Hội nhậpGiáo dục phát triển

Khó khăn khi triển khai giáo dục hướng nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Trong 2 năm học vừa qua (năm học 2006-2007 và năm học 2007-2008) Bộ GD-ĐT đã triển khai nội dung giáo dục hướng nghiệp trên qui mô toàn quốc. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai giáo dục hướng nghiệp ở cấp THPT trong 2 năm qua đã bộc lộ nhiều bất cập cần sớm được bàn bạc và tháo gỡ trong thời gian tới.

Thực tế đa phần các trường học cấp THPT hiện tại ở nước ta chưa có nhiều sự chuẩn bị để hoàn thành tốt nhiệm vụ đó. Nhiều giáo viên đã phải rất khó chịu khi được cấp trên phân công nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp cho học sinh, bởi vì trên thực tế thì đa số giáo viên chưa được đào tạo chuyên ngành giáo dục hướng nghiệp. Nhiều giáo viên phụ trách giáo dục hướng nghiệp đã rất lúng túng khi triển khai một hoạt động hướng nghiệp, bởi vì các hình thức hoạt động hướng nghiệp nó khác xa với các tiết dạy học văn hoá bình thường. Trong các buổi hoạt động hướng nghiệp theo từng chủ đề đòi hỏi người giáo viên đứng lớp phải biết tổ chức lớp học hoạt động theo nhiều hình thức khác nhau, có thể là chia nhóm thi tìm hiểu, thi hùng biện theo chủ đề, tổ chức đóng vai, làm tiểu phẩm, hoặc tổ chức tham quan, tổ chức mời khách để trao đổi, tổ chức trò chơi… Tất cả các hình thức mới lạ đó không phải bất cứ giáo viên nào cũng có thể thực hiện tốt. Thực tế cho thấy muốn tổ chức thành công các buổi giáo dục hướng nghiệp theo cách của Bộ GD-ĐT chỉ đạo thì đòi hỏi giáo viên đứng lớp phải có nhiều kĩ năng và năng khiếu. Nếu giáo viên không biết tổ chức, không biết dẫn chương trình, không có năng khiếu ca hát, kể chuyện… thì rất khó khăn khi thực hiện các hoạt động hướng nghiệp. Hơn nữa, nội dung giáo dục hướng nghiệp bao gồm quá nhiều lĩnh vực vượt quá khả năng nắm bắt thực tiễn của nhiều giáo viên hiện nay. Nếu nói kiến thức phổ thông thì còn được, nhưng phải hiểu biết sâu để định hướng và tư vấn nghề nghiệp cho học sinh về các lĩnh vực như du lịch, nông lâm ngư nghiệp, y tế, giao thông vận tải, xây dựng… thì phải nói rằng sẽ rất khó đối với một giáo viên bình thường.

Bên cạnh việc giáo viên phụ trách giáo dục hướng nghiệp chưa được qua đào tạo thì cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục hướng nghiệp ở một số trường cũng đang gặp nhiều khó khăn. Thực tế giáo dục hướng nghiệp ở nhiều trường học được xem là một trong những hoạt động ngoài giờ chính khoá nên giáo dục hướng nghiệp thường sẽ không được ưu tiên về bố trí phòng học cũng như các điều kiện về cơ sở vật chất khác để đáp ứng yêu cầu tối thiểu cho giáo dục hướng nghiệp. Hơn thế, trong hoàn cảnh thời lượng bố trí 5 tiết/buổi cho dạy học các bộ môn văn hoá được xem là đã quá tải, các buổi còn lại trong tuần trước đây thường chỉ dành cho môn thể dục hoặc giáo dục lao động học đường, nay lại thêm môn an ninh quốc phòng, nghề phổ thông bắt buộc và các hoạt động giáo dục hướng nghiệp và ngoài giờ lên lớp… Nếu cộng thêm các hoạt động ngoại khoá và nhiều hoạt động phong trào khác thì học sinh phải đi đến trường cả tuần với mỗi ngày xấp xỉ gần 2 buổi. Điều này ít nhiều cũng đã ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh vì quỹ thời gian tự học ở nhà của các em trong một ngày là quá ít. Thêm vào đó cũng vì quá nhiều hoạt động chồng chéo nên việc ưu tiên bố trí thời khoá biểu cũng như những điều kiện về cơ sở vật chất có liên quan phục vụ tốt cho giáo dục hướng nghiệp cũng khó thực hiện được.

Ngoài ra, việc quản lí học sinh để giáo dục hướng nghiệp đạt kết quả tốt cũng đã gặp nhiều khó khăn. Ở các môn học chính khoá học sinh được đánh giá kết quả bằng điểm nên việc quản lí học sinh thuận lợi hơn nhiều, học sinh bắt buộc phải học nếu không thì không được lên lớp. Thế nhưng ở hoạt động giáo dục hướng nghiệp học sinh không được đánh giá kết quả bằng điểm số và không có một biện pháp nào để quản lí học sinh một cách có hiệu quả, ngoài việc cho phép giáo viên đứng lớp có thể báo cáo về tình hình hoạt động giáo dục hướng nghiệp của học sinh cho giáo viên chủ nhiệm để giáo viên chủ nhiệm có thêm căn cứ xếp loại đạo đức học sinh, nhưng xem ra biện pháp này đã không mấy hiệu quả để quản lí tốt học sinh vì dẫu sao báo cáo cũng chỉ là "định tính" không mang ý nghĩa "khống chế" để giáo viên chủ nhiệm nhất định phải hạ hoặc nâng bậc hạnh kiểm học sinh. Với tình hình đó đương nhiên có thể đã nhiều học sinh không tham gia các hoạt động hướng nghiệp một cách có hệ thống hoặc thậm chí hoàn toàn không tham gia nhưng vẫn được lên lớp như thường.

Có lẽ vì những khó khăn như đã nêu trên, cho nên trong 2 năm qua hoạt động hướng nghiệp trong một số trường học đã được thực hiện một cách chiếu lệ. Thực tế cho thấy tuỳ điều kiện về đội ngũ cũng như tuỳ điều kiện về cơ sở vật chất mà mỗi trường đã có các hình thức tổ chức giáo dục hướng nghiệp cho học sinh một cách khác nhau. Có trường thì tổ chức cho học sinh sinh hoạt theo lớp có bố trí một buổi trong tháng có cử giáo viên phụ trách, có trường thì phải ghép nhiều lớp làm một buổi, nhưng cũng có trường giao về cho chủ nhiệm lớp triển khai… Cách vận dụng của từng cơ sở trường học đã phần nào thể hiện tính chủ động sáng tạo trong việc triển khai chủ trương giáo dục hướng nghiệp, tuy nhiên tính thống nhất về chỉ đạo và kết quả giáo dục hướng nghiệp cho học sinh trên qui mô toàn quốc nên chăng phải cần nghiên cứu và xem xét lại?

Lê Phú Xiêm (GD&TĐ)

Bình luận (0)