều kiện thực tế hiện tại thì đã đủ điều kiện để chúng ta cho hoạt động những năm đầu khi học văn hoá và với những ngành học chưa đòi hỏi phải có phòng thí nghiệm, các điều kiện trang thiết bị đặc biệt”, ông Luận kết luận.
Theo báo cáo của tổ công tác kiểm tra tại ĐH Phan Thiết, đội ngũ giảng viên cơ hũu, thỉnh giảng và cán bộ quản lý của trường này đủ để đảm bảo thực hiện khối lượng giảng dạy đối với các ngành đào tạo đã mở và quy mô tuyển sinh. Nhưng khi được yêu cầu công khai danh sách giảng viên hữu cơ của trường ĐH Phan Thiết thì lãnh đạo Bộ cũng như các thành viên trong tổ công tác không nói gì. Chỉ có bà Trần Thị Hà (người không có trong danh sách tổ công tác) hứa hẹn, sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ hướng dẫn chi tiết các trường về việc thực hiện ba công khai (trong đó có công khai nguồn lực), theo đó trường phải đưa lên trang web của mình danh sách giảng viên hữu cơ cho từng mã ngành.
|
Quý Hiên (TPO)
Tin liên quan
Xây dựng môi trường học tập xanh và sáng tạo đã trở thành định hướng quan trọng của nhiều trường mầm non...
Trong thời gian qua, công tác y tế học đường tại các trường học đã được chú trọng nhằm đảm bảo vai...
Hiện nay, ở trường phổ thông, nhất là trường tiểu học, giáo viên chịu khá nhiều áp lực không chỉ do công...
Nghe chính là một “kênh” tiếp nhận thông tin quan trọng của con người, đó cũng chính là nguồn cung cấp cho...
Bình luận (0)