Đào tạo theo tín chỉ tại các trường CĐ y tế đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Đó là nội dung của hội thảo kinh nghiệm tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ trong các trường CĐ y dược do Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam phối hợp với CĐ Y Dược Thái Nguyên tổ chức vừa qua tại Thái Nguyên.
“Buffet” ít món
Bà Hoàng Thị Ngọc Bích – Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Y Dược Thái Nguyên – cho biết: Trường chính thức áp dụng đào tạo học chế tín chỉ cho SV từ năm học 2014-2015. Sau hai năm thực hiện, trường gặp nhiều khó khăn. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, chương trình khung cứng chiếm 80% kiến thức, 20% còn lại để các trường tự xây dựng. Nhưng chương trình khung của bộ áp dụng theo hình thức đào tạo niên chế, tính theo đơn vị học trình. Chuyển sang tín chỉ, 1 tín chỉ bằng 1,5 đơn vị học trình. Vì vậy, nhiều môn chỉ 2 đơn vị học trình, các trường phải tích hợp môn. Không những thế, theo bà Bích, số môn học mà SV được lựa chọn chưa nhiều. Chính vì vậy, trường đào tạo theo học chế tín chỉ nhưng mới chỉ như “buffet” ít món.
Mặt khác, bà Bích thừa nhận, khi thực hiện đào tạo theo tín chỉ, bản thân nhà trường, giảng viên, SV bắt đầu bộc lộ nhiều hạn chế. Kết quả khảo sát SV của trường cho thấy, chỉ có 11,5% SV chủ động lập kế hoạch học tập, còn lại 70,5% SV trước khi thi mới học. Giảng dạy thuyết trình vẫn chiếm 59% thời gian giảng dạy. Trong khi đó, cái cần của tín chỉ là giao bài tập, hướng dẫn cho SV lại rất khiêm tốn, chỉ 6% trong tổng số tiết giảng.
TS. Nguyễn Thị Hường – Trường CĐ Y tế Hải Dương – tâm tư: Hiện chúng ta mới chỉ thiết kế chương trình theo đào tạo tín chỉ và vẫn tổ chức xếp lớp như niên chế. Việc đào tạo theo học chế tín chỉ dù đã thực hiện nhưng vẫn chưa làm theo đúng nghĩa của học chế tín chỉ.
Đừng mong giảng viên tự giác
Ông Bùi Trần Ngọc – Hiệu trưởng Trường CĐ Y tế Phú Yên – cho biết: Đặc thù của ngành là đào tạo ra những con người chữa bệnh. Vì vậy ngoài lý thuyết còn rất cần phần thực hành. Do đó, các trường CĐ Y tế đều gặp khó khăn khi chuyển đổi hình thức đào tạo.
Đào tạo theo tín chỉ, việc đầu tiên các trường cần giải quyết là nhận thức từ chính giảng viên – ông Nguyễn Xuân Thủy, Hiệu trưởng Trường CĐ Y tế Phú Thọ nói. Cũng theo ông Thủy, lãnh đạo phải quyết tâm, nếu không thì không làm được.
Một đại diện của Trường CĐ Y Dược Thái Nguyên bức xúc: “Đừng mong giảng viên sẽ tự giác thay đổi. Phải “ép” nhưng kèm theo đó là chính sách đãi ngộ và gắn thi đua…”.
Thực tế, khi đào tạo theo tín chỉ, giờ lên lớp của giảng viên giảm đi nhưng lại vất vả hơn. Trong khi đó, học phí không được thu cao hơn so với niên chế. Chính vì vậy các trường đều phải tìm giải pháp để khắc phục vấn đề này.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)