Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Khổ vì… cá!

Tạp Chí Giáo Dục

Thời gian qua, nhiều hộ nuôi cá da trơn ở ĐBSCL đã bị thua lỗ nặng. Hệ quả là danh sách con nợ của nhiều doanh nghiệp cung cấp thức ăn cho cá càng dài thêm.
Khi khách hàng gặp khóTháng 9-2007, Công ty cổ phần Thủy sản Kiên Thành (Đồng Tháp) và ông Huỳnh Văn Kề, hộ nuôi cá ở An Giang, cùng ký hợp đồng mua bán thức ăn cho cá. Theo đó, Kiên Thành cung cấp cho ông Kề 1.000 tấn thức ăn/tháng, hiệu lực hợp đồng kéo dài đến cuối năm 2008.
Mọi việc có lẽ sẽ “xuôi chèo mát mái” nếu như năm 2008, tình hình tiêu thụ cá không gặp khó khăn. Tháng 8-2008, ông Kề chấm dứt việc nhận thức ăn của Kiên Thành, đồng thời tuyên bố không thanh toán số tiền còn thiếu hơn 19 tỉ đồng.
Cho cá ăn tại một hộ nuôi ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Quang Vũ.
Lý do mà ông Kề đưa ra là đợt thu hoạch trước đó, trọng lượng cá không đạt như mong muốn. Do nghi ngờ, ông lấy mẫu thức ăn mà Công ty Kiên Thành cung cấp mang đến Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang) xét nghiệm lượng đạm.
Kết quả, hàm lượng protid thô, một loại đạm cần thiết cho sự  tăng trưởng của cá – chỉ đạt 20,48% trong khi hàm lượng các thành phần được ghi trên bao bì là 26%!
Theo đó, ông Kề tự tính toán rằng, mỗi độ đạm bị hụt sẽ gây thiệt hại 300 đồng, quy ra với lượng thức ăn mà ông đã tiêu thụ của Kiên Thành thì công ty này phải đền bù lại cho ông đến hơn… 23 tỉ đồng, cao hơn cả số tiền mà ông còn nợ!
Theo ông Kề, trước đó, Kiên Thành từng bị thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp phạt 10 triệu đồng vì mẫu xét nghiệm sản phẩm không đạt độ đạm như công bố.
Trong khi đó, Công ty Kiên Thành kịch liệt phản bác lý do mà ông Kề đưa ra. Theo công ty này, theo nguyên tắc, khi có nghi vấn về chất lượng sản phẩm, khách hàng phải thông báo đến công ty, sau đó hai bên cử đại diện cùng lấy mẫu và đưa đi xét nghiệm một cách khách quan. Thế nhưng ông Kề đã tự ý lấy mẫu, không hợp tác với Kiên Thành dù công ty đã hai lần gửi văn bản hẹn ngày giờ lấy mẫu. “Thức ăn có nhiều chủng loại, từ 20-40% độ đạm. Nếu tự lấy mẫu thức ăn loại 22% độ đạm đi xét nghiệm, để sau đó quy đồng với loại thức ăn 26% độ đạm và kết luận là kém chất lượng thì thật là khôi hài”, ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó giám đốc Công ty Kiên Thành, nói.
Ông Hưng thừa nhận, đầu năm 2008, Kiên Thành và 18 công ty khác đã bị thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp xử lý về mẫu thức ăn không đạt chất lượng. Tuy nhiên, ông khẳng định, việc mẫu xét nghiệm hụt độ đạm khoảng 1,2% là do lỗi từ khâu phối trộn, và ngay sau đó công ty đã khắc phục. Trong khi đó, mẫu xét nghiệm mà ông Kề tự lấy là vào cuối năm 2008, tức sau khi tuyên bố không nhận tiếp thức ăn của Kiên Thành. “Nhưng chúng tôi khẳng định, vẫn chịu trách nhiệm nếu mẫu xét nghiệm không đạt khi có sự chứng kiến của cả hai bên. Đằng này ông Kề lại không hợp tác!”, ông Hưng nói.
