Sau nhiều lần ra quân truy quét, vấn nạn ăn xin ở các giao lộ tại TP.HCM đã giảm hẳn. Tuy nhiên, địa bàn hoạt động mới của đối tượng này là chùa chiền, chợ, khu giải trí, mua sắm trong vai người bán hàng rong.
Người ăn xin ẵm em bé ngồi tại giao lộ Nguyễn Hữu Thọ – Nguyễn Văn Linh (Q.7)
Dẹp chỗ này, bầy hầy chỗ khác
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các giao lộ như Cách Mạng Tháng 8 – Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3); Nguyễn Văn Cừ – Nguyễn Trãi (Q.5); Nguyễn Hữu Thọ – Nguyễn Văn Linh (Q.7); Hồng Bàng, An Dương Vương (Q.5)… gần đây tình trạng người ăn xin ít xuất hiện. Ông Nguyễn Văn Phát, người hành nghề xe ôm tại góc đường Nguyễn Hữu Thọ hướng về đường Nguyễn Thị Thập (Q.7) cho hay thời gian trước có 3-4 em bé đến đây ngồi từ rất sớm. Đó là những đứa trẻ đen nhẻm, yếu ớt trông rất tội nghiệp, đã vậy đứa lớn nhất chừng 5 tuổi lại ẵm em bé để lấy lòng thương hại của người đi đường. Biết rõ có người bóc lột sức lao động của bọn nhỏ nhưng nhiều người thương hại cho rất nhiều tiền. Gần đây, thi thoảng mới thấy các em xuất hiện trở lại và chỉ ngồi từ 1-2 tiếng đồng hồ là có người đến chở đi nơi khác.
Thực tế, ăn xin giảm ở ngoài đường nhưng vào chùa, đến chợ thì đông hơn trước. Những ngày cuối năm, người ăn xin lại kéo đến các chùa lớn như Việt Nam Quốc Tự (Q.10), Châu Đốc 2 (Nhà Bè), Phước Hải (Q.1)… Để che mắt cơ quan chức năng, những đối tượng này giả làm người mua bán vé số, kẹo singgum, tăm bông… và dễ dàng ra vào chốn tôn nghiêm. Một dân phòng thuộc P.Đa Kao (Q.1) nói: Người cũ có “số má” thì vào trong sân, ai mới thì chỉ được phép hoạt động ở xa cổng chùa. Ngày thường thì khoảng chục đối tượng, còn ngày rằm thì đông lắm.
Ông Lê Chu Giang (nguyên Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) thừa nhận những năm trước vấn nạn ăn xin tràn lan trước và cả sau Tết Nguyên đán. Có năm, sau mỗi đợt truy quét toàn TP có gần 1.000 người ăn xin. Tuy nhiên, không ai tự nhận mình là ăn xin mà chỉ đi bán hàng rong và được người dân thấy thương mà cho tiền. Đáng nói, trong số đó có nhiều trường hợp ngay sau khi được bảo lãnh từ các trung tâm bảo trợ xã hội ra ngoài thì lại tiếp tục đi ăn xin. Thống kê cho thấy, tỷ lệ người vi phạm lần hai từ 30-40%. Ông Giang cũng thừa nhận việc xác định người ăn xin không có nơi cư trú, sống lang thang cực kỳ khó khăn mặc dù các địa phương cũng đã có nhiều nỗ lực.
Bà Lê Thị Thanh Vân (cán bộ công tác xã hội của một tổ chức ở TP.HCM) là người có nhiều năm thực hiện các dự án cộng đồng người yếu thế. Theo bà Vân, khó khăn nhất là tiếp cận đối tượng, chúng tôi tìm đủ mọi cách để tiếp xúc, tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình nhưng một số người cố tình né tránh, không hợp tác. Chưa kể tại các giao lộ chỉ là trẻ con, chúng được làm theo mệnh lệnh của người chăn dắt, nguy hiểm hơn người chăn dắt lại chính là người thân của trẻ.
Ngăn chặn tình trạng bóc lột trẻ em
Đại diện Phòng LĐ-TB&XH Q.7 chia sẻ, một trong những giải pháp giảm thiểu người ăn xin trên địa bàn là tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không cho tiền người ăn xin, đặc biệt là trẻ em vì như thế vô tình sẽ tiếp tay cho kẻ xấu bóc lột sức lao động của trẻ.
Một số địa phương làm tốt việc xác minh nơi cư trú và giải quyết hồi gia đối với đối tượng có địa chỉ cư trú trên địa bàn nhưng có người lười lao động, dù đã hỗ trợ sinh kế cho gia đình, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn để không đi ăn xin nhưng vẫn tái phạm.
Theo Sở LĐ-TB&XH TP, hầu hết người ăn xin, sống lang thang trên địa bàn TP là người ở các tỉnh, thành đến nên công tác xác minh nhân thân không hề đơn giản.
Sở LĐ-TB&XH TP yêu cầu các địa phương làm tốt công tác vận động người dân không cho tiền trực tiếp các đối tượng xin ăn trên đường phố mà hướng dẫn giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn… thông qua tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội, tổ chức từ thiện xã hội của TP.HCM. Sở tiếp nhận thông tin từ người dân về người ăn xin qua đường dây nóng: 0283.829.2491 (Phòng Bảo trợ xã hội) và Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP: 0283.553.3258. |
Ông Trần Ngọc Sơn (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, cuối năm 2018, sở cũng đã có văn bản gửi phòng LĐ-TB&XH các quận, huyện và các đơn vị liên quan về việc tăng cường công tác kiểm tra, rà soát để phát hiện kịp thời người ăn xin, người sống lang thang để có biện pháp xử lý, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Theo đó, sở này đề nghị các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND quận/ huyện giải quyết tình trạng người ăn xin, người sinh sống nơi công cộng, khu vui chơi, giao lộ, các khu vực trọng điểm, cửa ngõ ra vào TP và khu vực trung tâm để xử lý dứt điểm nạn ăn xin. Đồng thời chủ động rà soát các khu dân cư tập trung nhiều người tạm trú, đặc biệt là người cao tuổi, trẻ em không có người thân đi cùng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng chăn dắt hoặc lợi dụng các đối tượng yếu thế để đi ăn xin trục lợi.
Bài, ảnh: T.Anh
Bình luận (0)