Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Khó sản xuất sạch

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Bảo vệ môi trường trong sản xuất không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn đem lại nhiều lợi nhuận song các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà.
Việc đầu tư xây dựng 2 lò thủy tinh công nghệ tiên tiến và 3 dây chuyền kéo ống thủy tinh không chì của Công ty CP Bóng đèn – Phích nước Rạng Đông đã tạo ra sản phẩm đồng đều về kích thước, năng suất cao, tỉ lệ hợp cách ổn định. Không những thế, dây chuyền sản xuất mới đã giúp doanh nghiệp (DN) này tiết kiệm được 6,9 tỉ đồng, giảm 2.300 tấn khí CO2/năm. 

Gosto đề nghị các nhà cung cấp cam kết cung ứng nguyên liệu thân thiện môi trường. Ảnh: HỒNG MAI
Lợi ích kinh tế rất lớn
Theo bà Nguyễn Thị Truyền, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn dịch vụ tài nguyên môi trường, Chương trình Sản xuất sạch hơn do Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) khởi xướng được các DN VN áp dụng đã mang lại nhiều lợi ích cho DN. Ngành giấy chỉ mới đầu tư hơn 766.000 USD để thực hiện chương trình nhưng đã tiết kiệm hằng năm hơn 3,2 triệu USD. Các ngành khác, chẳng hạn như ngành dệt nhuộm đầu tư 506.000 USD, tiết kiệm được 2 triệu USD; ngành vật liệu xây dựng đầu tư 593.000 USD, tiết kiệm được 1,08 triệu USD; ngành thực phẩm đầu tư 174.000 USD đã tiết kiệm được 797.000 USD; ngành kim khí đầu tư 307.000 USD đã tiết kiệm 503.000 USD…
Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) Võ Tân Thành chia sẻ: “Chương trình GreenBIZ với mục tiêu hỗ trợ các DN nâng cao nhận thức và năng lực áp dụng biện pháp bảo vệ môi trường, năng lực sản xuất kinh doanh được triển khai tại 11 DN ở TPHCM và các tỉnh lân cận với kết quả đạt được rất khả quan, tiết kiệm 30% – 40% lượng nước trong sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và nhiên liệu gần 10%, giúp các DN tiết kiệm hàng tỉ đồng mỗi năm”.
PGS-TS Bùi Cách Tuyến, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết việc tuân thủ bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất còn có tác dụng rất lớn là giúp DN tăng khả năng cạnh tranh, vượt qua các rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu hàng hóa. Hiện tổng cục đã chọn một số DN thực hiện thí điểm chương trình dán nhãn sinh thái sản phẩm hàng hóa, công bố cho người tiêu dùng biết là sản phẩm sạch. Dự kiến năm 2011 sẽ triển khai rộng rãi, đến năm 2020 sẽ có 100% hàng hóa xuất khẩu và ít nhất 50% hàng hóa nội địa được dán nhãn sinh thái.
Vẫn khó thực hiện
Các chuyên gia kinh tế nhận xét: Lợi ích của sản xuất sạch và xanh là rất lớn nhưng hiện số DN quan tâm thực hiện chưa nhiều do vấn đề ý thức trách nhiệm và cả những khó khăn đòi hỏi sự hỗ trợ từ Nhà nước. PGS – TS Bùi Cách Tuyến khẳng định: Đối với những DN có ý thức đầu tư sản xuất sạch sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh nhưng muốn thực hiện cũng không đơn giản. Đa số DN VN là nhỏ và vừa, thiếu vốn để thay đổi công nghệ sản xuất thân thiện môi trường. Trong đó, hơn 80% DN áp dụng công nghệ bảo vệ môi trường thế hệ cũ, 76% áp dụng công nghệ những năm 1950 – 1960 và 75% thiết bị sản xuất đã qua thời kỳ khấu hao… Chỉ có 10% DN nhỏ và vừa sử dụng máy móc mới.
Mỗi loại hình ngành nghề đều có giải pháp ứng dụng công nghệ sản xuất sạch riêng biệt nhưng hiện nay lại không có một cơ quan quản lý nào hướng dẫn công nghệ phù hợp. Đại diện Công ty Thép Vinakyoei cho rằng một số khu công nghiệp chưa có trung tâm xử lý chất thải nên DN phải thuê bên ngoài với chi phí cao, do đó nên chăng khi xây dựng khu công nghiệp, cần đầu tư đồng bộ khu xử lý chất thải? Còn theo Công ty Nike VN, hệ thống các phòng thí nghiệm phân tích các chỉ tiêu về chất thải có chứng nhận ISO 7005 đôi khi cho kết quả khác nhau, DN không biết tin vào đâu nên cần phải tiêu chuẩn hóa các phòng thí nghiệm…

Người tiêu dùng sẽ ủng hộ
Bà Lê Diễm Thúy, Giám đốc marketing và kinh doanh nhãn hàng hàng giày dép, túi xách cao cấp Gosto, kể: Với kinh nghiệm chuyên sản xuất giày dép xuất khẩu đi châu Âu, châu Mỹ, Công ty Gosto phải chọn các nhà cung cấp nguyên liệu, đặc biệt là đế giày dép, cam kết không có hóa chất độc hại và phải tự phân hủy sau một thời gian ngắn. Như thế, tuổi thọ của một đôi giày từ 4 năm giảm xuống còn 2 năm. Với thị trường nội địa, người tiêu dùng thích sử dụng “bền” nên trước khi thay đổi nguyên liệu, công ty phải thực hiện đợt khảo sát ý kiến khách hàng. Sau khi phân tích tác động tích cực cho môi trường, người tiêu dùng ủng hộ, công ty tiến hành thay đổi nguyên liệu thân thiện.
Hiện xu hướng toàn cầu hạn chế sử dụng chất liệu da, công ty sẽ sản xuất nhãn Gosto Rose dành cho những khách hàng yêu thích thời trang, chung tay bảo vệ môi trường vì nguyên liệu của Gosto Rose là hàng giả da từ chất liệu xi PU (thay vì PVC rất khó phân hủy).

Mai Vân / Nguoi Lao Đong

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)