Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Khó khăn không chùn bước

Tạp Chí Giáo Dục

Những thầy cô giáo, những kỹ sư tâm hồn luôn có một vị thế trong lòng xã hội. Họ được trân trọng, quý mến vì đã đào tạo nhiều thế hệ học sinh trưởng thành, trở thành người có ích. Nhưng thầy cô giáo nói riêng và những người công tác trong ngành giáo dục Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn, trước hết là thu nhập chưa tương xứng để ổn định cuộc sống. Ở một huyện nghèo nhất nhì TPHCM là Nhà Bè, những khó khăn thường nhật không thể làm nản lòng các thầy cô giáo có tâm huyết với sự nghiệp.

Học sinh tặng hoa chúc mừng thầy cô giáo, những “kỹ sư tâm hồn” luôn có một vị thế trong lòng xã hội. Ảnh: MAI HẢI

Đồng chí Nguyễn Văn Lưu, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND Nhà Bè, cho biết: “Huyện vừa tổ chức hội thi viết về các điển hình học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thật ấn tượng khi đảng bộ các xã, công an, quân sự… chỉ tham gia mỗi đơn vị mươi bài viết thì đảng bộ ngành giáo dục có đến 142 bài dự thi. Điều này nói lên rằng trong số nhiều gương tốt, các thầy cô giáo vẫn chiếm số lượng vượt trội”.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Lưu, có bài viết về cô giáo Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca Nguyễn Thị Tuyết Loan đã gây xúc động mạnh, trong đó có đoạn: “Cô luôn phân công đúng người, đúng việc. Không ưu ái cho ai mà cũng không ghét bỏ người nào. Cô thường nói “ai bồng em thì khỏi xay lúa, ai mà xay lúa thì khỏi bồng em” và đặc biệt cô dạy chúng tôi phải đối xử công bằng với trẻ. Riêng các giáo viên phải cùng chia sẻ, không tranh nạnh mà phải hỗ trợ nhau cùng tiến bộ. Rồi tôi đến nhà cô, tôi khóc khi biết chồng cô đã mất vì tai nạn, mới đây con trai duy nhất của cô cũng mắc chứng bệnh nan y. Vì thế cô vừa làm mẹ, làm cha, vừa là hiệu trưởng, lại là người chị của chúng tôi”.

Thật vậy, từ 800 bài viết ở cơ sở buổi ban đầu, qua vòng sơ loại, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nhà Bè đã chọn ra được 112 bài viết cơ bản đáp ứng khá tốt các yêu cầu. Tuyển lựa một lần nữa, chọn được 30 bài tiêu biểu và nổi trội nhất. Trong số này có đến 13 tác phẩm viết về những “kỹ sư tâm hồn” đang đứng trên bục giảng. Thầy Hoàng Đình Đạo, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Phước Kiển là điển hình trong số này. Nhiều giáo viên trẻ còn nhớ rất rõ thầy Đạo lặn lội đội mưa gió mang đơn gõ cửa từ Huyện ủy đến UBND huyện Nhà Bè để xin nhà công vụ cho giáo viên xa nhà. Khi đã được cấp 4 phòng nghỉ, thầy Đạo lại xin cát nâng nền để chống triều cường. Rồi thầy bàn với công đoàn mua thêm ti vi, quạt máy “để các giáo viên trẻ đỡ cực khổ trước mưa nắng”. Một giáo viên môn thể dục Trường THPT Phước Kiển kể: “Tôi rất khâm phục vì thầy Đạo công tâm, đánh giá thi đua qua năng lực từng người, lại gần gũi nắm rõ từng hoàn cảnh giáo viên. Sống xa nhà, đồng lương eo hẹp song có một người anh, một người đồng chí như thầy Đạo, chúng tôi vô cùng ấm lòng”.

Còn tấm gương giáo viên Tạ Thị Hường (Trường THCS Lê Văn Hưu) luôn được đồng nghiệp nhắc đến trong sự khâm phục. Cô Tạ Thị Hường là giáo viên giỏi ngữ văn nên năm nào bộ môn của cô cũng có nhiều học sinh giỏi văn cấp thành phố. 12 năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua nhưng cũng ngần ấy thời gian, cô Tạ Thị Hường phải chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. Nỗi đau càng chất cao hơn khi con trai của cô cũng gặp chứng bệnh như mẹ. Hai mẹ con họ cùng điều trị tại một bệnh viện, phải bán đi căn nhà đang cư ngụ để chi phí thuốc thang. Gặp cô thăm hỏi, chúng tôi ghi lại điều ước nhỏ: “Tôi chỉ mong sao mình còn đủ sức chống chọi bệnh tật để tiếp tục đứng trên bục giảng. Tôi sẽ không đầu hàng số phận”.

Đồng chí Phạm Minh Huấn, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Nhà Bè, cho biết: “Trong rất nhiều tấm gương cao đẹp của các thầy cô giáo, tôi vẫn rất ấn tượng với hình ảnh thầy giáo Trần Văn Nhan (Trường Tiểu học Bùi Thanh Khiết). Thầy Nhan xuất thân là Bí thư Xã đoàn Phước Lộc, một xã nghèo nhất của huyện nghèo Nhà Bè. Trước đây, đường sá khó khăn, thầy từng đến từng nhà, dùng ghe đưa đón các em nhỏ đến trường. Một dạo biết hoàn cảnh của học sinh tên Hương quá nghèo, thầy Nhan đi xin tiền làm học bổng, may quần áo cho bé được tươm tất. Có những buổi trưa, thấy bé Hương đói bụng, thầy nhịn luôn phần cơm của mình, cho bé Hương ăn. Người đảng viên mẫu mực như thầy Nhan đáng được khen thưởng và biểu dương rộng khắp”.

MINH ANH

(SGGP)

Bình luận (0)