Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Khổ như dạy… trẻ hòa nhập

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Phan Thị Huyền và HS “đặc biệt” Lê Hoàng Duy

Xưa nay người ta chỉ nói “nghề dạy học là nghề gõ đầu trẻ” chứ có ai bảo đó là nghề “bị trẻ gõ đầu”. Thế nhưng trên thực tế lại có những học sinh thản nhiên “gõ” vào đầu cô giáo. Vậy mà cô vẫn yêu thương, chăm sóc các em như con đẻ…
Những học sinh “đặc biệt”
Hơn 10 giờ sáng, tôi có mặt tại lớp Lá 3, Trường Mầm non Bến Thành, Q.1. Thấy tôi không mặc đồng phục như các cô trong lớp, một cậu bé lại gần rồi níu lấy tay tôi, hỏi: “Về à?”. Tôi nhìn cậu bé và không hiểu tại sao một đứa trẻ 5 tuổi lại hỏi người lớn một câu cụt lủn như vậy. Cô Trần Thị Diệm Tiên kịp thời giải thích: “Đây là một trong ba HS “đặc biệt” của lớp, cả ba đều bị rối loạn ngôn ngữ. Em thì nói ngọng, em chỉ nói được câu đơn, có em cả ngày không nói một câu. Không chỉ rối loạn ngôn ngữ, các em còn bị rối loạn hành vi, vui buồn thất thường. Khi buồn, các em vứt hết đồ chơi, đánh bạn, thậm chí đánh cả cô giáo”.
Nổi tiếng nhất Trường Mầm non Bến Thành là bé Lâm Mã Đan Duy (lớp Mầm 4) với biệt danh “siêu quậy”. Khi mới nhập học, cả trường phải “choáng” về hành vi của bé. Mỗi buổi học, bé chỉ ngồi yên được 10 phút, sau đó thì quậy tưng bừng. Giật đồ chơi của bạn, chửi thề, bỏ đi lang thang từ lớp này qua lớp khác. Nếu cô giáo la, lập tức bé thẳng tay tát vào mặt cô. “Có lần bé tát cô giáo chảy cả máu miệng”, cô Nguyễn Thị Minh Nghĩa – giáo viên lớp Mầm 4 cho biết.
Tiếp xúc với Đan Duy, dù chỉ mới 5 phút nhưng tôi cũng phải thừa nhận em đúng là “siêu quậy”. Khi cô Nghĩa chỉ vào ghế, Đan Duy ngồi xuống nhưng tay chân cứ ngó ngoáy, đầu lắc lư, miệng liến thoắng. Hỏi tên cô giáo nào, bạn nào trong lớp Đan Duy cũng biết. Qua thăm dò tôi được biết bé bị rối loạn tăng động.
Trái ngược với Đan Duy, Lê Hoàng Duy (lớp Chồi 3) lại vô cùng chậm chạp. Tuy đã 4 tuổi nhưng khi cô giáo hỏi: “Con mấy tuổi”, Hoàng Duy chỉ biết đáp lại: “Con mấy tuổi”. “Hồi mới vào lớp, Hoàng Duy lúc nào cũng ngồi một “cục”. Bạn bè hỏi, khều, thậm chí là lấy chân đá, em cũng không có bất kỳ phản ứng nào”, cô Phan Thị Huyền kể lại. Còn với Đoàn Thịnh (5 tuổi – lớp Lá 3), với một bài thơ chỉ cần học 30 phút là thuộc, bé phải loay hoay cả tuần mới xong.
Nỗi nhọc nhằn của người “gõ đầu trẻ”
Cô Nguyễn Thị Hồng Minh – giáo viên lớp Lá 2 Trường Mầm non 4, Q.3 cho biết: “Trong lớp có 2 bé học hòa nhập là Nguyễn Ti Na và Nguyễn Hải Đăng. Cả 2 bị điếc dạng nhẹ phải đeo máy trợ thính. Trước khi vào đây, các bé đã học ở trường chuyên biệt. Dạy trẻ học hòa nhập cực lắm, công sức mình bỏ ra cho 1 HS này bằng 10 HS bình thường. Cả lớp 50 HS chỉ có 1 giáo án, nhưng 2 trẻ học hòa nhập phải dùng giáo án riêng. Và mỗi ngày giáo viên phải dành khoảng 30 phút để dạy riêng cho các em…”.
“Để Hoàng Duy không “quăng cục lơ” với mọi người xung quanh, tôi phải dành nhiều thời gian chơi với bé. Sau khi Hoàng Duy chấp nhận chơi với cô, tôi lại khuyến khích các bạn trong lớp chơi với bé cũng như động viên bé hòa nhập với các bạn. Cũng trầy trật lắm Hoàng Duy mới hòa đồng cùng bạn bè. Tuy vậy, về ngôn ngữ bé vẫn còn rất chậm, chỉ nói được một vài từ”, cô Huyền tâm sự.
Dạy trẻ hòa nhập sẽ trở nên khó khăn hơn khi phụ huynh của các bé không hợp tác. “Trong lớp có bé chậm phát triển ngôn ngữ và rối loạn hành vi – thường sử dụng “nắm đấm” với bạn bè, tôi góp ý và khuyên phụ huynh nên đưa bé đi khám thì bắt gặp phản ứng gay gắt. Thậm chí họ còn cho rằng, vì họ không quan tâm đến tôi nên tôi “đì” con họ”, cô Diệm Tiên chia sẻ.
Không chỉ có vậy, giáo viên dạy hòa nhập còn phải chịu áp lực từ những phụ huynh có con bình thường. Nhiều ông bố, bà mẹ cấm con mình chơi với các bạn “đặc biệt” vì sợ… lây bệnh. “Nếu không được các bạn lành bệnh yêu thương và chơi đùa thì việc học hòa nhập của trẻ khuyết tật sẽ không đạt kết quả tốt”, cô Diệm Tiên khẳng định.
Dạy trẻ học hòa nhập cực là vậy nhưng giáo viên lại không được hưởng thêm bất kỳ chế độ nào. Cô Nguyễn Thị Sinh – Hiệu phó Trường Mầm non Thành phố cho biết: “Chưa có chế độ, chính sách nào dành cho giáo viên dạy hòa nhập nên nhà trường chỉ còn cách giảm bớt áp lực công việc cho các cô. Theo đó, những lớp có trẻ học hòa nhập sẽ được hạn chế về sĩ số. Tuy vậy, mỗi lớp vẫn có trên dưới 50 cháu”.
“Khi tiếp nhận trẻ học hòa nhập, nhà trường phải giao cho những giáo viên có tâm huyết với nghề. Dạy trẻ học hòa nhập cực gấp chục lần dạy trẻ bình thường nhưng chế độ cũng như nhau thì dần dần tâm huyết sẽ biến mất. Theo tôi, cần phải có chế độ phụ trội cho giáo viên dạy hòa nhập, hoặc được hưởng 70% phụ cấp đứng lớp như giáo viên chuyên biệt”, cô Phùng Hoàng Oanh – Hiệu trưởng Trường Mầm non 4, Q.3 kiến nghị.
Bài, ảnh: Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)