Vụ việc tranh chấp giữa Kiên Thành và ông Kề đã diễn ra hơn một năm nay và chưa biết khi nào sẽ kết thúc. Nhưng trước mắt, ảnh hưởng xấu đã xảy ra với Kiên Thành khi hàng loạt hợp đồng bị ách lại và nhiều công nhân phải ngồi chờ việc!
Khó cho doanh nghiệp, ai lo?
Nhiều doanh nghiệp cung cấp thức ăn thủy sản ở Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang… cũng gặp phải tình trạng tồn đọng nợ của khách hàng. Riêng Kiên Thành, hiện vẫn còn một món nợ khoảng 10 tỉ đồng do một khách hàng ở Đồng Tháp mất khả năng chi trả…
Ông Phan Văn Danh, Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản tỉnh An Giang, cho biết: “Nghề nuôi cá và dịch vụ cung cấp thức ăn cho cá có liên quan với nhau. Người nuôi cá gặp khó thì doanh nghiệp chế biến thức ăn cũng không “khỏe”. Thực tế, thời gian qua các doanh nghiệp này đang gánh rất nhiều khoản nợ từ phía người nuôi do họ thua lỗ, mất khả năng chi trả. Đã vậy, doanh nghiệp lại không dám than vì sợ ngân hàng không cho vay tiếp”.
Năm 2008 và 2009, giá cá da trơn nguyên liệu trồi sụt thất thường, có lúc chỉ hơn 11.000 đồng/ki lô gam. Riêng năm 2008, nhiều lúc người nuôi không bán được cá, tồn đọng đến 0,5 triệu tấn, phải treo hầm khiến cá vượt kích cỡ, trong lúc vẫn phải “bơm” thức ăn hàng ngày khiến nhiều hộ thua lỗ nặng. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, riêng năm 2008, khoảng 30-40% số hộ nuôi cá đã bị lỗ và thâm nợ ngân hàng.
Thống kê đến tháng 6-2009, riêng tại An Giang, trong số dư nợ gần 111 tỉ đồng của 126 hộ nuôi cá da trơn xuất khẩu thì nợ quá hạn ngân hàng vào khoảng 16 tỉ đồng. Theo Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang, đó chỉ là thống kê từ các hộ còn “đeo” nghề nuôi cá, còn những hộ thua lỗ treo ao thì chưa thể nắm được. Tính đến thời điểm ấy, tại An Giang chỉ còn khoảng 70% số hộ nuôi còn tiếp tục thả cá, nhưng với mật độ rất thấp. Ngân hàng cho vay có thế chấp đã vậy, huống chi các doanh nghiệp cung cấp thức ăn, chỉ trông chờ vào chữ tín.
Theo một số doanh nghiệp chế biến thức ăn thủy sản, hầu hết các hộ nuôi cá còn thiếu nợ đều xin gia hạn, hoặc viện ra nhiều lý do để trì hoãn mà trường hợp của ông Kề là một ví dụ. Khó khăn chồng chất, nhưng doanh nghiệp vẫn phải tự “bơi”. Chưa thấy cơ quan, hiệp hội… nào đứng ra thống kê tổng số nợ từ phía khách hàng mà các doanh nghiệp sản xuất thức thủy sản đang phải gánh. Thậm chí, chính các cơ quan chức năng cũng chậm trễ trong việc giải quyết các khiếu kiện phát sinh.
Như trường hợp của Kiên Thành, tháng 10-2008 đã nộp đơn khởi kiện ông Kề tại Tòa án thành phố Long Xuyên, nhưng đến tháng 6-2009 nơi này mới tiếp nhận đơn sau khi có quyết định của Tòa án tỉnh An Giang. Và hơn sáu tháng nay, Kiên Thành chỉ được mời đến hòa giải hai lần, nhưng đều không thành.
Theo TBKTSG

Bình luận (0)