Mặt trái của không ít cửa hiệu photocopy chính là địa chỉ giao dịch mua bán chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, các loại “phao” thi…
Giảng viên đại học… kêu cứu
Có mối liên hệ nào giữa các trường đại học, cao đẳng, trung cấp với các cửa hiệu photocopy, mà cứ ở đâu có trường, ở đó lại nở rộ dịch vụ “nhân bản” bình dân này? Một phần nguyên nhân của mối liên hệ này đã được nói đến trong lá “đơn kêu cứu” của một số giảng viên trường Đại học Bách Khoa gửi CAQ Hai Bà Trưng.
Trung tá Hà Anh Tuấn – Đội trưởng Đội An ninh CAQ Hai Bà Trưng nhớ lại, cách đây 5, 7 năm, khi tuyến đường Trần Đại Nghĩa chưa được mở khang trang như bây giờ mấy tuyến đường nội bộ trong khu tập thể Bách Khoa, nhất là khu vực cổng trường Đại học Bách Khoa, ngày nào cũng xuất hiện hàng chục chiếc xe đẩy lưu động, kinh doanh sách, giáo trình, tài liệu tham khảo – nghiên cứu dành cho sinh viên. Trường nào cũng vậy, bộ môn nào cũng vậy, phục vụ quá trình dạy – học phải có giáo trình cho sinh viên, rồi tài liệu tham khảo.
Cơ quan công an khám xét điểm photo kiêm… làm chứng chỉ, văn bằng giả |
Đó là công sức, chất xám của các thầy, cô viết ra, và hoàn toàn bình thường việc các sinh viên mua giáo trình, tài liệu ấy để học tập. Thế nhưng lạ một điều, cả lớp mấy chục sinh viên mà chỉ một vài em nộp tiền mua giáo trình. Những buổi học sau, em nào cũng tự tin lên giảng đường với tài liệu không khác mấy so với giáo trình của các thầy cô biên soạn. Sự khác biệt duy nhất chỉ là về màu sắc trang bìa và chất lượng giấy. Tìm hiểu ra, các giảng viên nắm được sinh viên của mình đã đi mua tài liệu photo được bán công khai ngay cổng trường.
So với giá tài liệu mua của trường, khoảng 35-40.000 đồng/cuốn, thì tài liệu photo có giá chưa quá 10.000 đồng. Điều này lý giải vì sao mấy chiếc xe đẩy bán sách lưu động ở cổng trường Bách Khoa đắt khách. Cho đến khi CAQ Hai Bà Trưng nhận được đơn, phản ánh của nhiều giảng viên, và tổ chức đẩy đuổi, xử lý mấy người bán sách trên xe đẩy, “nạn” mua bán công khai tài liệu photo trước cổng trường Bách Khoa mới chấm dứt.
“Cầu” muốn gì, “cung” có ngay
Việc chọn địa điểm kinh doanh photo quanh khu vực này có dụng ý rõ ràng, bởi nó gần các trường đại học lớn là Kinh tế Quốc dân, Xây dựng, Bách Khoa, Viện Đại học Mở… Không thể phủ nhận sự tiện lợi của loại hình dịch vụ này đối với các sinh viên, nhưng cũng không thể chấp nhận những mặt trái đã và đang gây nhức nhối dư luận xã hội.
Trước mỗi mùa thi đại học, báo chí lại tốn không ít giấy mực để lên án tình trạng mua bán “phao” thi ở các cơ sở kinh doanh này. Phố Tạ Quang Bửu, phố Trần Đại Nghĩa (quận Hai Bà Trưng); đường Lương Thế Vinh, quanh khu ký túc xá trường Đại học KHXH&NV (quận Thanh Xuân), rồi khu vực quận Cầu Giấy gần các trường Đại học Sư phạm, Học viện Báo chí- tuyên truyền… đó là những tuyến “nóng” về “phao” thi – xuất phát từ các cửa hiệu photocopy – ai cũng biết, song chưa thấy cơ quan chức năng nào nhận trách nhiệm xử lý dứt điểm.
Trước mùa thi đại học là các lễ thi tốt nghiệp, bảo vệ luận văn, luận án của sinh viên học viên các trường đại học. Hoạt động kinh doanh photocopy thời điểm này có vẻ không sôi động như đối với “cánh” thi đại học, song nó có những phức tạp rất riêng, rất đáng phê phán. Đó là dịch vụ cung cấp luận văn, đề án tốt nghiệp, thậm chí cả luận án tiến sỹ… ngay trong nhiều cửa hàng photocopy. Ở đây, những công trình nghiên cứu được rao bán dưới dạng file (tư liệu) trong máy tính, giá chỉ từ 20.000-30.000 đồng. Nếu in ra giấy, giá thành đội lên song cũng không quá 100.000 đồng. Từ đây chúng được xào xáo thành luận văn mới. Dư luận định danh nó là “ăn cắp chất xám”, và hiện tượng ấy diễn ra đã nhiều năm nay.
Một nguồn “cung” liều lĩnh hơn ở một số cửa hàng photocopy, là sẵn sàng nhận hợp đồng “chế” chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, thậm chỉ cả bằng Đại học, bằng Thạc sỹ. Minh chứng cho điều này là vụ án làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức mà CAQ Hai Bà Trưng khám phá hôm 25-5 vừa qua tại cửa hiệu photocopy số nhà 23, ngõ 47 phố Trần Đại Nghĩa, phường Đồng Tâm. Quản lý cửa hiệu này là Phan Văn Cường (SN 1980), nhà ở xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì. Khám xét nơi ở và cửa hàng của Cường, lực lượng công an thu giữ hàng chục “phôi” bằng Đại học, Thạc sỹ, chứng chỉ, và khoảng 12 con dấu giả của các trường đại học…
Những phức tạp tiềm ẩn của dịch vụ photocopy không chỉ đợi đến trước mùa thi mới bùng phát. “Biến tướng” của loại hình này là “phao” thi, là luận văn, đồ án và cả dịch vụ cung cấp chứng chỉ, bằng Đại học, Thạc sỹ. Những “biến tướng” này diễn ra đã lâu, phát hiện không khó nhưng công tác xử lý lại không hề dễ.
Theo (ANTĐ)
Bình luận (0)