Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Khô mắt – đừng để lâu ngày

Tạp Chí Giáo Dục

Làm việc nhiều trên máy vi tính cũng là nguyên nhân dẫn đến khô mắt (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: T.L

Bệnh khô mắt do nhiều nguyên nhân, nhưng thường gặp nhất ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, với những người trẻ tuổi, nếu không biết giữ gìn con ngươi thì bệnh rất dễ phát triển, ảnh hưởng đến thị lực và chất lượng cuộc sống.
Mí mắt không bình thường
Anh Đặng Văn Hòa (nhà ở P.21, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) là dân trí thức, đọc nhiều và làm việc trên máy vi tính cũng không ít nhưng đôi mắt anh không hề cận thị, viễn thị. Chính vì vậy, cho đến độ tuổi trung niên đôi mắt của anh vẫn làm việc bình thường không cần sự can thiệp của các loại kính. “Chỉ 2 năm gần đây, lâu lâu tôi bị khó chịu trong mắt, ngủ dậy nhiều lúc có cảm giác khô và bỏng rát. Nhiều khi không đi ra ngoài mà lại có cảm giác như bụi bay vào mắt, hai mí nặng, sụp xuống”, anh Hòa cho biết. Nhiều lúc do bận bịu công việc, anh lấy tay xoa vào mắt nhưng càng xoa đôi mắt càng khó chịu hơn. Tháng 5-2011, anh Hòa mang sổ khám bệnh vào Khoa Mắt Bệnh viện Nhân dân Gia Định để điều trị. Sau khi có kết quả đo thị lực, BS. Dương Quang Huỳnh Nga kết luận: “Khô mắt H04.1”. Ngoài hai loại thuốc uống, BS còn cấp cho anh Hòa một lọ thuốc nhỏ mắt hàng ngày để khắc phục tình trạng khô mắt. Theo BS. Huỳnh Nga, nguyên nhân gây ra tình trạng khô mắt của anh Hòa là do màng phim nước mắt bị rối loạn, giảm sự tiết chế ở nước mắt. Bên cạnh đó theo y văn, sự bốc hơi của nước mắt làm cho bề mặt nhãn cầu tổn hại cũng gây ra căn bệnh này. Không chỉ nhức mắt, đôi lúc anh Hòa còn có biểu hiện mỏi mắt, nhìn mờ vào ban đêm. Các BS chuyên khoa còn cho biết thêm, thủ phạm gây khô mắt còn có các bệnh về viêm kết mạc và bệnh ở mi mắt. Từ nguyên nhân trên mà các thầy thuốc có thể tìm ra cách chữa trị phù hợp. Ngoài uống thuốc đặc trị, thuốc bổ dạng B complex C (vitamin B1+ B2+ B6+ C+ PP) bệnh nhân cần nhỏ một số loại thuốc có tác dụng như nước mắt nhân tạo để hạn chế tình trạng khô ở trong mắt như Cloraxin 0,4%, đặc biệt phổ biến nhất là loại thuốc nhỏ mắt Sanlein 0,1% 5ml. Đây là liệu pháp thay thế nước mắt khi tuyến lệ hoạt động kém. Nếu khô mắt do bị viêm nhiễm thì cách tốt nhất là uống các loại thuốc trị kháng viêm hoặc chống nhiễm khuẩn kịp thời. Nếu để lâu ngày tình trạng sẽ tồi tệ hơn. Sau một thời gian điều trị triệu chứng khô mắt của anh Hòa đã giảm rõ rệt.
Không chữa theo “kinh nghiệm”
Một nguyên nhân làm mắt anh Hòa bị khô mà BS cảnh báo là do làm việc với máy vi tính quá nhiều. Cho nên ngoài việc uống và nhỏ thuốc, anh Hòa bắt đầu cân đối lại thời gian làm việc một cách khoa học, không ngồi quá lâu trước màn hình, thường xuyên cho mắt nghỉ ngơi sau 30 đến 60 phút. Đây cũng là giải pháp điều chỉnh sức khỏe đôi mắt của chị Trần Thị Huyền – GV Trung tâm GDTX quận Bình Thạnh, nhờ đó đã loại bỏ được căn bệnh khô mắt mà chị chịu đựng gần một năm nay. Nếu trước đây chỉ đeo kính trong lúc làm việc thì bây giờ khi ra đường, chị Huyền luôn đeo kính mát để giữ độ ẩm cho đôi mắt theo lời khuyên của BS. Tuy chưa bị viêm nhiễm bờ mi nhưng qua tư vấn của BS, anh Hòa và cô Huyền còn biết nguyên nhân gây khô mắt do viêm nhiễm bờ mi. Cách điều trị như chườm nóng hay nặn tuyến bờ mi, mát xa và bôi bờ mi bằng thuốc mỡ kháng sinh. Tất nhiên, trước khi tự điều trị cần phải được sự hướng dẫn tận tình của BS chuyên khoa mắt chứ không nên nghe theo lời “thầy lang vườn” hoặc “kinh nghiệm” thiếu khoa học của người khác mà đắp các loại lá, loại thuốc trực tiếp lên mắt gây viêm nhiễm, có khi còn mù lòa vĩnh viễn.
Ngọc Quang

Bình luận (0)