Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Khó phát hiện bệnh ung thư tuyến giáp

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Một ca phẫu thuật UTTG (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: Đ.L

Ung thư tuyến giáp (UTTG), chiếm tỷ lệ rất thấp trong các loại ung thư nhưng khó phát hiện nếu người bệnh chủ quan không thăm khám định kỳ.

Bướu cổ có liên quan đến UTTG
Năm 2004, trong một lần đi khám sức khỏe tổng quát tại Trung tâm Chẩn đoán y khoa Medic (254 Hòa Hảo, Q.10, TP.HCM), cô Trần Thị Thanh T. – giáo viên một trường THPT ở Q.Bình Thạnh phát hiện mình bị UTTG. Theo kết luận của bác sĩ, bệnh nhân có một khối u nhỏ ở tuyến giáp bên phải, lên xuống theo nhịp nuốt. Sau khi siêu âm, cô T. được bác sĩ chẩn đoán tế bào bằng việc chọc hút bằng kim nhỏ để xác định chính xác tế bào K. Bác sĩ Trần Văn Thiệp – Trưởng khoa Ngoại 3 – Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết: “Cũng như một số căn bệnh ung thư khác, UTTG rất khó phát hiện, bệnh tiến triển âm thầm, giai đoạn ẩn bệnh kéo dài. Bệnh nhân phát hiện được khi vô tình khám bệnh vùng cổ. Đa phần các bệnh nhân khi phát hiện thường đã ở giai đoạn cuối nên chữa trị khó khăn và ít hiệu quả. Phát hiện sớm ở giai đoạn 1 và 2, người bệnh có thể sống từ 15 đến 20 năm, còn ở giai đoạn cuối (4a, 4b, 4c) thì thời gian sống ngắn hơn”.
Khi nào thì nguy cơ cao về UTTG? Đó là khi bác sĩ điều trị theo dõi thấy hạt giáp lớn nhanh và càng ngày càng có vẻ cứng hơn. Hạt giáp dính và bắt đầu chèn các cơ quan bên cạnh như khí quản, thực quản và mạch máu. Hai bên cổ xuất hiện hạt to dần, dây thanh bị liệt làm cho giọng nói khàn. Đặc biệt trong gia đình có người đã từng bị căn bệnh này thì xác suất sẽ cao hơn gia đình bình thường vì tính chất di truyền của nó. Nguyên nhân gây ra UTTG do nhiều yếu tố, nhưng đặc biệt là ở những vùng có tỷ lệ bướu cổ cao thì nguy cơ UTTG cao hơn.
Để bệnh nhân kéo dài sự sống
UTTG nếu phát hiện trễ thì có các triệu chứng thấy rõ bên ngoài như không ăn uống được, thở khó, nuốt bị nghẹn ở cổ, bệnh nhân thường thấy mệt do khối u chèn ép xâm lấn. Chụp X.quang thấy hình ảnh khối u nổi rõ, chèn lấp thực quản và khí quản, có hạch hai bên. Khi khối u bội nhiễm, hoại tử thì sức khỏe bị sa sút. Lúc đó, việc điều trị là rất khó khăn, tốn kém. Khối u phát triển vào trung thất và bắt đầu di căn vào phổi. “Muốn xác định rõ hơn, bác sĩ sẽ chỉ định chụp xạ hình tuyến giáp và siêu âm tuyến giáp nhằm xác định u nang hay u đặc, CT hoặc MRT đánh góc mức độ chèn các cơ quan xung quanh tuyến giáp, đo chính xác kích thước, trọng lượng của u và tuyến giáp. Cuối cùng là chẩn đoán tế bào học để có kết luận chính xác u lành hay ác tính”, bác sĩ Thiệp khuyến cáo. Cũng theo bác sĩ Thiệp, tỷ lệ sống sau 5 năm tính theo thể bệnh như sau: thể nhú (90%), thể nang (80%), thể tủy 40%, thể không biệt hóa (5%). Khi phát hiện UTTG, chị Nguyễn Thị Kim Long (Đồng Tháp) đã được các bác sĩ tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cắt giáp toàn phần. Sau đó được điều trị thêm bằng i-ốt phóng xạ/31. Hiện nay, phương pháp điều trị UTTG được các bệnh viện thực hiện theo các mức độ sau: cắt bỏ toàn bộ thùy giáp (nguy cơ thấp vì kích thước bướu chỉ mới 1cm), cắt giáp gần toàn phần hay cắt giáp toàn phần (dành cho các trường hợp có nguy cơ cao). Ca mổ thành công nếu sau đó không còn tế bào ung thư và không có triệu chứng di căn theo kết luận của bác sĩ. Trường hợp không phẫu thuật được hoặc còn khả năng thì phương pháp điều trị là xạ trị ngoài. Xạ trị bằng i-ốt cũng có thể được tiến hành hỗ trợ sau khi mổ.
Ngọc Quang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)