Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Khó tự chủ nếu tuyển sinh kém

Tạp Chí Giáo Dục

Tại hội thảo Hình thức tự chủ và giải pháp thực hiện tại các trường cao đẳng (CĐ), trung cấp (TC) tổ chức tại TP.HCM sáng 5.5, đại diện hơn 40 trường đã nêu ra những khó khăn, thách thức khi bắt đầu hướng đến tự chủ.

Trưng bày sản phẩm của giảng viên, sinh viên tại Trường CĐ Kỹ nghệ 2, trường thực hiện thí điểm tự chủ  /// Ảnh: Mỹ Quyên

Trưng bày sản phẩm của giảng viên, sinh viên tại Trường CĐ Kỹ nghệ 2, trường thực hiện thí điểm tự chủ. ẢNH: MỸ QUYÊN
Hiện nay, trên cả nước mới chỉ có 3 trường CĐ được Chính phủ cho phép thí điểm tự chủ, đó là CĐ Kỹ nghệ 2, CĐ Quy Nhơn và CĐ Lilama 2. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ 2, cho biết: “Sau một năm thực hiện thí điểm, chúng tôi nhận thấy bên cạnh những thuận lợi như được chủ động về chỉ tiêu, chương trình học, tài chính, đội ngũ giảng viên… thì vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc. Có những việc trường muốn được chủ động làm như tự in văn bằng, chứng chỉ riêng, tự mở mã nghề… nhưng vẫn phải theo quy định chung”.
Bà Hằng cho rằng trong bối cảnh tuyển sinh khó khăn, giáo viên còn thiếu và yếu, cơ sở vật chất chưa đáp ứng, chương trình học chưa được kiểm định… thì việc tự chủ là rất khó.
Đại diện nhiều trường cũng nhấn mạnh đến việc tuyển sinh không đạt chỉ tiêu chính là rào cản đầu tiên của việc tự chủ. Thạc sĩ Nguyễn Đoàn Bảo Tuyền, Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật TP.HCM, nhận định: “Cánh cửa ĐH mở hết cỡ, trường CĐ không có mấy người học thì tự chủ thế nào khi không có nguồn thu? Phải có người học mới giải quyết được mọi vấn đề”.
Việc đầu tiên mà các trường tự chủ phải làm chính là tăng học phí. Đơn cử, tại Trường CĐ Kỹ nghệ 2, học phí khi thí điểm tự chủ tăng gấp đôi so với trước, lên thành 16 triệu đồng/năm, cao hơn cả mức học phí học ĐH công lập. Việc tăng học phí sẽ khiến việc tuyển sinh càng thêm khó khăn, nếu như các trường không tạo được lợi thế cho người học về chất lượng, việc làm sau tốt nghiệp…
PGS-TS Võ Phước Tấn và tiến sĩ Phạm Xuân Thu đến từ Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, đề xuất các trường CĐ, TC công lập cần phải có một mô hình tài chính mới để có thể vừa đảm bảo vận hành các hoạt động của trường vừa giúp học sinh có thu nhập thấp và trung bình vẫn có thể theo học. “Các trường cần chuyển sang mô hình công ty dịch vụ công, tạo ra các nguồn thu bằng hoạt động kinh doanh như xuất bản sách và tài liệu học tập, bán tài sản trí tuệ, bán dịch vụ tư vấn giảng viên, thực hiện các dịch vụ in ấn, internet cho sinh viên, hợp tác với doanh nghiệp kinh doanh gần trường cho thuê chỗ đậu xe, cung cấp các dịch vụ và khóa đào tạo, cho thuê trang thiết bị chưa khai thác hết năng suất, gây quỹ…”, ông Tấn chia sẻ.
Nhận thức đây là một xu thế tất yếu của giáo dục, các trường CĐ đã chuẩn bị tâm thế để “đối mặt” dù biết có nhiều khó khăn. Đại diện nhiều trường kiến nghị Bộ LĐ-TB-XH cần sớm có văn bản quy định rõ ràng và hướng dẫn cụ thể về việc tự chủ như thế nào, lộ trình ra sao… để các trường có sự chuẩn bị. 

Mỹ Quyên/TNO

 

Bình luận (0)