Nhu cầu lao động trình độ sơ cấp và ngắn hạn dưới 3 tháng tập trung nhiều ở các địa phương nông thôn mới hoặc địa bàn có khu chế xuất – khu công nghiệp (KCX-KCN) tại TP.HCM. Tuy nhiên, nguồn lao động trình độ nói trên chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Phụ huynh tìm hiểu các ngành nghề đào tạo trình độ sơ cấp và ngắn hạn dưới 3 tháng tại buổi tư vấn hướng nghiệp và phân luồng sau THCS do huyện Bình Chánh tổ chức hồi tháng 4. Ảnh: T.Tri |
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2017, thành phố đã đào tạo hơn 5.500/ 12.000 lao động tại các địa phương: Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ, Thủ Đức, Q.12…, trong đó có gần 1.600 người học nghề nông nghiệp và khoảng 4.000 người học nghề phi nông nghiệp.
Thiếu cả chất lẫn lượng
Mặc dù đây là các địa phương có nhiều KCX-KCN, đang chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, hoặc vùng nông nghiệp công nghệ cao cần một lực lượng lao động trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng nhưng tỷ lệ người được đào tạo nghề còn rất thấp. Theo chỉ tiêu năm 2017 của thành phố, huyện Cần Giờ phải đào tạo 1.700 người và huyện Bình Chánh là 2.700 người. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2017, huyện Cần Giờ chỉ đào tạo được 342 lao động (tỷ lệ 20,12%), còn huyện Bình Chánh khá hơn – 1.002 người (37,85%). Ông Nguyễn Thanh Phú (Phụ trách nhân sự Công ty TNHH MTV Hòa Phát, Q.7) cho rằng với mặt bằng chất lượng đào tạo trình độ sơ cấp và ngắn hạn hiện nay thì lao động có thể đáp ứng cơ bản yêu cầu của doanh nghiệp. Nhưng với các doanh nghiệp liên doanh, hoặc doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài, dây chuyền sản xuất hiện đại thì sau tuyển dụng phải đào tạo lại. “Đây là điều mà các doanh nghiệp rất ngại vì mất một khoản chi phí không đáng có”, ông Phú nói.
Trong khi đó, ông Lưu Nguyễn Xuân Vũ (Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nghiệp huyện Bình Chánh) thông tin: Tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Bình Chánh có khoảng 5.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư. Tại các KCN đang cần lượng lớn lao động các trình độ, trong đó trình độ sơ cấp và ngắn hạn chiếm tỷ lệ không nhỏ.
Cũng theo ông Vũ, các vị trí như chuyền trưởng, tổ trưởng, KCS… ở một số doanh nghiệp không cần lao động có trình độ CĐ hay TC mà chỉ cần sơ cấp hoặc qua đào tạo nghề ngắn hạn là đủ. Đây cũng là giải pháp để giảm chi lương và những khoản theo lương mà các doanh nghiệp đặt nặng. “Tuyển dụng rồi phải bỏ chi phí đào tạo lại thì e rằng chẳng doanh nghiệp nào muốn”, ông Vũ khẳng định.
Nâng chất bằng cách nào?
Ông Nguyễn Thế Phương (Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Nhà Bè) cho biết, căn cứ danh mục đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các địa phương có KCX-KCN đã tổ chức khảo sát, rà soát, xác định nhu cầu học nghề và trình độ đào tạo. Từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm phù hợp với nhu cầu người lao động cũng như yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Thực tế, tại một số địa phương vẫn còn hạn chế về trang thiết bị đào tạo, chất lượng đội ngũ giáo viên làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo nghề, không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) khẳng định: “Qua kiểm tra các cơ sở dạy nghề tại những địa phương nông thôn mới, điểm chung là cơ sở vật chất, trang thiết bị lạc hậu, ngành nghề đào tạo không còn phù hợp, trình độ giáo viên hạn chế… Như vậy người học sẽ học cái gì?, họ được trang bị kiến thức gì? Đó cũng là lý do người lao động không muốn đi học mặc dù được miễn phí theo quy định”.
Đề cập đến giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo trình độ sơ cấp và ngắn hạn, ông Lâm cho biết Sở LĐ-TB&XH TP.HCM sẽ tổ chức đào tạo cho 100 cán bộ chuyên trách, cán bộ tổ chức đoàn thể và giáo viên tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc các huyện, xã/thị trấn. Bên cạnh đó, sở cũng đã phối hợp với địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc các huyện nông thôn mới xây dựng đề án tăng cường trang thiết bị đào tạo nghề ở mọi trình độ, trong đó chú trọng trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng. Cụ thể có 4 cơ sở tại các huyện: Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi và Hóc Môn được đầu tư 12 nghề.
Từ những hạn chế trên, ông Lâm khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với quận/huyện tổ chức tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo yêu cầu của người học, với nhiều hình thức như: xây dựng chương trình bồi dưỡng, cập nhật nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề để cấp chứng chỉ cho người lao động có tay nghề nhưng chưa qua đào tạo…
T.Anh
Bình luận (0)