Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Khổ vì bệnh tưởng tượng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Họ nhất mực tin rằng mình đang mắc bệnh nan y và “vái tứ phương” để trị bệnh, trong khi các kết quả xét nghiệm, tầm soát đều khẳng định họ hoàn toàn khỏe mạnh.

Điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM.
Trong một lần đi tập thể dục buổi sáng, anh N.V.B vô tình va quệt vào hàng rào kẽm gai, bị chảy máu. Từ hôm đó, anh tin rằng mình đã bị nhiễm HIV và rầu rĩ tìm đến một bệnh viện lớn ở TP để xét nghiệm. Sau nhiều tháng xét nghiệm và chờ đợi, anh nhận được kết quả âm tính. Anh B. cho rằng mình đã gặp phải bác sĩ dỏm nên tìm đến một bệnh viện lớn khác để xét nghiệm lần 2. Kết quả vẫn là âm tính.
Hoang tưởng nghi bệnh
Thay vì nhẹ nhõm vì mình không nhiễm căn bệnh thế kỷ, anh lại tiếp tục đi đến nhiều cơ sở y tế khác để xét nghiệm lần 3, lần 4 và nhiều lần nữa. Sau mấy năm anh bỏ công bỏ việc để đi khám bệnh, người nhà quá mệt mỏi và cũng nghĩ anh chắc là “có vấn đề” nên đưa đến bác sĩ tâm thần. Đúng là anh có bệnh, nhưng không phải HIV mà là chứng hoang tưởng nghi bệnh, một dạng rối loạn tâm thần.
Bác sĩ Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TPHCM, cho biết: “Trong hầu hết trường hợp hoang tưởng nghi bệnh tôi gặp, bệnh nhân đã đi khắp nơi, từ bệnh viện công đến bệnh viện tư, từ bệnh viện tuyến tỉnh đến các phòng khám… để mong được xác nhận là… mình có bệnh. Đặc biệt, những căn bệnh mà họ nghĩ mình mắc phải đều là các bệnh nan y, bệnh thời đại: HIV/AIDS, ung thư, lao, viêm gan siêu vi B, C…”.
Cách đây không lâu, ông cũng gặp trường hợp một thanh niên sau lần đầu tiên quan hệ với bạn gái luôn bị ám ảnh mình đã mắc giang mai cùng một số bệnh lây lan qua đường tình dục khác. Trước khi tìm đến chuyên khoa tâm thần, anh ta cũng có một thời gian dài bỏ bê học hành để “tập trung” cho hành trình tìm và chữa bệnh. Anh vẫn một mực tin rằng bệnh tình mình trầm trọng cho dù tất cả các bác sĩ đều khẳng định sức khỏe anh rất tốt.
Bác sĩ Vũ Đình Vương, Trưởng Khoa Nam, Bệnh viện Tâm thần TPHCM, kể ông cũng gặp nhiều trường hợp tương tự. Nhiều bệnh nhân được đưa đến điều trị nằng nặc cho rằng mình mắc đủ thứ bệnh nan y, chỉ phủ nhận mỗi… bệnh tâm thần. Ông từng gặp một bệnh nhân khăng khăng mình bị bệnh tim; sau nhiều lần được người nhà đưa đi khám ở chuyên khoa tim mạch và xác định là không có bệnh, bà chê bác sĩ dỏm và chuyển sang than mình bị bệnh phổi rất nặng! Sau khi đưa bà đi lòng vòng nhiều chuyên khoa, gặp nhiều bác sĩ có tiếng ở TP mà vẫn không thấy bệnh, người nhà mới nghĩ đến chuyên khoa tâm thần. Lúc đó, căn bệnh thật sự mới được xác định.
Ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống
“Rất nhiều bệnh nhân hoang tưởng nghi mình có bệnh chỉ nghĩ đến việc duy nhất là… phải đi khám bệnh. Họ dành toàn bộ thời gian để đi “vái tứ phương”, bỏ dở công việc, học hành và mọi sinh hoạt khác.” – bác sĩ Vương khẳng định.
Bác sĩ Trịnh Tất Thắng nhìn nhận: “Căn bệnh ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của người bệnh. Chắc chắn rằng cuộc sống của họ không thể bình thường được khi lúc nào tâm trí cũng phải nghĩ đến bệnh tật. Tuy không mang bệnh thực thể như tưởng tượng nhưng căn bệnh về tinh thần sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực đến họ. Nhiều người rơi vào trạng thái trầm cảm, lo âu vì cứ tin rằng bệnh tình mình trầm trọng lắm mà không có cách chữa trị, sức khỏe mình yếu lắm rồi không còn làm nổi gì…Họ cảm thấy bi quan về cuộc sống, làm ảnh hưởng đến các hoạt động thường nhật”.
Theo các bác sĩ, dạng rối loạn tâm thần này cũng có nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau.  Có những người chỉ bị nhẹ ở mức độ “bệnh tưởng”, thường xuyên nghĩ rằng mình đau ốm lặt vặt. Tuy nhiên, dù ở mức độ nào, đó cũng là bệnh tâm thần và cần được điều trị tận gốc bởi bệnh càng kéo dài thì tinh thần và sức khỏe bệnh nhân càng bị ảnh hưởng, sa sút.
Cẩn trọng với biểu hiện “thích khám bệnh”
Theo bác sĩ Trịnh Tất Thắng, rối loạn nghi bệnh khó được phát hiện, thường người nhà chỉ chú ý và đưa đến đúng chuyên khoa khi bệnh nhân đã quá lạm dụng việc đi khám, chữa bệnh, bỏ bê công việc, học hành. Trong nhiều trường hợp, bệnh không có nguyên nhân cụ thể, có nhiều ca bệnh nhân chỉ lỡ bị trầy xước, chảy máu là đã nghĩ mình mang đủ loại bệnh nan y. 
Ông lưu ý: Nếu thấy người thân của mình luôn khẳng định rằng mình mang nhiều bệnh tật trầm kha, sa đà vào các cuộc khám chữa bệnh cho dù mọi kết quả thăm khám đều xác định họ không có bệnh thực thể nên nghĩ đến dạng rối loạn tâm thần và nhanh chóng đưa đến bác sĩ chuyên khoa.
Theo NLĐ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)