Cha mẹ đừng làm khổ con vì bệnh “thành tích” (ảnh minh họa). Ảnh: T.Tri
|
Để đạt tỷ lệ học sinh (HS) tốt nghiệp THPT, đậu ĐH-CĐ cao, nhiều trường sẵn sàng “đuổi” HS. Giáo viên chủ nhiệm vô tư đánh học trò vì… viết chữ xấu. Con mình không giỏi bằng con hàng xóm, bố mẹ “hồn nhiên” la mắng con…
Tất cả những sự việc trên cũng chỉ bởi bệnh “thành tích” mà ra. Căn bệnh này đang bị người lớn “truyền nhiễm” sang cho trẻ em.
“Con phải là số 1”
Mặc dù mới học lớp 1 nhưng lúc nào bé Thùy Dương cũng đặt cho mình một áp lực, rằng: “Con phải là số 1”. Có lẽ nguyên nhân bắt nguồn từ hoàn cảnh gia đình. Đối với bên nội, Thùy Dương là đứa cháu đầu. Còn với bên ngoại, cô bé là đứa cháu gái duy nhất. Vì vậy ai cũng cưng chiều và luôn đặt cô bé vào vị trí số 1. Nhưng không phải vì thế mà em hư, trái lại Thùy Dương rất ngoan và giỏi. Khi còn học mẫu giáo, với khuôn mặt xinh xắn, nói năng lưu loát, múa đẹp, hát hay nên Thùy Dương luôn ghi điểm với Ban giám hiệu và các cô giáo. Bất kể cuộc thi nào trong trường – múa hát, thể dục nhịp điệu, vẽ, kể chuyện đều có sự góp mặt của em. Khi quận tổ chức cuộc thi “Bé khỏe, bé đẹp”, Thùy Dương được đại diện cho nhà trường đi thi và cô bé đã đạt giải nhất, nhận được rất nhiều quà cùng những tiếng vỗ tay, lời ca tụng. Lúc đó, Thùy Dương đã cảm nhận được giá trị của vị trí số 1.
Vào lớp 1. Những ngày đầu đi học, ba nói: “Con được 1 điểm 10, ba sẽ thưởng 100 ngàn đồng”. Thế là mỗi ngày đến trường, cô bé đều cố gắng để đạt được điểm 10. Có những hôm, Thùy Dương đem về cho ba tới 3-4 điểm 10. Lúc đó, ba lại nói: “Bây giờ ba muốn con có những thành tích cao hơn điểm 10. Chẳng hạn như học giỏi nhất lớp, nhất khối, thậm chí là nhất trường…”.
Thế là cô bé lại lao vào học và tham gia tất cả các cuộc thi. Trong cuộc thi giải toán trên internet do Bộ GD-ĐT tổ chức, cô bé đạt giải nhất cấp trường, cấp quận. Đầu tháng 4 vừa qua, cô bé đi thi cấp thành phố. Điểm tối đa là 300 nhưng Thùy Dương chỉ được 290 điểm. Khi nghe công bố điểm, cô bé đã gào khóc thảm thiết, sau đó thì nôn ói khiến mọi người vô cùng hoảng hốt phải gọi phụ huynh tới. Về nhà cô bé không chịu ăn uống, lúc nào mặt cũng bí xị. Mãi đến khi nhà trường thông báo Thùy Dương đạt giải nhất, cô bé mới tươi tỉnh trở lại.
“Tôi không ngờ vị trí số 1 lại làm khổ con nhiều đến vậy”, anh Thanh Dũng – ba Thùy Dương – tâm tư.
“Bệnh con cũng đi học”
Đang làm việc, chị Thu Bình nhận được điện thoại của cô giáo chủ nhiệm lớp bé Hoài An (HS lớp 4 tại Trường Tiểu học T., Q.3). Cô giáo báo là Hoài An bị bệnh, phụ huynh đến trường đưa em về.
Tới trường, thấy con đang nằm trong phòng y tế, chị Thu Bình không khỏi lo lắng và có phần bực mình. Bởi, tối hôm qua, Hoài An đã có biểu hiện sốt, sáng nay chị kêu con ở nhà nghỉ. Nhưng bé Hoài An nói: “Ngày mốt con thi học kỳ II rồi, con phải vào trường ôn tập”.
Vợ chồng chị Thu Bình có 2 đứa con. Đứa lớn ham chơi nên học hành có phần làng nhàng, lúc nào cũng đứng ở vị trí 19-20 trên tổng số 40 HS của lớp. Chính vì vậy, bao nhiêu hy vọng vợ chồng chị đều trông chờ vào đứa con gái út là Hoài An. Do vậy, mới 5 tuổi, Hoài An đã phải đi học chữ. Khi vào lớp 1, hết giờ học ở trường là “bị” ba hoặc mẹ chở tới nhà cô giáo để học thêm. Thứ bảy, chủ nhật, Hoài An cũng không được nghỉ mà phải đi học thêm tiếng Anh ở Trung tâm ILA. Hầu như không năm nào cô bé được nghỉ hè mà phải đi học đủ thứ: Tiếng Anh, võ, bơi, thể dục nhịp điệu, cầu lông…
Năm nào cũng vậy, sau mỗi kỳ thi học kỳ, chị Thu Bình lại hỏi con: “Con được nhiêu điểm? Trong lớp có bạn nào bằng hoặc hơn điểm con không?”. Cuối năm học, Hoài An đem giấy khen về, chị Thu Bình lại hỏi: “Con xếp thứ mấy trong lớp, có được thứ nhất không? Anh Hai học kém, ba mẹ rất buồn. Vì vậy con phải học thật giỏi để ba mẹ hãnh diện…”.
Những câu nói của mẹ cứ lặp đi lặp lại khiến một đứa trẻ như Hoài An cảm nhận được trách nhiệm của bản thân. Để rồi bây giờ khi lên lớp 4, Hoài An dành hết thời gian và tâm trí vào việc học. Ngay cả khi bệnh, cô bé cũng học…
Tỷ lệ nghịch với những thành tích học tập của Hoài An là thân hình suy dinh dưỡng, hay bệnh – hầu như tháng nào Hoài An cũng “ghé thăm” bác sĩ một lần.
Kim Anh
Bác sĩ Phạm Văn Trụ – Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, cho biết: “Trong thời gian còn làm ở phòng khám trẻ em của bệnh viện, tôi gặp rất nhiều bệnh nhân là HS. Các em bị áp lực quá nhiều mà dẫn đến bệnh tật. Có thể các ông bố, bà mẹ khi kỳ vọng vào con không nghĩ được rằng như vậy là tạo áp lực cho con. Quan điểm của tôi là để con phát triển tự nhiên, không gây áp lực…”. |
Bình luận (0)