Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Khổ như giáo viên tiểu học

Tạp Chí Giáo Dục

Dù đã thực hiện được 2 năm, song Thông tư 30 về bỏ chấm điểm học sinh (HS) tiểu học vẫn khiến nhiều giáo viên (GV) quá tải trong đánh giá HS, nhất là trong công tác tổng kết cuối học kỳ, cuối năm…

GV tiểu học tranh thủ giờ nghỉ trưa ghi nhận xét vào tập HS (ảnh minh họa)

Theo cô H. (GV dạy lớp 1 tại một trường tiểu học ở Q.1, TP.HCM), HS ở độ tuổi lớp 1 quen cách nhận xét bằng miệng vì dễ nghe dễ hiểu, đồng thời GV cũng thường xuyên trao đổi trực tiếp với phụ huynh về việc học tập của con, cho nên việc nhận xét vào vở theo Thông tư 30 dường như HS và phụ huynh ít lưu tâm, cho dù GV nhận xét rất cặn kẽ. Không như trước đây, khi thấy con điểm thấp là phụ huynh lập tức gặp GV trao đổi và cùng phối hợp kèm cặp con mình. Thêm nữa, cùng nội dung nhận xét nhưng GV vừa ghi vào vở HS hàng ngày, vừa ghi vào các loại sổ gồm sổ theo dõi, sổ liên lạc, học bạ, khiến nội dung bị chồng chéo, trùng lặp. Trong số các loại sổ, cô H. kiến nghị nên bỏ bớt sổ theo dõi, vì “sổ này không cần thiết, GV viết trong đó rồi không có ai đọc, cuối năm chỉ nộp cho ban giám hiệu lưu lại trường”.

Theo cảm nhận của cô H., việc ghi chép nhận xét đối với GV so với trước đây hơi nặng nề vì để làm cho kịp, họ phải tận dụng cả giờ nghỉ trưa, giờ chiều sau khi HS ra về hết, rồi sau đó “tha” về nhà để làm tiếp. Công việc vây quanh khiến GV “không đi đâu được, đặc biệt vào thời gian cao điểm là phải làm việc liên tục. Nhất là lúc kết thúc học kỳ hoặc tổng kết năm học. Đây là khoảng thời gian nhiều khi GV phải thức quá 24 giờ để hoàn thành sổ sách. Điều này có thể là dễ dàng hơn đối với những GV còn độc thân, nhưng đối với những người đã có gia đình thì thường bị trễ thời hạn nộp so với quy định”.

Trong số các loại sổ, cô H. kiến nghị nên bỏ bớt sổ theo dõi, vì “sổ này không cần thiết, GV viết trong đó rồi không có ai đọc, cuối năm chỉ nộp cho ban giám hiệu lưu lại trường”.

Cùng cảm nhận như cô H., thầy M. (GV chủ nhiệm lớp 5, một trường tiểu học Q.7), cho biết việc theo dõi, nhận xét HS về năng lực và phẩm chất theo Thông tư 30 sau 2 năm áp dụng, nói chung nay đã vào nề nếp hơn. Thậm chí GV trên địa bàn quận còn được sử dụng phần mềm hỗ trợ trong nhận xét, đánh giá. Tuy nhiên việc này chỉ trở nên nhẹ nhàng hơn đối với những GV chăm chỉ, dạy đến đâu nhận xét đến đó, nhưng cũng vẫn có những GV để đến cuối tháng mới ngồi nhớ lại để ghi, khiến việc đánh giá, nhận xét không chính xác và trở nên quá tải nặng nề. Riêng đối với GV lớn tuổi, vẫn còn gặp khó khăn trong việc sử dụng phần mềm hỗ trợ trong đánh giá, nhận xét vì vốn ít tiếp xúc với CNTT từ trước.

Trong khi đó, một GV bộ môn âm nhạc ở Q.10 cho biết, so với GV chủ nhiệm thì GV bộ môn (âm nhạc, mỹ thuật, kỹ thuật, thể dục… – PV) vất vả hơn nhiều, vì phải nhận xét trung bình trên dưới 700 HS với ba tiêu chí về kiến thức kỹ năng, năng lực, phẩm chất. Việc này đồng nghĩa với việc GV phải làm việc cật lực để có được 2.100 câu nhận xét trong mỗi tháng. Nhất là vào thời điểm tổng kết học kỳ hoặc cuối năm học, GV còn phải đầu tư nhiều thời gian cho việc viết học bạ. Vì theo quy định, học bạ phải viết tay trên 2 mặt trang, mỗi môn viết từ 1,5 dòng tới 2 dòng, và phải đầu tư thời gian nhận xét cho phù hợp với từng HS. Do đó, để chạy đua với thời gian, GV bộ môn phải nhờ GV chủ nhiệm ghi giúp vì làm không xuể…

Trong dịp đến thăm Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết mục tiêu của Thông tư 30 là tích cực vì góp phần đánh giá HS một cách toàn diện. Tuy nhiên ông cũng thừa nhận việc nhận xét, đánh giá sát từng HS sẽ rất khó do sĩ số lớp học đông. Mặt khác, GV vốn đã quen với việc chấm điểm, nay chuyển qua nhận xét từng HS sẽ mất nhiều thời gian hơn và khó tránh khỏi mệt mỏi, ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý khi đứng lớp. Trong khi đó, việc thực hiện những chủ trương chính sách giáo dục mới thì GV là yếu tố tiên quyết và cũng là người chịu nhiều áp lực nhất. Do đó, ông lưu ý đến vấn đề quá tải và chế độ đãi ngộ sao cho phù hợp với cường độ làm việc thực tế của GV.

Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ lắng nghe ý kiến của GV để thực hiện vào năm học tới.

Vũ Phương

Bình luận (0)