Trong thế giới phẳng, việc làm quen, kết thân để học hỏi giữa bạn trẻ ở các quốc gia khác nhau đang trở thành một nhu cầu phổ biến.
Các bạn Việt Nam và sinh viên Trường đại học Pittsburgh, Mỹ chụp ảnh lưu niệm chung – Ảnh: Trung Kiên
“Dẫu luôn nỗ lực tiếp xúc với nhiều bạn trẻ, đồng nghiệp nước ngoài nhưng tôi vẫn không thể nào kết thân với họ được dù vốn ngoại ngữ rất khá…” – Nguyễn Anh Phương (24 tuổi, Q.3, TP.HCM) băn khoăn. Không ít bạn trẻ Việt khác cũng có nỗi lòng tương tự.
Những sẻ chia
Khác biệt về văn hóa sống là một trong những điểm mấu chốt. “Người nước ngoài (đặc biệt là phương Tây) rất tôn trọng quyền tự do cá nhân và sự riêng tư” – Ngô Thùy Ngọc Tú (cựu sinh viên Đại học Stanford, Mỹ) đúc kết sau thời gian du học.
Theo Tú, người phương Tây thường chỉ chia sẻ những vấn đề về gia đình, tiền bạc, tình yêu… với bạn thân, trong khi giới trẻ Việt lại sẵn sàng tâm sự những chuyện tương tự với nhiều người. Do sự khác biệt này mà theo Tú, nhiều người Việt thường hiểu lầm và cho rằng bạn trẻ phương Tây thiếu thân thiện.
Có nhiều bạn thân là người nước ngoài, Lâm Nguyễn Hồng Nhật (cựu sinh viên Đại học KHXH&NV TP.HCM) chỉ ra: “Một số bạn trẻ Việt chơi với bạn bè nước ngoài chỉ vì muốn thực tập vốn ngoại ngữ hoặc muốn trở nên “đẳng cấp” trong mắt người khác”. Nhật cho biết người nước ngoài đủ nhạy cảm để nhận ra mục đích kết bạn của “đối phương” và vì thế sẽ tự giới hạn mối quan hệ.
Bạn trẻ nước ngoài nghĩ gì?
“Hầu hết nhận xét trên đều đúng” – đó là khẳng định của Michael Jones (21 tuổi, người Mỹ) sau hai lần đến Việt Nam. Michael từng bị gắn mác “chảnh” vì từ chối nhiều lời mời đi chơi của một số bạn người Việt. “Tôi thấy khó chịu khi họ luôn rủ tôi đi chơi chỉ vì muốn thực tập tiếng Anh hoặc để giới thiệu cho người khác biết là họ quen với Tây” – Michael nói.
Làm việc tại Việt Nam được ba tháng, William Brown (người Mỹ) không giấu được sự thất vọng: “Tôi thấy giới trẻ Việt không nắm vững về kiến thức lịch sử, văn hóa quốc gia. Những buổi đi chơi giữa tôi và họ chỉ xoay quanh những câu chuyện vô thưởng vô phạt, điều đó dẫn đến sự nhàm chán”. William cho biết giới trẻ phương Tây hoặc một số quốc gia như Nhật, Hàn… thường nắm khá rõ lịch sử nước mình hoặc những nơi mình sắp đặt chân đến, và theo bạn thì rõ ràng giới trẻ Việt bị “hụt” về khoản này.
Với Song Jae Hee (người Hàn Quốc, Đại học KHXH&NV TP.HCM) việc cho người khác “leo cây” và ít nói lời xin lỗi ở người Việt trẻ là một điểm trừ lớn khi họ muốn kết bạn với bạn trẻ Việt. Hee cũng băn khoăn về việc hiện giới trẻ Việt đang bị “Tây hóa” và “Hàn hóa” quá nhiều…
“Hãy là chính mình!”
Đó là lời khuyên của Michael dành cho các bạn trẻ Việt. Bản thân bạn rất e ngại khi tiếp xúc với một số bạn nữ Việt nhuộm da nâu, tóc vàng và cố tình bận đồ hở hang để “nhìn cho Tây”. “Họ không biết rằng chính những nét thuần Việt trong tính cách, ngoại hình của họ mới là điều khiến chúng tôi ấn tượng nhất” – Michael chia sẻ.
“Việc giao tiếp, học hỏi với người nước ngoài là đáng quý, nhưng chúng ta cũng phải giữ được cái tôi của bản thân, của dân tộc” – Lê Xuân An (Trường quốc tế SIC) khẳng định.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)