Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Khó khăn trong tuyển sinh ngành khoa học xã hội – Đâu là giải pháp?

Tạp Chí Giáo Dục

Có một thực trạng đang diễn ra, đó là sự mất cân đối về cơ cấu ngành tuyển sinh và đào tạo khi các thí sinh đua nhau đăng ký thi vào các ngành kinh tế, tài chính, trong khi nhiều ngành nghề khác có nhu cầu lại rất khó khăn trong tuyển sinh, đặc biệt là ngành khoa học xã hội.
Mấy năm trở lại đây, cứ đến mùa tuyển sinh, trong khi lượng hồ sơ cho các khối A, B, D luôn chiếm ưu thế, thì khối C gồm các môn Văn, Sử, Địa ngày càng thưa vắng. Tại kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2011 có 1.964.598 hồ sơ đăng ký dự thi gồm các khối A, B, C, D và một số khối năng khiếu, thì trong đó, số hồ sơ đăng ký dự thi khối C là 125.264, chiếm 6,4% tổng số hồ sơ đăng ký dự thi.
Không chỉ có vậy, kết quả thi, điểm chuẩn các ngành liên quan đến khối C ngày càng thấp. Điều đó cho thấy, số lượng học sinh đang “quay lưng” với các môn học xã hội ngày càng tăng. Thậm chí, học sinh muốn học khối C cho “ra tấm ra món” cũng khó vì nhiều trường phổ thông hiện nay, khi tuyển sinh đầu cấp đã bỏ hẳn không còn tuyển sinh ban C.
Sự sụt giảm lượng thí sinh dự thi vào khối ngành xã hội được dự đoán sẽ còn tiếp tục trong những năm tới. Trong điều kiện thí sinh thi vào khối xã hội ngày càng giảm, nhiều trường đã phải mở thêm khối thi để mở rộng nguồn tuyển với hi vọng nâng cao chất lượng đầu vào. Nhiều ngành tại các trường khối xã hội đã bổ sung thêm các khối thi A, B cho các ngành đào tạo bên cạnh hai khối C, D truyền thống.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có nhiều, nhưng theo nhiều cán bộ quản lý và dư luận xã hội, vấn đề chính vẫn là do cơ cấu ngành nghề thuộc khối ngành xã hội khá hạn hẹp, việc làm không nhiều, thu nhập thấp, thiếu ổn định. Bên cạnh đó, sự chậm đổi mới, thiếu đầu tư cho công tác nghiên cứu, giảng dạy cũng khiến nhóm ngành này ngày càng mất dần sự hấp dẫn.
Một học sinh Hà Nội sẽ dự thi tuyển sinh năm nay cho biết: Thí sinh ngày càng không muốn thi khối C bởi những ngành học khối C khi ra trường rất khó xin việc. Hiện nay, các khối kinh tế được nhiều thí sinh lựa chọn bởi đầu ra rất lớn. Gốc rễ của vấn đề đó là, nếu mà học khối ngành xã hội ra trường nhiều cơ hội việc làm hơn thì không ai lại né tránh nó cả.
Đứng trước thực trạng trên, bản thân nhiều trường cũng không “mặn mà” với khối ngành xã hội. Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) Bùi Văn Ga thừa nhận tình trạng mất cân đối về cơ cấu ngành tuyển sinh và đào tạo đang diễn ra hiện nay. Cụ thể, tuyển sinh 2011, theo thống kê 416 trường (197 trường đại học, 219 trường cao đẳng) thì có 248 trường (121 trường đại học, 127 trường cao đẳng) tuyển sinh 1 trong 4 ngành: Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính – Ngân hàng, Kế toán, chiếm tỷ lệ 59,62% số trường. Như vậy, chỉ còn 76 trường đại học và 92 trường cao đẳng không tuyển sinh các ngành trên là các trường thuộc khối Y Dược, Năng khiếu – Nghệ thuật và một số trường Sư phạm.
Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, chỉ tiêu tuyển sinh giữa các ngành đào tạo hiện không hợp lý. Thống kê báo cáo của các trường, tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh của các trường phân bổ cho các ngành Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính – Ngân hàng, Kế toán chiếm xấp xỉ 38% so với tổng chỉ tiêu, chỉ còn lại 62% chỉ tiêu tuyển sinh cho tất cả các ngành đào tạo khác. Vì số trường có tuyển sinh và chỉ tiêu tuyển sinh các ngành Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính – Ngân hàng, Kế toán chiếm tỷ lệ cao, nên tỷ lệ hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng của thí sinh bình quân trong 3 năm (2009 – 2011) vào 4 ngành này chiếm xấp xỉ 41% với tổng số hồ sơ đăng ký dự thi.
Dù vậy, năm 2012, Bộ GD&ĐT vẫn tiếp tục giao nhiều chỉ tiêu cho khối ngành Kinh tế. Dự kiến tổng chỉ tiêu là 576.000 chỉ tiêu, trong đó, khối ngành Kinh tế – Tài chính – Ngân hàng chiếm tới 184.300 chỉ tiêu. Và nếu trong tương lai, tình trạng này vẫn tiếp tục, sẽ gây mất cân đối ngành nghề nghiêm trọng.
Vậy đâu là giải pháp để thu hút tuyển sinh ngành xã hội? Về phía Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Trước mắt, Bộ GD&ĐT cùng các Bộ, ngành đang phối hợp nghiên cứu, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách để thu hút học sinh vào học các ngành mà xã hội cần và có chế độ đãi ngộ thỏa đáng người học sau tốt nghiệp đi làm theo các nghề này. Tăng cường thông tin về quy mô sinh viên, ngành nghề đào tạo gắn kết với quy hoạch nguồn nhân lực để các trường, người học tự quyết định. Ngoài ra, khi xem xét cho phép mở ngành, Bộ GD&ĐT cũng sẽ chú ý đến tình trạng này để có những điều chỉnh thích hợp.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết thêm: Từ những định hướng, mục tiêu phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát, điều chỉnh quy mô, cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo của giáo dục đại học các trường đại học và cao đẳng trên phạm vi cả nước trong giai đoạn 2011-2020. Thực hiện việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh của mỗi trường theo các quy định tại Quyết định số 795/QĐ-BGDĐT ngày 27/02/2010, trong đó chỉ căn cứ vào giảng viên cơ hữu, không tính giảng viên thỉnh giảng; có lộ trình điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh của các cơ sở đào tạo theo các tiêu chí đã công bố.
Về phía các trường, TS Lê Hữu Phước – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cho biết: Để thu hút người học đối với nhóm ngành này, chương trình đào tạo phải hài hòa giữa tính hàn lâm và tính ứng dụng; phải thường xuyên cập nhật và làm mới, bám sát yêu cầu thực tiễn xã hội thì mới giải quyết được đầu ra.
Nhiều chuyên gia trong ngành giáo dục cũng cho hay, để cải thiện thực trạng cho nhóm ngành khoa học xã hội phải cần đến sự thay đổi mang tính hệ thống, vĩ mô. Cần có sự đầu tư cao cho nhóm ngành này và đặc biệt là cải thiện chất lượng sống, đầu ra của những người đang đeo đuổi nhóm ngành khoa học xã hội./.

Theo Báo Điện tử ĐCSVN

 

 

Bình luận (0)