Điểm hẹn lấy rác trên đường Phan Xích Long, Q.Phú Nhuận |
Phân loại rác tại nguồn vừa là giải pháp hạn chế ô nhiễm, giảm chi phí xử lý vừa tách các chất thải nguy hại khỏi thành phần chất hữu cơ, tạo nguồn hữu cơ sạch có giá trị kinh tế cao.
Tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn vẫn còn chậm, trong khi lượng rác ngày một nhiều. Theo báo cáo của Sở TN-MT TP, toàn TP thải ra khoảng 7.500 tấn/ ngày và dự báo sẽ tăng lượng rác lên 5%/ năm. Điều đáng lo ngại là công nghệ xử lý rác còn lạc hậu, có hơn 75% lượng rác đem chôn lấp.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM cho biết: Bài toán đặt ra là làm thế nào để phân loại rác tại nguồn đạt hiệu quả, kéo giảm chi phí xử lý. “Ý thức của người dân trong phân loại rác chưa cao, hiểu biết về lợi ích của phân loại rác tại nguồn còn hạn chế, tập quán cũ khó thay đổi…”, bà Mỹ lo ngại.
Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Thanh Tâm, đại diện Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích Q.3 bức xúc: “Lâu nay, có quy định về mức xử phạt bỏ rác không đúng nơi quy định nhưng không thấy ai kiểm tra, giám sát dẫn đến ý thức chấp hành pháp luật chưa cao. Hay như nơi nào có biển “cấm đổ rác” thì lượng rác đổ ra càng nhiều…”.
Anh Nguyễn Minh (hộ gia đình thu gom rác dân lập tại P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân) cũng cho biết: Nhiều địa phương dù đã cấp phát hai thùng rác/ hộ để phân biệt chất thải nguy hại và chất thải hữu cơ nhưng người dân vẫn không phân loại.
Ông Nguyễn Anh Thái (Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM), tỏ ra lo lắng: Khi không phân loại được chất thải tại nguồn thì lượng rác thải nguy hại như pin, bóng đèn, chì… ngày một nhiều, hiệu quả xử lý chôn lấp không đạt, gây ô nhiễm môi trường nặng. TP.HCM nên thực hiện chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn đối với những địa phương có hệ thống kỹ thuật đồng bộ. Riêng những địa phương khác cần có lộ trình phân loại và đầu tư hạ tầng kỹ thuật và các văn bản pháp lý.
Ông Trần Phong, Cục trưởng Cục Môi trường miền Nam nhìn nhận, công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn nhiều năm nay tại TP.HCM và một số địa phương khác vẫn cứ giậm chân tại chỗ, mặc dù có triển khai giải pháp thực hiện. Nguyên nhân là việc đầu tư trang thiết bị không đồng bộ, thiếu kinh phí và đặc biệt là thiếu sự hợp tác từ phía người dân. “Để hạn chế chất thải rắn ra đến hố chôn lấp, mỗi một cá nhân trong gia đình phải nắm được tác hại của chất thải rắn, hiểu được ý nghĩa của phân loại, từ đó mới có một hành động đúng”, ông Phong lưu ý.
T.Anh
Bình luận (0)