Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Khó thành công khi chỉ học… một mình

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên giao lưu các vấn đề về giáo dục với GS. Ngô Bảo Châu

Giáo sư Ngô Bảo Châu (giải Fields toán học năm 2010) cho rằng, hành trình đi tìm cái mới thường kéo dài và… cô đơn. Quá trình học của các bạn trẻ dễ dẫn đến thành công hơn khi họ được đặt trong tập thể chứ không phải “một mình”!
Chiều 15-3, GS. Ngô Bảo Châu đã có buổi “giảng bài” đối với SV nhiều trường ĐH tại TP.HCM.
“Buôn có bạn, học có bè”
Đơn cử chính bản thân mình, GS. Ngô Bảo Châu cho biết, ông đã trải qua năm đầu tiên ĐH khá “êm đềm” với kết quả tốt. Thế nhưng năm thứ 2, học lực bị tuột dốc và ông không còn tìm thấy niềm vui, sự hứng khởi. Nguyên nhân là thời điểm đó ông sống khép mình với bạn bè và hoàn toàn cô độc. Như một “kỷ niệm khó quên”, GS. Châu đúc kết: “Trừ khi bạn có một ý chí sắt đá, dù có được cung cấp tất cả mọi tài liệu, được theo dõi miễn phí các bài giảng… vẫn không thể nào học được. Bởi đó không phải cuộc chơi thú vị khi thiếu địch thủ, đồng đội, mục tiêu, lộ trình, giải thưởng. Tuy những thứ này không liên quan trực tiếp đến nội dung khoa học của bài giảng nhưng là cái mà người học cần để phấn đấu liên tục”. Theo giáo sư, người học một mình có thể tập trung cao độ trong một vài ngày đến một tuần. Tuy nhiên, ai cũng cần có tập thể, lớp học, thầy cô giáo để duy trì nỗ lực học tập.
“Rất ít khi người ta chơi trò gì một mình. Để cuộc chơi thực sự cuốn hút và người chơi phát huy hết mọi tiềm năng tư duy đạt đến kết quả bất ngờ, sáng tạo thì cần phải có bạn chơi và trọng tài” – GS. Châu nhấn mạnh thêm.
GS gợi ý SV tổ chức lớp học dựa theo giáo trình được cung cấp trên mạng. “Tại sao không dùng trực tiếp bài giảng, tư liệu cung cấp miễn phí trên mạng cho các lớp học chính khóa? Các GV không nhất thiết phải giảng cả buổi nữa, thay vào đó cho SV bài giảng trên mạng, có thể làm trước phụ đề tiếng Việt, sau đó dành thời gian để giải thích thêm, trả lời câu hỏi SV và hướng dẫn làm bài tập. Và cuối cùng là tổ chức thi cử nghiêm túc. Tất nhiên, gợi ý thì dễ, làm thì khó nhưng tôi không tin việc này không thể làm được” – GS. Châu bày tỏ. Cũng theo giáo sư, kinh phí cho những lớp học này có lẽ không nhiều so với mức 50 ngàn đô la một năm ở MIT hay Stanford hoặc kinh phí cho các chương trình tiên tiến do Bộ GD-ĐT đề ra mấy năm gần đây.
Tôn trọng luật chơi
Điều quan trọng đối với cuộc chơi tập thể chính là một luật chơi lành mạnh để khi đó, sự cạnh tranh tạo ra được nỗ lực cho mọi người. GS. Châu nhấn mạnh điều này, đồng thời lý giải, một trong những nguyên nhân mà các trường ĐH tương đối trẻ ở Mỹ thành công và tạo được vị thế là nhờ tinh thần tôn trọng luật chơi, mọi hành vi gian lận đều bị nghiêm trị.
Trong khi đó, giáo sư thừa nhận, sự kiện thí sinh quay phim giám thị vi phạm quy chế ở Đồi Ngô là điều vô cùng đặc biệt và chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nhân loại. Để sự việc này xảy ra, nhiều người trong và ngoài ngành giáo dục, từ Trung ương đến địa phương đã không tôn trọng luật chơi. Kết quả là một kỳ thi tốt nghiệp, cái đáng ra phải là một thủ tục mang tính nghiêm cẩn, một mốc thiêng liêng cho cả quá trình lao động học tập của HS lại trở thành một trò đùa…
“Tôi cho rằng, sự trung thực là một hành vi khó mà học được từ trong sách vở. Để trẻ học được tính trung thực, trước hết người lớn cũng phải học tính trung thực để làm gương” – GS. Châu nhận định. Ông cho rằng, nếu người lớn biết cư xử đúng mực thì trẻ con không cần đi học những lớp kỹ năng sống nữa.
Ông dẫn chứng ví dụ nhỏ từ chính gia đình mình: “Vợ chồng tôi ít xem truyền hình, hầu như không bao giờ xem. Có lẽ vì thế mà con tôi hoàn toàn không thích xem truyền hình dù gia đình không hạn chế hay cấm đoán. Nhiều khi muốn xem phim cùng đám trẻ, tôi lại phải mặc cả với chúng”. “Những ví dụ này nhắc nhở người lớn chúng ta đừng bao giờ quên mình phải luôn là tấm gương để trẻ soi vào” – GS. Châu thổ lộ.
Trao đổi với SV TP.HCM về vấn đề học thêm quá nhiều ở học sinh nước ta hiện nay, GS. Châu nhìn nhận, tâm lý của nhiều bậc cho mẹ luôn muốn cho con học hết mức có thể. Ngoài học chính khóa, chương trình học thêm cung cấp những bài tập nâng cao hơn tuy nhiên gây quá tải và chưa hẳn đã giúp trẻ phát triển được tư duy khoa học. Trong khi đó, tham gia các khóa học ngoại khóa về cách sống, kỹ năng, làm việc nhóm… lại mang ý nghĩa thiết thực hơn.
Bài, ảnh: Mê Tâm
 
Cái cần làm là trang bị phương pháp tư duy khoa học
GS. Ngô Bảo Châu cho rằng: “Vấn đề không phải đem những kiến thức khoa học tiên tiến nhất đến cho HS, vì có muốn cũng không làm được. Vấn đề cũng không phải tập trung rèn luyện cho HS kỹ năng tính toán để phục vụ những nhu cầu hằng ngày. Cái cần làm là trang bị cho các em phương pháp tư duy khoa học: Định hình rõ nét khái niệm, liên hệ chúng với thế giới khách quan, biết lập luận, tính toán để đưa ra những luận điểm cụ thể, kiểm chứng những luận điểm đó với thế giới khách quan”.
 
 

Bình luận (0)