Lao động trẻ em tại một lò than tổ ong |
Tình trạng sử dụng, lạm dụng lao động trẻ em tại các tỉnh, thành phố lớn đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội.
Làm thế nào để hạn chế tình trạng này là một bài toán không đơn giản. Bởi thực tế, không ít gia đình vì kinh tế kiệt quệ, tai nạn, bạo bệnh… nên trẻ em chính là lao động trụ cột. Tuy nhiên, các nhà xã hội học cho rằng, việc lạm dụng lao động trẻ em sẽ cản trở việc đến trường, nguy hiểm hơn là làm việc sớm so với tuổi, làm quá giờ không có thời gian nghỉ ngơi sẽ gây tác hại về tinh thần, thể chất và trí tuệ của các em.
Lao động “nhí” ở khắp nơi
Cơ sở may mặc tư nhân Hoàng Thành (đường Trần Văn Quang, Q.Tân Bình) có hơn chục lao động, trong đó có hơn phân nửa trong độ tuổi 13-15. Ông chủ Nguyễn Thành thừa nhận việc sử dụng lao động trẻ em là vi phạm pháp luật nhưng theo ông đó là hình thức để giúp bọn trẻ có ít thu nhập và trang bị cái nghề. “Nhà nghèo, thất học, ở quê lêu lổng không khéo sinh hư. Cha mẹ gửi vào đây, sống và làm việc trong nhà với mình cũng yên tâm phần nào”, ông chủ Thành nói.
Nguyễn Văn Tín, 13 tuổi (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đã nghỉ học, theo anh trai vào TP.HCM phụ việc tại cơ sở Hoàng Thành gần một năm nay chia sẻ: “Giờ có muốn đi học lại thì cũng phải đi làm mới có tiền”. Ngoài lo ăn ở, mỗi tuần Tín được chủ trả khoảng 500.000 đồng. Số tiền này em dành dụm để gửi về quê phụ mẹ cho đứa em đến trường, riêng thu nhập từ làm thêm giờ, em bỏ heo lo chuyện đi học lại.
Được làm việc trong môi trường gia đình như Tín là may mắn. Thực tế, không ít lao động trẻ em đã trải qua những ngày tháng kinh hoàng, nơi làm việc như địa ngục. Các quán ăn tại TP.HCM, lao động trẻ em chiếm từ 30-50%, chủ yếu làm các khâu bưng bê, rửa chén, phụ bếp…
Ông Võ Duy Hưng, chủ một chuỗi quán ăn đang ăn nên làm ra thừa nhận, sử dụng lao động trẻ em tiết kiệm được một khoản tiền lớn, hiệu quả công việc rất cao. Ông Hưng nói: “Muốn trả lương thấp hơn nữa, các em làm việc siêng năng, không sợ bỏ đi nơi khác là thuê các em người Khmer ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh…”.
Điều tra quốc gia về lao động trẻ em Việt Nam được công bố mới đây cho thấy có đến 1,75 triệu trẻ là lao động trẻ em, tương ứng với khoảng 10% số trẻ từ 5-17 tuổi trên toàn quốc và độ tuổi từ 15-17 có đến 3/5. Điều tra này còn cho biết, 1/3 lao động trẻ em phải làm việc hơn 42 giờ/ tuần. |
Ông Hưng thông tin thêm, sở dĩ lao động trẻ em được các ông chủ “chuộng” là nhờ tính siêng năng, thật thà và đặc biệt là có sức khỏe, năng suất làm việc có thể gấp đôi người khác. Thạch Sương (14 tuổi, Trà Vinh) chia sẻ: Sáng dậy sớm lặt rau, phụ bếp, bày bàn ghế, bưng bê, rửa chén… lương 2 triệu đồng/ tháng bao ăn ở. Phụ việc quán ăn tuy cực nhưng ổn định hơn giúp việc hay trông trẻ.
Làm không lương
Nghiên cứu mới của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), tại Việt Nam hiện có 1,75% trẻ là lao động trẻ em và làm việc không lương chiếm đại đa số. 1,8 triệu đến 2 triệu đồng/tháng là khoản thu nhập thuộc loại khá đối với lao động trẻ em tại các quán ăn, tuy nhiên không ít trường hợp làm việc không lương.
Thoại (15 tuổi, bán vé số) kể lại quãng thời gian em phụ việc tại một quán cơm trên đường Trần Xuân Soạn, P.Tân Hưng, Q.7: “Có nhiều cách để họ không phải trả lương cho mình, như: phạt làm bể ly, chén, ngủ dậy trễ, thậm chí có cả tội không làm vừa lòng khách…”.
Anh Nguyễn Quốc Thanh (ngụ huyện Nhà Bè) cho biết, thành viên mới trong gia đình anh là một cô gái trước đó phụ bếp tại một quán ăn. Nhiều lần chứng kiến cảnh con bé bị quát mắng, người tiều tụy xác xơ mà động lòng thương. “Bé còn bị con ông chủ tìm mọi cách xâm hại, bị bà chủ đánh bằng dụng cụ làm bếp… với sẹo ngang dọc trên người”, anh Thanh kể.
Chúng tôi tìm đến lò than tổ ong khá lớn trên địa bàn huyện Bình Chánh (TP.HCM), nơi có hơn 20 lao động trẻ em đến từ nhiều địa phương khác nhau. Theo tìm hiểu của phóng viên, lao động trẻ em làm việc ở đây đều có anh chị hoặc cha mẹ cùng làm, với thu nhập trung bình 130.000 đồng/ ngày.
Nhi (14 tuổi, ngụ huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) cho biết: Em vào đây được 3 năm, gần một năm đầu làm không lương, chủ bao cơm ngày ba bữa. Dù phải làm công việc nặng với khuân vác, nhào nặn bùn đất và độc hại với hóa chất xử lý kết dính, bụi từ xỉ than… nhưng Nhi và hơn 20 người khác cố bám trụ vì làm theo sản phẩm, mệt thì nghỉ mà chủ không nói nặng, nhẹ…
Bài, ảnh: T.Anh
Bình luận (0)