Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Khổ như người nuôi bệnh

Tạp Chí Giáo Dục

Những người nuôi bệnh ngồi ưu tư tại BV Ung Bướu

Những gương mặt hốc hác, mệt mỏi vì mất ngủ. Kẻ đứng, người nằm chen chúc ở góc hành lang, cầu thang và trên những ghế đá công viên của bệnh viện. Đó là cuộc sống của những người “cơm đùm cơm gói” khi đưa thân nhân đi chữa trị tại các bệnh viện (BV) tuyến cuối ở TP.HCM.
Mỗi người – một số phận
Bước vào cổng BV Ung Bướu, nhiều cảnh thương tâm “đập” ngay vào mắt chúng tôi. Mang trong mình những căn bệnh hiểm nghèo, các bệnh nhân chậm rãi bước từng bước chân. Khoảng sân rộng nhưng vẫn trở nên ngột ngạt, nhỏ bé trước hàng trăm con người chen chúc nhau. Quanh đó, những hàng ghế chờ trước các phòng khám đã đông nghẹt người.
Chị Ngô Thị Vân (Tây Ninh) đưa bố đi chữa bệnh ở BV Ung Bướu cho biết, hôm trước dù đã đến phòng chờ khám khoảng 5 giờ sáng nhưng chị vẫn nhận được con số thứ tự là trên 500. Chú Tài – bố chị Vân nói: “Phải đợi cả trăm người mới đến lượt, khám lần hai thì cách lần một đến mấy ngày. Tôi tính chiều nay không khám được thì xin về nhà nghỉ một tuần rồi trở lại mổ”. Chú cho biết thêm một lần mổ chi phí hơn 3 triệu đồng, cộng với tiền ăn ở, thuốc men khoảng 10 ngày thì cũng mất gần chục triệu. Số tiền đó so với một gia đình thuần nông như chú là rất khó, nhưng phải mổ chứ sống mà cứ lo bệnh trong người thì không gì khổ bằng.
Gặp anh Đinh Hữu Phúc tại hàng ghế đá trước sân của BV Ung Bướu, anh cùng với vợ từ Long An lên đây chăm sóc con bị ung thư máu đã hơn hai tháng. Dù biết bệnh tình khó qua khỏi nhưng vì thương con, vợ chồng anh đã chạy vạy tiền bạc, vay mượn trên 50 triệu đồng khăn gói đưa con lên TP.HCM chữa trị chỉ mong tìm chút hi vọng. Nhìn gương mặt nhợt nhạt, cái đầu trọc bóng láng của em Tuấn mà chúng tôi đau lòng. Anh Phúc tâm sự: “Dù đã chạy chữa nhiều nơi nhưng đều không có kết quả, lần này nếu không khỏi bệnh thì coi như cũng được mãn nguyện. Mấy bữa nay thấy bệnh của cháu đỡ hơn, không lên cơn sốt như dạo trước, chúng tôi cũng thấy khỏe ra nhiều”.
Hoàn cảnh của cô Mơ (Lâm Đồng) cũng rất bi đát. Cô đi nuôi chồng đã gần một năm nay. “Từ hồi ông bị tai biến liệt nửa người đến nay, tôi phải lê la qua rất nhiều BV. Đất đai, vườn tược bán hết để chạy chữa nhưng vẫn không khỏi. Từ khi chuyển ông ấy qua đây, hàng ngày tôi tranh thủ đi bán báo và vé số quanh khu vực BV vào buổi sáng. Mỗi hôm cũng kiếm được vài ba đồng để lo tiền cơm nước”, cô Mơ cho biết.
Những ngày “màn trời chiếu đất”
Một manh chiếu nhỏ, một cái giỏ xách với chăn mùng, quần áo, bình thủy, ô đựng thức ăn. Đó là hành lý của những người đi nuôi bệnh nhân. Đối với họ, cảnh “màn trời chiếu đất” đã trở nên quá quen thuộc.
Chị Nguyễn Thị Huệ chân lấm tay bùn từ Tiền Giang lên Sài Gòn chăm sóc chồng kể: “Lúc đầu chưa quen, lạ nước lạ cái nên còn e dè, buổi tối không dám ngủ. Nhưng sau 1 tháng “ăn dầm ở dề” tại BV này thì chỗ nào cũng ngả lưng được. Không có cái ngóc ngách nào ở trong BV này mà tôi không biết. Phải tìm chỗ trú thân chứ mình ở đây còn dài dài”.
Mới tới BV được hai ngày nhưng chị Vân cùng với bố đã tỏ ra rất mệt mỏi vì chờ đợi tới lượt khám… Không chỉ có vậy, buổi tối hai cha con còn phải ngủ ở ghế đá, vì dành chỗ cho người mới nhập viện. Chị phân trần: “Nói là ngủ nhưng thực ra chỉ chợp mắt một hai tiếng cho đỡ mệt thôi. Một phần là vì chưa quen, một phần là không có chăn màn nên bị lạnh và muỗi đốt… Nhưng quan trọng vẫn là lo đạo chích, sợ có mấy đồng chúng mà lấy thì khổ…”.
Trao đổi về vấn đề này, một bác sĩ của BV Ung Bướu cho biết đây là tình trạng chung của hầu hết các BV tuyến cuối tại các thành phố lớn ở Việt Nam. Các BV luôn trong tình trạng thiếu giường và các thiết bị hỗ trợ điều trị, do vậy việc xây dựng khu lưu trú cho người nhà bệnh nhân là rất khó khăn.
Tại BV Chợ Rẫy, bất cứ cái “xó xỉnh” nào trong BV, từ hành lang, cầu thang đến những gốc cây, ghế đá ngoài công viên đều trở thành nơi tạm trú của người nuôi bệnh. Những ngày thường đối với họ đã khổ, những ngày mưa gió lại càng thảm hại hơn. Vì ẩm ướt, muỗi đốt và cả “mùi” của người bệnh phát ra khiến không ít người đi nuôi bệnh bị bệnh theo.
Chị Hoa quê ở Bình Thuận có “thâm niên” hơn 5 tháng chăm sóc chồng ở đây – chồng chị bị chấn thương sọ não khi xây dựng công trình nhà ở. Chị chọn cho mình một góc cầu thang của tầng 6 làm nơi cư ngụ tạm thời. Cứ chập tối là chị lại trải manh chiếu cũ và để cái giỏ xách lên “xí chỗ”. Chị cho biết: “Có được một chỗ ngủ như vậy là may mắn lắm rồi. Nhiều người còn ngủ đứng, ngủ ngồi ở ngay tiền sảnh, ghế chờ bị bảo vệ, y tá chửi mắng, đuổi đi liên tục”.
Bài & ảnh: TRỌNG LUẬT

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)