Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Khó tuyển giảng viên

Tạp Chí Giáo Dục

Các trường ĐH rất khó giữ sinh viên giỏi ở lại làm giảng viên trong khi việc tuyển giảng viên “tay ngang” ngày càng khó


Giảng viên và sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong giờ học
Bước vào năm học mới, hàng loạt trường ĐH tại TPHCM chủ động tuyển giảng viên để bổ sung lực lượng. Tuy nhiên đến nay, việc tuyển giảng viên vẫn rất khó khăn và hầu như không trường nào tuyển đủ chỉ tiêu dự kiến.
Sinh viên giỏi thờ ơ

Giảng viên trúng tuyển một năm đầu không được đứng lớp mà chỉ làm nghiên cứu khoa học, dự giờ giảng, làm công tác sinh viên… nên theo đại diện các trường, rất dễ khiến giảng viên chán nản, bỏ cuộc. “Lương khởi điểm đã thấp mà còn buồn nữa thì khó mà giữ được họ”- ông Hoàng Mạnh Dũng nhấn mạnh.

Ông Hoàng Mạnh Dũng, Trưởng Phòng Hành chính – Quản trị Trường ĐH Mở TPHCM, cho biết để bảo đảm lực lượng giảng viên cơ hữu chiếm 50%-60%, trường vừa tổ chức tuyển giảng viên bổ sung nhưng chỉ có khoảng 40 hồ sơ dự tuyển và tuyển được 25 giảng viên. Trường vận động những sinh viên có kết quả học tập xuất sắc ở lại làm giảng viên nhưng hầu hết từ chối, chỉ có vài sinh viên loại khá nhưng cũng không mấy quyết tâm. Ông Dũng lý giải rằng trước đây quy chế đào tạo sau ĐH cho phép tuyển thẳng 5% sinh viên tốt nghiệp loại giỏi trở lên học tiếp thạc sĩ thì còn có vài ba em chịu ở lại để học sau ĐH, nhưng quy chế hiện hành bắt buộc tất cả các đối tượng đều phải thi đầu vào lên thạc sĩ, do đó vài năm gần đây, hầu như không giữ được sinh viên giỏi.

Tại Trường ĐH Luật TPHCM, qua gần 3 tháng thông báo tuyển giảng viên các ngành luật, quản trị kinh doanh, chỉ thu được 72 hồ sơ dự tuyển. Ông Phan Lê Hoàng Toàn, Phó trưởng Phòng Tổ chức – hành chính của trường, cho biết hầu hết ứng viên là cử nhân, trong đó chỉ có 7 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng cho biết rất khó tuyển giảng viên, đặc biệt là khó thu hút sinh viên giỏi tiếp tục gắn bó với trường sau khi tốt nghiệp.
Làm giảng viên để chờ thời
Đại diện của nhiều trường khẳng định nguyên nhân lớn nhất khiến việc tuyển giảng viên khó khăn chính là do thu nhập của giảng viên thấp quá.
Ông Hoàng Mạnh Dũng cho biết một cử nhân vừa tốt nghiệp trúng tuyển làm giảng viên thì mức lương năm đầu tiên chỉ khoảng 3-4 triệu đồng/tháng trong khi nếu có bằng tốt nghiệp giỏi, làm việc tại các công ty thì được trả ít nhất là 5-6 triệu đồng/tháng. Hầu hết ứng viên tham gia tuyển giảng viên là nữ, là những người không quá đặt nặng vấn đề tài chính mà chủ yếu bằng lòng với cuộc sống yên ổn.
“Một số ứng viên là nam giới thi tuyển làm giảng viên với mục đích học lên thạc sĩ hoặc tìm kiếm học bổng đi học nước ngoài, đạt được mục đích này là họ “chuồn” chứ với mức lương như vậy sống thế nào được”- ông Dũng nói.
Trường ĐH Luật TPHCM vừa thực hiện khảo sát đối với sinh viên có nguyện vọng ở lại trường. Trong số đó, 70%-80% cho biết ý định ở lại trường là để nghiên cứu khoa học và học thêm chứ không đề cập việc làm giảng viên để kiếm sống.

Cần tự chủ
Theo đại diện các trường, để bảo đảm cuộc sống, giảng viên phải đi dạy thỉnh giảng rất nhiều, như vậy sẽ không còn thời gian nghiên cứu khoa học. Do vậy, để giữ chân giảng viên thì trước hết phải cải thiện đời sống cho họ. Các trường cần được giao quyền tự chủ, trong đó có tự chủ tuyển dụng giảng viên, tự chủ định mức học phí để chủ động nguồn tiền chi trả cho giảng viên. Nếu bộ cứ áp đặt cho các trường như hiện nay thì rất khó cải thiện đời sống giảng viên, rất khó thu hút sinh viên giỏi chọn con đường làm giảng viên.

Theo Thùy Vinh
(NLD)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)