Mặc dù Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã qua gần hết 2/3 chặng đường nhưng đến nay nhiều mục tiêu của đề án vẫn có nguy cơ chưa thể thực hiện. Trong đó, yêu cầu phát triển hai chương trình tiếng Anh tăng cường và tiếng Anh theo đề án còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ học sinh được tiếp cận các chương trình tiên tiến còn hạn chế.
Giải pháp “chẳng-đặng-đừng”
Theo báo cáo của Phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM, kết thúc học kỳ 1 năm học 2014-2015, toàn TP chỉ có 76% học sinh tiểu học đang theo học các chương trình tiếng Anh trong nhà trường với tổng số trường có dạy tiếng Anh là 433 trên tổng số 513 trường tiểu học đang hoạt động trên địa bàn TP (chiếm tỷ lệ 84,4%). Trong đó, số trường dạy tiếng Anh tăng cường là 217 trường, không tăng thêm so với năm học trước và vẫn chiếm tỷ lệ ít hơn so với 433 trường đang triển khai chương trình tiếng Anh tự chọn, 306 trường dạy chương trình tiếng Anh theo đề án. Như vậy, dẫn đầu danh sách học sinh đang theo học các chương trình tiếng Anh của TP vẫn là tiếng Anh tự chọn với 220.832 học sinh, đứng thứ nhì là tiếng Anh theo đề án với 110.719 em và chiếm tỷ lệ thấp nhất là tiếng Anh tăng cường với 93.137 em. Theo nhận xét của nhiều giáo viên, đây là con số rất đáng lo ngại, đi ngược lại mục tiêu nâng cao chất lượng môn tiếng Anh ở bậc tiểu học, đồng thời khó hoàn thành kỳ vọng vào năm 2016 chỉ còn 2 chương trình tiếng Anh là tiếng Anh tăng cường và tiếng Anh theo đề án mà giáo dục TPHCM đã đặt ra.
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 3 cho biết, nguyên nhân thật sự của tình trạng chương trình tiếng Anh tự chọn đang chiếm tỷ lệ áp đảo không phải do các trường “mặn mà” với chương trình này mà do đây là lựa chọn cuối cùng sau khi không thể triển khai hiệu quả các chương trình tiếng Anh theo đề án và tiếng Anh tăng cường. Vị này lý giải, do các quy định ngặt nghèo hiện nay về mức học phí, sĩ số học sinh/lớp, chuẩn trình độ giáo viên tiếng Anh của hai chương trình tiếng Anh tăng cường và tiếng Anh theo đề án, trong khi thực tế nhiều nơi chưa thể thực hiện nên các đơn vị đành chọn tiếng Anh tự chọn như một giải pháp chữa cháy, chặng-đặng-đừng mới triển khai vì chất lượng và hiệu quả của chương trình này thua xa so với hai chương trình kia.
Cần phối hợp dạy tiếng Anh với các hoạt động ngoại khóa để nâng cao hiệu quả giảng dạy, góp phần tăng khả năng giao tiếp cho học sinh. Ảnh: THANH THU
Ngoài ra, nhận xét về đề kiểm tra học kỳ 1 môn tiếng Anh ở các trường tiểu học, một chuyên viên Phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết phần lớn các đề kiểm tra vẫn thiếu yêu cầu kiểm tra kỹ năng nói, mặc dù đây là một trong những yêu cầu quan trọng của việc dạy tiếng Anh cho trẻ ở bậc tiểu học. Thay vào đó, các đề thi mới tập trung vào việc kiểm tra ba kỹ năng là nghe, đọc hiểu và viết khiến hiệu quả giảng dạy nghiêng nhiều về mặt lý thuyết, học sinh chưa có cơ hội rèn luyện kỹ năng giao tiếp.
Tìm cách giữ chân giáo viên giỏi
Trước đa số ý kiến của lãnh đạo các đơn vị về tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh, đặc biệt là giáo viên giỏi, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, Ban Giám đốc Sở GD-ĐT sẽ có cuộc làm việc với Phòng Tổ chức cán bộ về vấn đề tuyển dụng giáo viên tiếng Anh nhằm đảm bảo nguồn cung cấp đội ngũ giáo viên cho các trường. Tuy nhiên về phía trường học, ông Hiếu cũng đề nghị các đơn vị có thêm chế độ, chính sách hỗ trợ lương bổng để giữ chân giáo viên giỏi.
Số liệu thống kê từ Phòng Giáo dục tiểu học cho biết, tổng số giáo viên dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học hiện nay là 1.717 người, tăng thêm 198 người so với học kỳ 1 năm học 2013-2014 nhưng vẫn chưa đáp ứng nổi nhu cầu dạy tiếng Anh của các trường do sĩ số học sinh tăng cao, điều kiện trang thiết bị, phòng ốc chưa đảm bảo. Ngoài ra, trong quá trình tuyển dụng giáo viên ngoại ngữ, đặc biệt là môn tiếng Anh ở bậc tiểu học, các cơ sở giáo dục còn gặp nhiều khó khăn do thiếu chỉ tiêu biên chế, chế độ tiền lương, thù lao cho giáo viên không có nguồn hỗ trợ. Mặt khác, cám dỗ của thị trường lao động hiện nay quá lớn, một giáo viên giỏi tiếng Anh có thể dễ dàng kiếm được thu nhập từ 12-15 triệu đồng/tháng, thậm chí có nơi lên đến 20 triệu đồng ở khu vực các trường tư thục và doanh nghiệp trong khi dạy ở trường công chỉ được trả chưa đến 10 triệu đồng/tháng. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng “chảy máu” giáo viên giỏi thêm trầm trọng.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sơ kết học kỳ 1 năm học 2014-2015, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các quận/huyện tích cực theo dõi tiến độ thực hiện Đề án tiếng Anh nhằm đảm bảo kế hoạch Sở GD-ĐT đã triển khai. Bên cạnh đó, một số hoạt động tạo môi trường ngôn ngữ cho trẻ như dạy tiếng Anh qua toán, khoa học, đọc truyện, hoạt động theo dự án… cần được các trường nghiêm túc thực hiện, trong đó chú trọng rèn luyện kỹ năng nói cho học sinh, giúp các em có thêm nền tảng vững chắc phát triển kỹ năng giao tiếp về sau. Ngoài ra, đối với việc ra đề thi kiểm tra cuối học kỳ, nên có “ma trận đề thi” để thuận tiện hơn trong việc kiểm tra, đánh giá toàn diện học sinh, tránh tình trạng trùng lắp về mặt kỹ năng, kiến thức như hiện nay.
MINH QUÂN
(SGGP)
Bình luận (0)