Với lý do chưa chuẩn bị kỹ, các trường ĐH đều từ chối tổ chức kỳ thi riêng trong năm 2012
Dù luôn yêu cầu phải được tự chủ tuyển sinh nhưng đến thời điểm này, không trường ĐH nào đưa ra phương án tuyển sinh riêng trong năm 2012. Ông Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng tổ chức một kỳ thi chung không khó chứ những vấn đề kèm theo việc tổ chức kỳ thi riêng là chưa được chuẩn bị kỹ.
Điều kiện chưa chín muồi
Ông Giang phân tích thêm rằng phương án thi 3 chung lâu nay có nhiều hạn chế nhưng nó đã trở thành một thói quen là liên thông luân chuyển thí sinh giữa các trường với nhau. Nếu bây giờ ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi riêng thì cơ hội xét tuyển nguyện vọng (NV) 2, NV3 của khoảng 80% thí sinh trượt NV1 vào trường sẽ như thế nào? Đạt 17 điểm khi vào ĐH Quốc gia Hà Nội rất khác với 17 điểm của Trường ĐH Bách khoa, liệu Trường ĐH Bách khoa có nhận thí sinh của ĐH Quốc gia Hà Nội hay không cũng chưa có câu trả lời.
Thí sinh xem thông tin tuyển sinh tại Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TPHCM, năm 2011. Ảnh: TẤN THẠNH
Cũng theo ông Giang, Bộ GD-ĐT chưa đưa ra cơ chế cho việc xét tuyển NV2, NV3 nên vì quyền lợi của người học, ĐH Quốc gia Hà Nội quyết định mùa tuyển sinh 2012 vẫn tiếp tục 3 chung để tính tiếp ở mùa thi sau. “Nếu cố tình tổ chức thi riêng trong điều kiện chưa chín muồi, học sinh có thể sẽ rất hoang mang và hậu quả không thể lường trước được”- ông Giang nhấn mạnh.
Không thi riêng, chỉ đổi mới xét tuyển
Dù cũng được Bộ GD-ĐT giao nghiên cứu phương án đổi mới tuyển sinh nhưng Trường ĐH Bách khoa vẫn quyết định chọn phương án cũ.
Ông Nguyễn Cảnh Lương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết trường này đang xem xét một số phương thức tuyển sinh. Nếu tổ chức kỳ thi riêng trước kỳ thi 3 chung thì có thể lượng thí sinh dự thi sẽ lớn song khó có thể biết chính xác bao nhiêu thí sinh sẽ chọn Trường ĐH Bách khoa, bao nhiêu thí sinh tham gia kỳ thi 3 chung và lựa chọn trường khác khi có cơ hội.
Còn nếu tổ chức thi riêng cùng thời điểm với kỳ thi 3 chung thì thí sinh sẽ khó chọn trường vì mất đi cơ hội xét tuyển vào các trường khác. Một phương án nữa được đặt ra là xem xét phương thức xét tuyển qua hồ sơ. Tuy nhiên, phương án này cũng nhiều bất cập. Hiện nhà trường vẫn chưa tìm được phương thức tuyển sinh hợp lý thay thế hoàn toàn phương thức 3 chung.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cũng cho biết không tự tổ chức kỳ thi riêng mà chỉ đổi mới tuyển sinh ở khâu xét tuyển.
Cần lộ trình giao quyền tự chủ
Ông Giang cho rằng đổi mới tuyển sinh cần phải căn bản, toàn diện và sẽ trình Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phương án đổi mới căn bản tuyển sinh đầu vào. Bởi việc đánh giá hiện nay mới chỉ là kiểm tra kiến thức và cách đánh giá này có rất nhiều hạn chế như dung lượng bộ nhớ con người có hạn, cũng có lúc quên và phải tìm đến bộ nhớ phụ là “phao”.
Một lãnh đạo của ĐH Quốc gia TPHCM cũng cho rằng việc chạy từ thái cực này sang thái cực kia và đôi khi quay trở về điểm xuất phát ban đầu là điều không nên. Cần phải có những bước chuyển phù hợp cần thiết chứ không thể vừa bắt các trường làm cùng một kiểu rồi lại để các trường tự do mỗi nơi tuyển sinh một cách. Về tổng thể, Bộ GD-ĐT cần công bố chi tiết hơn lộ trình giao quyền tự chủ. Phải có một cơ chế rõ ràng, nếu không thì dù có tuyển sinh riêng nhưng vẫn phải chung đợt thì khó lòng mà từ bỏ 3 chung.
Dạy cách tìm kiếm kiến thức
Ông Vũ Minh Giang nhấn mạnh rằng trong thời đại tin học, phải dạy cho học sinh cách ham thích tìm kiếm kiến thức chứ không phải là nhồi nhét kiến thức.
Một nhược điểm nữa là bảo vệ đề thi rất ngặt nghèo, tốn kém, an ninh vận chuyển đề thi rất vất vả… Tốn kém như vậy nhưng chỉ kiểm tra được một kỹ năng là trí nhớ của học sinh trong khi khả năng suy luận, phán đoán lại rất hạn chế.
Ông Giang cho biết ĐH Quốc gia Hà Nội đang hoàn thiện đề án tuyển sinh trình lãnh đạo bộ, trong đó nhấn mạnh đến phương án đánh giá năng lực của người học.
Việc này có thể học tập kinh nghiệm của nước ngoài. Tuy nhiên, hiện mỗi trường tuyển sinh một kiểu, rất khó áp đặt kiểu của trường này cho trường khác. Chắc chắn các trường sẽ phải nghiên cứu và nếu thấy hay thì áp dụng.
|
Theo Yến Anh
(NLD)
Bình luận (0)