Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Khó tránh khỏi tai nạn khi biểu diễn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Không hiếm nghệ sĩ bị gãy xương do biểu diễn xiếc trên độ cao (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: N.H
Dù có sự chuẩn bị trước nhưng trong quá trình tập luyện và cả khi lên sân khấu biểu diễn nhưng nghệ sĩ xiếc, ảo thuật… vẫn khó tránh khỏi tai nạn nghề nghiệp đáng tiếc xảy ra khiến bị gãy xương, chấn thương…
Không ngã không phải là nghệ sĩ xiếc
Diễn viên xiếc Nguyễn Hoàng Vũ (14 tuổi) rất thành công với tiết mục Thăng bằng trên 4 con lăn. Thế nhưng, cũng đã có lần Vũ bị trặc chân, cả gãy tay khi ở độ cao gần 3m. Phải mất gần một tháng điều trị sau sự cố tập luyện đó, vết thương của  Vũ mới lành được. Vũ tâm sự: “Té ngã trong tập luyện và cả khi lên sân khấu biểu diễn là chuyện thường gặp, tuy nhiên người biểu diễn cần phải biết hạn chế một cách tối đa để cho tiết mục lúc nào cũng được đầu xuôi đuôi lọt”. Theo Vũ, khi người nghệ sĩ chưa chuẩn bị kỹ tâm lý thì các thao tác thực hiện không còn được định hình như trước và đó là nguyên nhân làm cho cơ thể bị mất thăng bằng nên khó lấy lại phong độ biểu diễn ban đầu. Lúc đó, không chỉ ở tiết mục phức tạp trên cao có sự cố mà ngay cả những tiết mục đơn giản ở dưới thấp cũng không thể tránh khỏi tai nạn nghề nghiệp. NSND Tâm Chính – Chủ tịch Liên chi hội Xiếc Việt Nam đã từng có một câu nói nổi tiếng khi “luận” về nghề xiếc đến nay nhiều người vẫn còn nhớ nhất là trong giới nghệ sĩ: “Không ngã không phải nghệ sĩ xiếc”. Đó chính là kinh nghiệm xương máu của người nghệ sĩ dành cả cuộc đời mình cho nghệ thuật sân khấu xiếc ngay từ khi là cô bé chăn trâu ở Nghệ An giỏi “trồng chuối” bên bờ đê cho đến khi trở thành nghệ sĩ xiếc nổi tiếng trên thế giới với tiết mục Cô hàng giải khát. Những thành công lớn lao của bà cũng đã từng đánh đổi với những cú té ngã trên 12 khay đựng hàng chục chiếc cốc thủy tinh, làm gãy chân, gãy cột sống và cả xương chậu khi biểu diễn trong nước và lưu diễn nước ngoài, phải điều trị nhiều năm trời mới phục hồi được.
Tiết mục Sức mạnh đôi tay của Quốc Cơ và Quốc Nghiệp đã đưa tên tuổi 2 nghệ sĩ trẻ này nổi tiếng. Tuy nhiên, gần đây trong một lần biểu diễn, khi Quốc Cơ làm trụ cho Quốc Nghiệp “trồng chuối” trên đầu để lên bục cao, không may chiếc thang sắt bị sập. Sự cố đáng tiếc đó đã làm cho 2 anh em bị chấn thương phải tạm thời ngưng biểu diễn. Mặc dù các tiết mục xiếc đòi hỏi độ chính xác đến từng cm nhưng sự cố khách quan xảy ra luôn ngoài ý muốn.
Trong đám tang người chồng, chị Khương Thị H. (ngụ ở đường số 10, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM) có mướn một nhóm ảo thuật gia biểu diễn phục vụ khách đến phúng điếu. Do bất cẩn nên người nghệ sĩ đường phố trong tiết mục ngậm xăng phun vào bó đuốc đã bị lửa bén vào mặt, cũng may do có đồng nghiệp cứu kịp thời nên anh ta chỉ bỏng nhẹ ở miệng. Dù xảy ra ngoài ý muốn nhưng nếu người biểu diễn tiết mục “đùa giỡn với bà hỏa” này có kinh nghiệm hơn thì chắc sự cố đáng tiếc đó đã không xảy ra.
