Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Khó quản lý người nghiện trong cộng đồng

Tạp Chí Giáo Dục

Thời gian gần đây, nhiều khu vực tại TPHCM tái xuất hiện tình trạng người nghiện sử dụng ma túy bừa bãi. Thậm chí, người nghiện sinh hoạt, ăn ở tại nơi công cộng, trong cộng đồng, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống dân cư. Trên thực tế, việc quản lý người nghiện đang gặp nhiều khó khăn.
Ngang nhiên sử dụng ma túy
Thời gian qua, xuất hiện khá nhiều người nghiện sử dụng ma túy tại các công viên, bờ kênh…, nhất là trên các tuyến đường như: Trường Sa, Hoàng Sa (đoạn gần cầu Hoàng Hoa Thám, địa bàn giáp ranh quận Bình Thạnh và quận 1), cầu Chà Và (nối quận 5 và quận 8), Công viên Thăng Long (quận 5), Công viên 23-9 (quận 1).
Người nghiện thường sử dụng ma túy vào khoảng thời gian từ 6 đến 8 giờ, và từ 11 đến 14 giờ. Ông Nguyễn Văn Chương (57 tuổi, nhà ở đường Trường Sa) cho biết, nhiều người không phải là dân địa phương nhưng lại thường đến khu vực này hút chích, vứt bơm, kim tiêm bừa bãi.
“Đôi khi tôi bắt gặp cả những thanh niên trang phục lịch sự hay mặc áo quần công sở cũng chích ma túy, sau đó gục xuống “phê” tại chỗ. Họ chỉ dừng xe chích độ vài phút rồi bỏ đi nên chúng tôi muốn báo cho công an cũng không kịp”, ông Chương ngao ngán. 
Trong khi đó, tại khu vực cầu Chà Và, tình trạng người nghiện xuất hiện nhiều và ngang nhiên hơn. Có thời điểm cả chục người có mặt ở khu vực chân cầu, dưới gầm cầu và thậm chí trên làn đi bộ để tổ chức chích ma túy.
Khó quản lý người nghiện trong cộng đồng ảnh 1
Người nghiện gục đầu phê sau khi chích ma túy. Ảnh ghi nhận tại Công viên 23-9.
Theo Công an TPHCM, các năm qua, tình hình người nghiện ma túy ở TPHCM và các tỉnh, thành trong cả nước có chiều hướng gia tăng. Từ năm 2017 đến 2019, tổng số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý ở TPHCM tăng bình quân hơn 5,7%. Người nghiện mới có xu hướng trẻ hóa, có tiền án, tiền sự, sử dụng nhiều loại ma túy.
“Tội phạm ma túy chiếm số lượng lớn và là nguyên nhân của các loại tội phạm. Cuối năm 2020, trên địa bàn thành phố có 27.887 người nghiện, tăng 2.775 người so với cuối năm 2019. Tuy nhiên, thực tế số người nghiện chưa được thống kê còn khá lớn”, một lãnh đạo Công an TPHCM cho biết.
Thu gom người nghiện còn bất cập
Công an TPHCM cùng các lực lượng nghiệp vụ đã triệt phá rất nhiều băng nhóm mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng ma túy, đưa nhiều đối tượng vào trung tâm cai nghiện bắt buộc hay cai nghiện tại cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế việc thu gom người nghiện ngoài cộng đồng vẫn còn nhiều bất cập.
Từ thực tế quản lý địa bàn cơ sở, ông Lê Văn Quang (Chủ tịch UBND phường 3, quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết, theo quy định, khi phát hiện người nghiện, cơ quan công an sẽ lập hồ sơ và chuyển cho lãnh đạo địa phương ra quyết định buộc đối tượng đi cai nghiện bắt buộc, tập trung. Hoặc với đối tượng lang thang, không có địa chỉ cụ thể, khi phát hiện sử dụng ma túy trong khu vực quản lý thì địa phương lập hồ sơ cai nghiện bắt buộc, chuyển đi trường, trại tập trung. Nhưng nếu đối tượng có giấy tờ tùy thân, có nơi thường trú thì phải mất thời gian xác minh, làm hồ sơ chuyển về cho địa phương đó quản lý. Có trường hợp đang làm hồ sơ đi cai nghiện bắt buộc thì bỏ trốn khỏi địa phương.
Trong khi đó, nhiều gia đình vẫn có thái độ bao che, dung túng người nghiện. “Em trai tôi nghiện ma túy đã lâu. Ba má tôi bán hết tài sản để cung phụng cho nó, nay hết sạch tiền bạc rồi mà vẫn không muốn làm thủ tục để đưa nó đi cai nghiện bắt buộc”, ông N.V.H. (58 tuổi, nhà ở đường Lý Thái Tổ, phường 9, quận 10) tâm sự…
Chưa kể, theo các chuyên gia, tình trạng tái nghiện vẫn còn nhiều do người nghiện không đủ bản lĩnh dứt bỏ, thiếu sự quan tâm chia sẻ của gia đình và xã hội.
“Chính quyền, đoàn thể không thể sâu sát mãi với người nghiện. Nếu gia đình vẫn bao che, dung túng thì người nghiện dễ quay về con đường cũ”, Chủ tịch UBND phường 3, quận Bình Thạnh Lê Văn Quang nhìn nhận.
Theo Công an TPHCM, xu hướng người nghiện ma túy ngày càng tăng và trẻ hóa. Ngoài tổ chức sử dụng ma túy ở nhà nghỉ, nhà riêng, quán karaoke, tình trạng công khai sử dụng ma túy nơi công cộng cũng tái xuất hiện ở nhiều nơi. Tuy nhiên, công tác cai nghiện ma túy tại hộ gia đình, cộng đồng gặp nhiều khó khăn.
Nhiều gia đình có người nghiện không tự giác khai báo về tình trạng của người nghiện, không đăng ký các hình thức cai nghiện. Một số cơ sở, nhân viên làm công tác cai nghiện tại hộ gia đình và cộng đồng có nhiều hạn chế. Ngoài ra, công tác phối hợp của các đơn vị trong quản lý, giáo dục người nghiện ma túy chưa được quan tâm đúng mức… 
Khoản 1, Điều 1 Nghị định 136/2016/NĐ-CP quy định, đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào trại cai nghiện bắt buộc là: người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định, trong thời hạn 2 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy hoặc trong thời hạn 1 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện.
Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2022) quy định, người đang trong thời gian quản lý sau cai nghiện đủ 18 tuổi kể từ ngày luật có hiệu lực thi hành mà tái nghiện sẽ bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Người đang chấp hành quyết định cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng theo quy định được đăng ký cai nghiện tự nguyện.
 
CHÍ THẠCH (theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)