Cán bộ y tế Trường THCS Chu Văn An phát khẩu trang tận tay cho HS nhưng nhiều em vẫn đeo khẩu trang theo kiểu đối phó với… thầy cô. |
Cúm A/H1N1 (cúm A) tấn công,toàn trườngphải gồng mình chống đỡ. Vừa lo chống cúm A vừa đảm bảo công tác dạy và học khiến nhiều trường… kiệt sức.
“Gồng mình” chống cúm A!
Đến nay, dù là trường bị cúm A tấn công hay chưa, cán bộ (CB), giáo viên (GV), Ban giám hiệu (BGH) các trường đều phải căng sức chống chọi với dịch bệnh này. Cả trăm công việc “không tên” như khử trùng trường lớp, vệ sinh bàn ghế, sân trường, trang bị thêm vòi nước, xà phòng để HS rửa tay, hướng dẫn HS tự khai báo sức khỏe, cách rửa tay, cách đeo khẩu trang thế nào cho đúng; theo dõi HS vắng mặt, lên kế hoạch bài vở cho những HS nghỉ học do nhiễm cúm A… Thầy Võ Minh Tuấn Kiệt – Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, Q.11 cho biết: “Tình hình lúc đầu rất khó khăn, vì chính BGH, CB, GV nhà trường lúc đó cũng còn bỡ ngỡ với cúm A. Trên toàn TP chưa có nhiều trường bị cúm A nên PH lo sợ, tự ý cho HS nghỉ học. Không ít HS lười biếng nhân cơ hội này không đến lớp khiến chúng tôi không biết các em nghỉ vì lý do gì, có phải bị cúm A?”. Những ngày đầu xuất hiện dịch cúm A trong trường học, PH chưa hiểu, CB, GV nhà trường cũng chưa có “nghiệp vụ” chống cúm A nên không khí hoang mang, lo sợ bao trùm các trường. Nhiều PH vào tận sân trường đón HS về và tự ý cho con em nghỉ học. Cô Kha Lệ Thanh – Hiệu trưởng Trường THCS Lam Sơn, Q.6 cho biết: “Là một trong những trường đầu tiên xảy ra cúm A nên dư luận, báo chí quan tâm khiến PH, CB, GV nhà trường thêm hoang mang, lo sợ. Ngay cả BGH lúc đó cũng chưa hiểu đầy đủ, chưa hiểu đúng về dịch cúm này nên lo lắng không kém. Trường bị xem là “ổ dịch lớn” nên CB, GV của trường càng rối trí, PH hoảng loạn. Hơn nữa, ngành giáo dục, y tế lại chọn trường tôi thí điểm mô hình vừa học vừa chống cúm A nên áp lực đối với trường càng lớn hơn”.
Những người “tuyên chiến” với cúm A
Tiến hành cách ly ban đầu HS có triệu chứng cúm A là một trong khối lượng công việc mà cán bộ y tế trường phải làm khi xảy ra dịch cúm. (ảnh chụp tại Trường THCS Hậu Giang, Q.6) |
Trong công tác phòng, chống cúm A, phải kể đến công sức của cả tập thể CB, GV và PH các trường cùng với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo địa phương, lãnh đạo ngành GD-ĐT, ngành y tế. Đặc biệt, phải ghi nhận công sức, vai trò của hiệu trưởng các trường bị cúm A. Cô Kha Lệ Thanh tâm sự: “Khi trường bị cúm A, hiệu trưởng là người đứng mũi chịu sào nên phải hết sức bình tĩnh để “trấn an”, động viên CB, GV, HS và xử lý các tình huống xảy ra. Chỉ cần hiệu trưởng hoang mang, lo sợ đã khiến CB, GV nhụt chí, PH mất niềm tin và cho HS nghỉ học. Dù tỏ ra bình tĩnh xử lý, chỉ đạo nhưng thật sự lúc đầu tôi cũng lo sợ. Bởi tôi tiếp xúc với HS và môi trường nhiễm cúm thường xuyên nên cũng sợ lây bệnh cho mình và cho người thân. Rất may, có sự hỗ trợ của CB y tế, lãnh đạo ngành, địa phương nên mình cũng yên tâm. Đặc biệt, qua chống cúm tinh thần đoàn kết của CB, GV trong trường càng thắt chặt hơn”. Ngoài hiệu trưởng, CB y tế của trường cũng đóng vai trò rất quan trọng trong công tác phòng chống cúm A dù chính sách đãi ngộ dành cho họ còn khá “khiêm tốn”. Cô Vũ Thị Lan Hương – cán bộ y tế Trường THCS Chu Văn An, Q.11 cho biết thêm: “Khi xảy ra cúm A ở lớp, cán bộ y tế phát khẩu trang cho từng em HS lớp đó, nhắc nhở thường xuyên nhưng nhiều em vẫn không tuân theo. Phần lớn HS chưa ý thức về cúm A nên CB, GV nhà trường rất cực. Trong đó, CB y tế trường phải làm việc vất vả hơn trong môi trường dịch bệnh nên gặp nhiều khó khăn lắm”. Cô Nguyễn Đào Hoa Phượng – CB y tế Trường THCS Hậu Giang, Q.6 cho biết: “Bình thường thì công việc của cán bộ y tế trường đã bận rộn. Cứ một lúc là có HS đến trình bày đau bụng, ít phút sau lại em khác đau đầu. Khi xảy ra cúm A cán bộ y tế càng vất vả hơn. Nói chung, cả CB, NV, GV toàn trường đều khổ vì cúm A. BGH mất ăn mất ngủ vì trường bị cúm A. Trong đó, CB y tế là người đầu tiên “chịu trận” vì tiếp xúc nhiều nhất, tiến hành cách ly ban đầu cho những HS có dấu hiệu bị cúm A. Có ngày tiếp xúc với HS nghi bị cúm nhiều quá khiến mình lo sợ, không biết có bị lây nhiễm không. Nếu mình bị lây nhiễm cúm A, về nhà lây cho chồng con, gia đình. Làm công tác y tế học đường không bao nhiêu tiền nhưng vất vả lắm”. Và “tai nạn” xảy ra đối với GV là điều không lạ lẫm gì. Cô Q., một GV ở Q.Bình Tân đang điều trị cúm A tại Bệnh viện Trưng Vương cho biết: “Vì trong lớp tôi dạy có một em bị cúm A. Toàn bộ lớp dời sang học phòng khác. Phải tiến hành vệ sinh, phun hóa chất khử trùng phòng học. Tuy vậy, sau khi tiếp xúc với HS bị cúm A, mấy ngày sau tôi bị sốt cao, thế là vào… khu cách ly của bệnh viện”.
Bài, ảnh: Công Việt
Bình luận (0)