Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Khó tìm việc vì thiếu tay nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Phần lớn LĐ người dân tộc thiểu số chỉ làm nghề nông và các công việc tự do, thời vụ. Ảnh: H.L.T

Trong những năm qua, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho LĐ người dân tộc thiểu số (DTTS) được đẩy mạnh với nhiều chính sách ưu tiên, nhưng tỉ lệ thanh niên DTTS được học nghề còn thấp. Không có nghề, cơ hội tìm việc làm có thu nhập ổn định đối với người dân tộc miền núi không dễ dàng.

Mới đáp ứng 10-15% nhu cầu
Theo Tổng cục Dạy nghề, hiện mới có 10 – 15% trong số gần 8 triệu người DTTS trong độ tuổi LĐ được đào tạo nghề, chủ yếu là học sinh DTTS trong các trường phổ thông dân tộc nội trú. Năm 2007 và 2008, mỗi năm có hơn 60.000 người DTTS được đào tạo nghề, năm 2009 dự kiến có 70.000 người. Số LĐ được đào tạo nghề phần lớn là học ngắn hạn; rất ít người học nghề dài hạn, TC và CĐ nghề.
Thanh niên DTTS có nhu cầu học nghề rất lớn, nhưng các trường nghề lại khó thu hút học viên, bởi hầu hết các trường cách xa làng bản, đi lại khó khăn và cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của các trường cũng còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, các trường gần như không có sự liên kết với các đơn vị tuyển dụng, DN để tìm việc làm cho học viên sau khóa học.
Việc không có nghề trong tay đã lấy đi rất nhiều cơ hội việc làm của thanh niên DTTS. Một số tỉnh miền núi phía bắc như Hà Giang, Cao Bằng… đang có các dự án xây dựng, làm đường giao thông cần rất nhiều nhân công. Chính quyền địa phương và các đơn vị thi công đều ưu tiên tuyển dụng LĐ tại chỗ. Nhưng LĐ người DTTS tại địa bàn chỉ làm được những công việc đơn giản như đào đất, cuốc đường, còn những việc cần có kỹ thuật, mức lương cao hơn đều phải tuyển người từ dưới xuôi lên.
Học nghề để thoát nghèo
Về công tác dạy nghề cho LĐ DTTS, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo: Học nghề là một trong những động lực cơ bản để đưa đồng bào dân tộc thoát nghèo. Có nghề trong tay sẽ đổi thay cuộc sống. Chìa khóa để mở cửa vào cuộc sống đối với thanh niên dân tộc chính là thành thạo một nghề. Dạy nghề cho thanh niên DTTS được coi là mục tiêu kép, vừa giải quyết công ăn việc làm, vừa kiểm soát được tình trạng đồng bào DTTS không có việc làm, thiếu hiểu biết bị cuốn vào tệ nạn xã hội và bị lôi kéo gây nguy cơ mất an ninh trật tự và chính trị.
Tại hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư 7 của Đéảng (khóa IX) về công tác dân tộc tổ chức mới đây, dạy nghề và tạo việc làm cho người DTTS được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, cần khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống của địa phương để sản xuất hàng hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào.
Người DTTS được ưu tiên tuyển chọn vào làm tại các nông, lâm trường và xí nghiệp, nhà máy trên địa bàn; quan tâm đào tạo, dạy nghề cho thanh niên DTTS, XKLĐ… Để làm được điều này, các địa phương, trường nghề cần xây dựng phương án đào tạo nghề theo địa chỉ, dạy các nghề thị trường cần, trang bị nghề cho LĐ DTTS để họ tìm được việc làm ổn định, vươn lên tìm hướng thoát nghèo.

 
Lưu Ly (LD)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)