Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Khó tuyển, khó giữ giảng viên trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Chỉ tiêu tuyển sinh liên tục tăng đã khiến các trường ĐH thường xuyên phải tuyển giảng viên để bảo đảm chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, không chỉ khó tuyển, các trường còn khó giữ chân giảng viên trẻ vì chế độ đãi ngộ chưa tương xứng

GS Nguyễn Viết Thịnh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết việc tuyển nhân sự được trường tiến hành hầu như hằng tháng do thường xuyên có cán bộ nghỉ chế độ hoặc được cử đi học. Giảng viên trẻ được tuyển vào trường từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có sinh viên tốt nghiệp loại giỏi của trường hoặc giảng viên của các trường khác, du học sinh nước ngoài về, cán bộ trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học…

Yêu cầu cao, thu nhập thấp

Trường ĐH Mỏ Địa chất hằng năm lên kế hoạch tuyển khoảng gần 100 giảng viên vào nhiều chuyên ngành khác nhau, tuy nhiên, không năm nào tuyển đủ số lượng theo yêu cầu. Theo ông Lê Trọng Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo của trường, chỉ những chuyên ngành chính của trường như địa chất, dầu khí… là có nhiều ứng viên giỏi tham gia dự tuyển. Các ngành khác còn lại dù tuyển cả sinh viên tốt nghiệp loại khá cũng rất khó, thậm chí có ngành có năm không tuyển được giảng viên nào.


 

Giảng viên trẻ và các sinh viên Trường ĐH Văn Hiến – TPHCM. Ảnh: Tấn Thạnh

Tương tự, Học viện Ngân hàng năm nào cũng thông báo tuyển giảng viên nhưng những ngành như công nghệ thông tin rất khó tuyển. Bên cạnh đó, sau khi vào làm giảng viên, những người mới ra trường phải mất một, hai năm tập sự và chịu áp lực liên tục nâng cao trình độ. “Nhiều sinh viên giỏi khi ở lại làm giảng viên đều có mục tiêu tìm học bổng để du học nước ngoài nhưng khi trở về lại xin ra ngoài làm vì thu nhập cao hơn trong trường” – ông Dũng cho biết. Ông Lê Trọng Thắng cũng cho rằng mấu chốt của việc khó tuyển giảng viên trẻ chính là thu nhập quá thấp. Một sinh viên tốt nghiệp loại giỏi nếu ở lại trường làm giảng viên, lương khởi điểm chỉ 2 triệu đồng/tháng – quá thấp so với việc vào làm tại các doanh nghiệp.

Giữ chân bằng học bổng nước ngoài

Để tránh chảy máu chất xám và giữ chân người giỏi, các trường ĐH đang phải tìm nhiều cách để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho chính mình. Lãnh đạo một trường ĐH lớn của Hà Nội cho biết để giữ chân giảng viên, trường thường xuyên tạo cơ hội tu nghiệp ở nước ngoài cũng như các khóa đào tạo trong nước.
Ngoài ra, trường còn luôn cố gắng hỗ trợ một khoản thu nhập ở mức “chấp nhận được” cho các giảng viên ngoài việc áp dụng trả lương theo bậc, ngạch như Nhà nước quy định. Tiến sĩ Đỗ Quế Lượng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho biết trường tạo điều kiện cho tất cả giảng viên cơ hữu, nhất là số giảng viên trẻ, có nhu cầu đi học cao học, nghiên cứu sinh tại các trường ĐH trong và ngoài nước.

Sau khi tốt nghiệp, các giảng viên này sẽ được trường tiếp nhận lại và khi có học hàm, học vị cao hơn sẽ được giải quyết mức thù lao tiết giảng cao hơn. Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cũng đã triển khai chương trình đào tạo nguồn giảng viên chất lượng cao. Trong tổng số gần 650 giảng viên đang tham gia giảng dạy trực tiếp tại trường đã có khoảng 150 người được đi học, bồi dưỡng để trở thành thạc sĩ, tiến sĩ, liên tục bổ sung vào đội ngũ giảng viên. Theo báo cáo mới nhất của các trường vừa được Bộ GD-ĐT công bố, đã có 286 trường ĐH, CĐ lập danh sách và cử 24.396 giảng viên đi đào tạo tiến sĩ trong và ngoài nước đến năm 2020.

Vẫn “chảy máu” giảng viên

Theo ông Lê Anh Tuấn, Trường ĐH Thành Đông, đối với các trường mới thành lập, việc tuyển giảng viên khó khăn hơn rất nhiều vì không có thương hiệu. Để giữ chân giảng viên, bên cạnh công thức “lương ổn định + giá trị ngoài lương”, một môi trường làm việc dân chủ, cởi mở, trường còn hứa sẽ có các chế độ đãi ngộ như nhà đất cho cán bộ của trường. Tìm mọi cách để giữ chân giảng viên trẻ, nhưng trên thực tế, vì “áp lực kinh tế”, trường vẫn mất đi một lượng giảng viên trẻ, có trình độ chuyên môn cao.

Theo YẾN ANH
(NLD)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)