Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Khó khăn nguồn tuyển nguyện vọng 3

Tạp Chí Giáo Dục

Các trường đã bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển NV3, mặc dù đây là hy vọng cuối cùng nhưng từ thực tế tuyển sinh, những trường còn thiếu nhiều chỉ tiêu cho biết, sẽ rất khó tuyển đủ vì khả năng đã cạn nguồn tuyển. 

Nhiều ngành khó tuyển
Kết thúc đợt xét tuyển NV2, nhiều ngành học vẫn nằm trong nguy cơ không thể tuyển đủ chỉ tiêu, cho dù vẫn còn khá nhiều thời gian cho NV3.
Ảnh: Hải Nguyễn
Ảnh: Hải Nguyễn
Ngành Kỹ thuật khai thác thủy sản của ĐH Nha Trang mới tuyển được 13 thí sinh. Các ngành khác như Điều khiển tàu biển, An toàn hàng hải, Kinh tế quản lý thủy sản… cũng nằm trong tình trạng thưa thớt thí sinh tương tự.
Khoa Công nghệ thông tin của ĐH Quốc gia Hà Nội vẫn còn đến 560 chỉ tiêu xét tuyển NV3, trong đó các ngành cơ bản như Công nghệ thông tin, Hệ thống thông tin, Công nghệ phần mềm, Khoa học máy tính, Mạng và truyền thông… còn thiếu đến 300 chỉ tiêu.
Ngành Công nghệ thông tin và Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử cũng là 2 ngành thiếu nhiều chỉ tiêu nhất của ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên.
ĐH Nông lâm Bắc Giang thiếu 223 chỉ tiêu hệ ĐH vào các chuyên ngành Kế toán, Trồng trọt, Chăn nuôi thú y, Quản lí đất đai.
Các ngành sư phạm cũng thiếu nhiều chỉ tiêu. ĐH Hồng Đức thiếu 160 chỉ tiêu cho các ngành Sư phạm Vật lí, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Tiếng Anh.
16 ngành của CĐ Sư phạm Thái Bình đều thiếu chỉ tiêu, trong đó các ngành thiếu nhiều là Sư phạm kỹ thuật công nghiệp, Giáo dục công dân, Sư phạm Toán, Sư phạm Ngữ văn, Giáo dục mầm non, Giáo dục tiểu học, Giáo dục thể chất…
Các ngành vốn được coi là “top” được lựa chọn nhiều như Kế toán, Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng… nhưng cũng đã phải xét tuyển đến NV3. Ngành Kế toán ĐH Nông lâm Bắc Giang thiếu 54 chỉ tiêu; ngành Tài chính ngân hàng của ĐH Công nghệ và quản lí Hữu Nghị xét tuyển 95 chỉ tiêu NV3. ĐH Đại Nam cũng xét tuyển 100 chỉ tiêu NV3 vào ngành Kế toán, Quản trị kinh doanh và 120 chỉ tiêu vào ngành Tài chính ngân hàng… ĐH Trưng Vương còn 265 chỉ tiêu cho 3 ngành đào tạo ĐH là Kế toán, Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh.
Nhóm các ngành thuộc khối xã hội như Việt Nam học, Du lịch, Quản trị văn phòng, Khoa học thư viện, Công tác xã hội… luôn nằm trong “top” thiếu hụt nguồn tuyển.
Lãnh đạo một số trường cho biết, vẫn trông chờ vào xét tuyển NV3 nhưng với những ngành tuyển sinh được quá ít, không thể mở được lớp thì nhà trường sẽ vận động sinh viên chuyển sang các ngành khác có điểm tương đương.
Chỉ mong tuyển được 70% chỉ tiêu
Thế yếu trong “cuộc đua” tuyển sinh này luôn thuộc về các trường ngoài công lập. Tính đến thời điểm này, nhiều trường mới chỉ tuyển được 1/3 so với chỉ tiêu được giao.
ĐH Đà Lạt còn 1.454 chỉ tiêu; ĐH Quốc tế Hồng Bàng thông báo xét tuyển NV3 với 1.589 chỉ tiêu. ĐH Thành Đô xét tuyển NV3 hệ ĐH với 1.328 chỉ tiêu và hệ CĐ với 1.304 chỉ tiêu.
GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng cho biết, xét tuyển NV3 thực sự là “cuộc chiến” không cân sức của các trường dân lập và công lập vì với mức điểm xét tuyển bằng nhau, thí sinh không dại gì nộp đơn vào trường ngoài công lập. Những trường còn thiếu hàng nghìn chỉ tiêu chỉ hy vọng có thể tuyển được 70% đã là may mắn.
Ông Nguyễn Hữu Kiều, Trưởng phòng đào tạo ĐH Dân lập Lương Thế Vinh nêu thực tế: Trên địa bàn Nam Định có tới 3 trường ĐH công lập, những trường này xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ nên đã “vét” hết nguồn tuyển của trường dân lập. Trường đang tính đến phương án xin phép Bộ cho chuyển chỉ tiêu sang hệ liên thông, vừa học vừa làm để “vớt vát” lại.
Nhiều trường nhận thấy “cuộc đua” không cân sức đã quyết định dừng không xét tuyển NV3. Các trường này cho biết, từ thực tế tuyển sinh của những năm trước cho thấy, cho dù kéo dài thêm thời hạn xét tuyển nhưng những ngành thiếu vẫn sẽ tiếp tục thiếu do nguồn tuyển đã cạn, đó là còn chưa kể đến lượng thí sinh “ảo” không nhỏ khiến các trường khó khăn trong tuyển sinh. Đồng thời, việc kéo dài thời gian xét tuyển sẽ làm chậm trễ thời gian nhập học cũng như ảnh hưởng đến khung chương trình thời gian đào tạo của trường. Vì thế, nhiều trường dù vẫn thiếu thí sinh nhưng quyết định không tiếp tục “cuộc đua” xét tuyển mà xin chuyển các chỉ tiêu còn thiếu sang hệ CĐ, trung cấp, liên thông…
Theo Nguyên Minh
(laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)