Những năm trước, ngoài việc mở các lớp hệ bán công, một số trường công lập (cả trường tư thục) như Trường THPT Thanh Đa, Nguyễn Trung Trực, Trần Phú, tư thục Ngô Thời Nhiệm… còn mở thêm các lớp bổ túc văn hóa (BTVH) với mục đích có thêm chỗ học cho những học sinh (HS) rớt ba nguyện vọng vào trường công lập nhưng vì lý do nào đó không theo học tại các trung tâm GDTX. Tuy nhiên, thực tế các trường này luôn gặp khó khăn khi tiếp nhận thêm các đối tượng này. Trước hết là học phí hàng tháng thấp (65.000 đồng/HS) và không có một khoản thu nào khác. Trong khi đó các em chỉ học 7 tiết nhưng vẫn học đủ 6 ngày trong tuần nên số tiết phải kéo dài thêm.
Một câu hỏi được đặt ra là lấy đâu ra kinh phí để trả các giờ dạy phụ trội của giáo viên? Không còn cách nào khác là nhiều trường phải bù thêm từ các khoản chi khác. Như vậy, tính về mặt giáo dục thì có lợi nhưng về mặt kinh tế thì bị thâm hụt nên trường nào mở nhiều lớp thì phải bù nhiều. Một điều vô lý khác là các em này cũng không được cấp kinh phí về cơ sở vật chất tính theo đầu HS trong lúc các em cũng phải cần bàn ghế, phòng ốc để hàng ngày ngồi học trên lớp và sinh hoạt trong trường. Nhiều trường đã đề đạt ý kiến này với bộ phận tài chính nhưng vẫn không được giải quyết. Đây cũng là một trách nhiệm mà các trường phải gánh thêm và tự xoay xở về kinh phí chứ không thể chờ từ trên “rót” xuống. Bên cạnh đó, dù dạy HS hệ BTVH nhưng nhà trường vẫn trả lương theo “mặt bằng” cho thầy cô giống như các lớp hệ phổ thông chứ không thể ít hơn. Rõ ràng đây chính là bài toán mà từ trước tới nay các trường phải tìm rất nhiều lời giải mới có được một đáp số cho phù hợp. Một số trường tìm cách tăng tiết để thu tiền nhưng cũng không an tâm vì sợ sai quy chế và hơn nữa các em vào học hệ này cũng không khá giả gì. Từ các nguyên nhân và thực tế khó khăn trên nên hiện nay nhiều trường đã không mở thêm hệ này (còn gọi là hệ bồi dưỡng văn hóa).
Nguyễn Đình Cường
(Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Đa, TP.HCM)
Bình luận (0)