Sự kiện giáo dụcTin tức

Khó quản lý trường có yếu tố nước ngoài

Tạp Chí Giáo Dục

TP.HCM hiện có khoảng 38 trường từ mầm non đến THPT có yếu tố nước ngoài. Có trường do UBND thành phố cấp phép, cũng có trường do Sở Kế hoạch – Đầu tư TP cấp, thậm chí có trường do UBND quận, huyện cấp phép. Mặc dù vậy, về chuyên môn, Sở GD-ĐT vẫn là đơn vị quản lý trực tiếp. Tuy nhiên, việc quản lý những trường này không dễ bởi còn thiếu luật…

Tại buổi họp giao ban với các phòng, ban về công tác quản lý các trường có yếu tố nước ngoài (YTNN) chiều 26-8, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Nguyễn Hoài Chương tâm tư: “Sở GD-ĐT TP đã kiến nghị nhiều lần. Tuy nhiên đến nay chúng ta vẫn chưa có được một văn bản pháp quy nào của Chính phủ, của Bộ GD-ĐT về việc quản lý các trường có YTNN”.
Dạy tiếng Việt theo kiểu… đối phó
Theo quy định của Bộ GD-ĐT thì những trường có YTNN nếu nhận học sinh (HS) Việt Nam (VN) thì phải dạy tiếng Việt. Trong đó, ở bậc tiểu học, từ lớp 1 đến lớp 3 phải dạy môn tiếng Việt, lớp 4 và 5 dạy môn địa lý. Ở bậc THCS và THPT phải dạy 3 môn là văn, sử, địa. Thường thì các trường thực hiện quy định này nhưng phần lớn là thực hiện theo kiểu đối phó.
Ông Nguyễn Quang Vinh – Phó trưởng phòng GD tiểu học Sở GD-ĐT TP cho biết: “Có trường thì dạy đúng số tiết Bộ GD-ĐT quy định, cũng có trường giảm bớt số tiết. Thậm chí có trường lại bố trí dạy tiếng Việt vào buổi trưa, lúc HS đang mệt mỏi nên các em tiếp thu bài không được tốt. Mặt khác môi trường giao tiếp bằng tiếng Việt ở các trường này không nhiều. Vì vậy mà vốn từ tiếng Việt của HS VN ở đây không sâu. Việc rèn chữ theo ô ly của HS VN tại các trường có YTNN cũng ít được quan tâm”.
Trong khi đó ở bậc THCS và THPT, việc dạy các môn văn, sử, địa không theo thời khóa biểu mà gom lại để dạy trong một thời gian rồi dứt điểm chương trình. Thậm chí, có không ít trường còn không dạy chương trình tiếng Việt cho HS VN.
Riêng ở ngành học mầm non, theo quy định thì không được nhận HS VN nhưng nhiều trường có YTNN vẫn tìm mọi cách để tuyển HS VN. Cụ thể như Trường Thế Giới Trẻ Em là trường quốc tế 100% – chủ trường là người nước ngoài, dạy chương trình nước ngoài nhưng đã lách luật bằng cách chuyển tên tiếng Anh sang tiếng Việt để tuyển HS VN.
Bà Lê Thị Liên Hoan – Phó phòng GD mầm non, Sở GD-ĐT TP cho biết: “Hiện có 7 trường mầm non quốc tế dạy học HS VN như Trường Canada, Khai Sáng, Bạn Hữu, Saigon Pear, Kinderworld, British…”. Trên thực tế, nhu cầu của phụ huynh là có thật. Ông Chương chỉ đạo: “Cho phép các trường này nhận HS VN nhưng phải dạy tiếng Việt cho các em”. Theo đó, “đầu ra” của trẻ 5 tuổi VN ở các trường quốc tế là đạt các kỹ năng ngôn ngữ mà Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi yêu cầu.
Khó quản lý các trường có YTNN
TP.HCM hiện có 38 trường có YTNN, trong đó có 4 trường được thành lập theo công hàm ngoại giao. Các trường này chỉ nhận HS là con em của cán bộ ngoại giao như Trường Đài Bắc, Hàn Quốc… Các trường còn lại nhận cả HS nước ngoài và HS VN. Theo khảo sát của Sở GD-ĐT TP thì chương trình dạy của những trường này khá đa dạng và khác nhau. Có trường dạy theo chương trình của quốc gia, cũng có trường dạy theo chương trình của bang (tương đương một tỉnh, thành của VN).
Về mặt chuyên môn, các trường này trực thuộc Sở GD-ĐT TP quản lý. Theo đó, cuối năm học, Sở GD-ĐT TP đã chỉ đạo các trường báo cáo tổng kết năm học gửi sở. Tuy nhiên, chỉ có rất ít trường thực hiện.
Đơn cử như ở bậc tiểu học, chỉ có 5 trường gửi báo cáo về sở. “Khi Phòng GD tiểu học gọi điện xuống các trường nhắc nhở thì hầu hết là không gặp được người có thẩm quyền. Cũng có trường, khi chúng tôi gọi điện xuống thì nhân viên chuyển máy vòng vòng và cuối cùng thì không ai nghe máy”, ông Vinh bức xúc.
Ở ngành học mầm non cũng vậy. Bà Liên Hoan cho biết: “Cuối năm học, chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị này báo cáo về sở nhưng họ đã không báo cáo. Gọi điện xuống cơ sở thì rất khó gặp hoặc chỉ nghe đầu dây bên kia nói toàn tiếng Anh. Trong khi không phải chuyên viên nào của Phòng GD mầm non cũng thông thạo tiếng Anh”.
Không chỉ phớt lờ yêu cầu của Sở GD-ĐT, nhiều trường có YTNN còn lập lờ giữa trường tư thục và trường quốc tế để “moi” tiền của phụ huynh. Cụ thể là ở ngành học mầm non, toàn thành phố có 29 cơ sở giáo dục mầm non có YTNN nhưng chỉ có 27 cơ sở hoạt động đúng phép (có giấy phép của UBND TP cấp). Còn hai trường là do UBND quận cấp phép. Chẳng hạn như Trường MN tư thục Quốc tế Sài Gòn, giấy phép do UBND Q.Tân Bình cấp và theo giấy phép chỉ là một trường tư thục. Tuy vậy, trường lại dạy chương trình nước ngoài, có HS nước ngoài và cả giáo viên cũng là người nước ngoài. Điều đáng nói là, “Một số giáo viên người nước ngoài không có giấy phép lao động theo quy định”, bà Liên Hoan cho biết.
Trường MN Bạn Hữu là một trường của Nhật, dạy HS Nhật và HS VN, giấy phép là do UBND Q.Phú Nhuận cấp.
Phòng GDMN Sở GD-ĐT cũng đã đề nghị hai trường này đi xin cấp giấy phép của UBND TP nhưng Trường MN tư thục Quốc tế Sài Gòn không làm, còn Trường MN Bạn Hữu thì chưa xin được.
Trước thực tế này, ông Chương chỉ đạo: “Phải tăng cường kiểm tra các trường có YTNN, yêu cầu các trường này phải giao ban định kỳ”…
Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)