Gãy cổ xương đùi là nặng nề nhất
BS. Trần Đình Phú – Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết: “Hậu quả quan trọng nhất của té ngã là gãy xương, trong đó gãy cổ xương đùi là nặng nề nhất”. Các nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy, té ngã và gãy cổ xương đùi có liên quan chặt chẽ với nhau. Khi té ngã, chân làm trụ nên áp lực đè nặng nhất. Ngoài ra té ngã còn làm cho bệnh nhân gãy cổ xương bả vai, cổ xương cánh tay, xương hàm, xương háng… Nếu té ngã từ trên cao xuống một cách bất ngờ và đầu lao xuống trước thì sẽ bị chấn thương sọ não, dễ ảnh hưởng đến tính mạng con người. Theo BS. Phú, cách điều trị phụ thuộc vào mức độ của tai nạn nên có thể chữa trị bằng bó bột, chỉnh nối xương và cả thay khớp nhân tạo… Tuy nhiên, dù kỹ thuật thay khớp có tiên tiến và hiện đại cũng rất khó đưa người bệnh trở lại tình trạng ban đầu. Chính vì thế, cách tốt nhất là hạn chế tai nạn té ngã đến mức thấp nhất, nhất là từ độ cao nguy hiểm.
Phan Quang
 
Những cách điều trị, sơ cứu kịp thời
Để có cách điều trị, sơ cứu kịp thời các tai nạn do nghề xiếc, ảo thuật gây ra, Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với BS. Bùi Thanh Thảo – phòng khám thuộc Trung tâm Y tế dự phòng Q.Bình Thạnh:
PV: Thưa BS, té ngã thường làm cho người bị tai nạn gãy tay hoặc gãy chân. Vậy ông có thể cho biết cụ thể hơn về tai nạn này?
Gãy tay, gãy chân có hai trường hợp xảy ra, đó là gãy hở và gãy kín. Khi người thân bị gãy hở chúng ta phải săn sóc vết thương kịp thời, tuyệt đối không được đụng chạm mạnh vào chỗ xương bị gãy. Còn nếu bị gãy kín thì nhanh chóng nẹp vào chỗ gãy bằng loại nẹp phù hợp với kích thước và tùy vào vị trí chi. Để bệnh nhân nằm cố định và kịp thời chuyển thương. Trong quá trình đó lưu ý theo dõi chống sốc.
Cũng có người bị gãy xương sườn do tai nạn. Cách chữa trị có gì khác, thưa BS?
Gãy xương sườn là gãy mảng sườn di động, gãy một hoặc nhiều xương cùng lúc. Bệnh nhân lúc này đau, khó thở, có thể thấy sườn nhô ra. Nên băng bằng gạc để xương bị gãy được cố định tránh cọ xát nhiều và làm đứt thêm mạch máu. Những trường hợp này bó bột cố định có thể mổ sắp xương nếu xương sườn bị lệch. Tốt nhất là sơ cứu kịp thời chuyển nhanh lên tuyến trên để mổ cấp cứu đảm bảo an toàn và tính mạng cho người bị nạn.
Không ít người cũng bị chấn thương sọ não do té từ trên cao xuống. Vậy biểu hiện cụ thể của chấn thương sọ não ra sao?
Trước hết là nói về chấn thương sọ não kín. Lúc đó người bị tai nạn có triệu chứng rất dễ thấy như lơ mơ, mở và nhắm mắt. Nếu nặng hơn thì co giật, nôn vọt liên tục. Chấn thương hở thì nhìn thấy não lòi ra ngoài do bể hộp sọ. Trường hợp người bị nạn lòi sọ thì chúng ta phải sơ cứu bằng cách nhanh chóng đắp gạc ướt, quấn băng rẽ quạt hoặc lấy tô chén bự úp phần sọ trào ra ngoài. Tuyệt đối không lấy tay nhét não trở vào trong dễ làm thay đổi phần não bị tổn thương. 
Còn trường hợp bỏng lửa như một số ảo thuật gia đường phố thì sao, thưa BS?
Bỏng nước sôi hoặc bỏng lửa được y khoa xếp vào loại bỏng nhiệt. Da bị cháy nắng là bỏng nhẹ độ 1. Khi bị bỏng nhiệt phải kịp thời xối nước sạch và tìm cách giảm nhiệt độ dưới vòi nước thật nhanh. Nếu bỏng hóa chất (axít, xút) thì cũng phải rửa liền, tuyệt đối không được đắp gạc, bôi kem hay nước mắm, xà phòng như một số người khuyên thiếu cơ sở khoa học. Như trên đã nói bỏng chia làm 3 độ. Bỏng độ 2 thường có bọng nước và da bị tuột ra ngoài vì còn mức độ nhẹ, còn bỏng độ 3 là sâu nhất có thể nhìn thấy rõ cơ bên trong do lớp da bên ngoài đã bị cháy. Nên sơ cứu theo hướng dẫn của BS và nếu nặng thì chuyển viện ngay để được cứu chữa kịp thời.
Xin cảm ơn BS!
Hương Thủy (thực hiện)
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)