Thiếu giáo viên dạy nghề, trang thiết bị đào tạo cũ kỹ, lạc hậu, lương giảm… là những ý kiến phản ánh của đại diện các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên sau khi sáp nhập 3 trung tâm: dạy nghề – kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM làm việc với đại diện các trung tâm GDNN-GDTX ngày 24-8 |
Ngày 24-8, ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) đã chủ trì buổi làm việc với đại diện trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) các quận/huyện nhằm lắng nghe những khó khăn để có hướng giải quyết, sớm đưa vào nề nếp hoạt động sau thời gian sáp nhập.
Đủ thứ… khó khăn
Tại buổi làm việc, đại diện các trung tâm đều cho rằng họ đang trong tình trạng “một cổ ba tròng”, tức là phải chịu sự quản lý của 2 Sở LĐ-TB&XH và Sở GD-ĐT cùng UBND quận/huyện, tần suất họp hành từ đó cũng tăng lên, không có thời gian làm việc; cơ sở vật chất, trang thiết bị cũ kỹ; thiếu giáo viên cơ hữu, giáo viên văn hóa chuyển sang dạy nghề không được hưởng phụ cấp ưu đãi 30%, hệ số lương của 3 trung tâm khác nhau nên khi sáp nhập rất khó tính, trong khi “đổ đồng” sẽ không hợp lý…
Chia sẻ những khó khăn hiện tại, đại diện Trung tâm GDNN-GDTX Q.6 cho hay sau 4 tháng sáp nhập đến nay vẫn còn đang trong giai đoạn sắp xếp và ổn định nhân sự. Theo đó, giáo viên hướng nghiệp được chuyển sang dạy nghề, có giáo viên dạy văn hóa nhưng chủ yếu là giáo viên thỉnh giảng. Riêng về trang thiết bị phục vụ giảng dạy thì đã cũ kỹ, không còn phù hợp nhưng kinh phí đầu tư lớn.
Ông Cao Văn Hóa (Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX Q.1) thì lo lắng sau khi sáp nhập, lương giáo viên dạy văn hóa giảm xuống còn 1/3 trong khi công việc thì nhiều hơn, trái với chủ trương tiết kiệm, nâng cao đời sống. Ngược lại, giáo viên GDNN-GDTX lại tăng lên làm ảnh hưởng đến tâm lý chung. Tương tự, ông Nguyễn Minh Kha (Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX Q.4) nêu khó khăn: Giáo viên dạy nghề không được hưởng 30% phụ cấp ưu đãi là thiệt thòi lớn cho giáo viên sau sáp nhập. Vì vậy, ông Kha kiến nghị được trả lương giáo viên dạy nghề theo doanh số (từ số học phí thu được).
Bà Trần Thị Thanh Phước (Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX Q.2) cho biết trung tâm sáp nhập từ tháng 3-2018 từ 2 trung tâm: kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp và GDTX nên không có giáo viên dạy nghề, chỉ có giáo viên hướng nghiệp. Trang thiết bị đào tạo có nhưng rất ít và lạc hậu không đủ điều kiện dạy nghề.
Trong khi đó, đại diện Trung tâm GDNN-GDTX Q.Tân Bình lo lắng thiết bị đào tạo các nghề chủ lực như may, tin học, điện lạnh…đã không còn phù hợp, nếu không đầu tư mới sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Tương tự, đại diện Trung tâm GDNN-GDTX Q.Phú Nhuận thông tin, hiện trung tâm không có giáo viên dạy nghề, tuy nhiên bộ phận hành chính và lãnh đạo có đến 7 người. Sắp tới, trung tâm sẽ nhận thêm cơ sở mới và đề xuất sở cho phép mở cơ sở sửa xe gắn máy để lấy ngắn nuôi dài.
Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX Q.Tân Phú Lưu Thanh Tòng đánh giá kiến thức và kỹ năng của giáo viên còn hạn chế, cần được bồi dưỡng thêm. Sau sáp nhập, trung tâm chỉ có 1 giáo viên dạy nghề sửa xe gắn máy; 5 giáo viên hướng nghiệp (nặng về lý thuyết) chuyển sang dạy nghề (nặng về thực hành) là khó khăn lớn của đơn vị. Trung tâm có 7 nghề sơ cấp nhưng thực tế chỉ đào tạo 3 nghề sửa xe gắn máy, ô tô và làm đẹp. Trang thiết bị đào tạo không được duy tu, bảo dưỡng nên cần đầu tư để nâng chất lượng đào tạo. “Hiện nay, việc đào tạo nghề tại trung tâm như hình thức kèm cặp, có học viên đăng ký là dạy chứ không thể đợi đủ lớp, vì vậy việc tính giờ cho giáo viên dạy sơ cấp là rất khó”, ông Tòng nói.
Cần một “đầu mối” quản lý
Trước sự quản lý chồng chéo như hiện nay, đại diện các trung tâm mong muốn được giao về cho Sở LĐ-TB&XH quản lý. “Đề nghị được về một đầu mối quản lý để hạn chế họp hành nhiều”, ông Lê Văn Tân (Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Nhà Bè) kiến nghị.
Ông Đặng Minh Sự (Trưởng phòng GDNN, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết đến thời điểm này đã có 19 quận/huyện sáp nhập các trung tâm thành trung tâm GDNN-GDTX. Các quận/huyện chưa sáp nhập là Q.3, Q.Bình Thạnh, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ và huyện Hóc Môn. Riêng Q.3 đang xin phép để sáp nhập về Trường TC Nghề Nhân Đạo. |
Trước những khó khăn mà các trung tâm phản ánh, ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) yêu cầu các trung tâm thống kê về cơ sở vật chất hiện có và không có gì; trang thiết bị mua sắm từ năm nào; năng lực tuyển sinh dạy nghề và GDTX các năm 2016 và năm 2017; dự kiến đề nghị ngân sách đầu tư cho những mục nào trong năm 2019… Về ý kiến giáo viên thiếu nhưng theo quy định dạy không quá 200 giờ/năm, ông Lâm cho rằng do các trung tâm hiểu sai quy định. Bởi theo quy định, ngân sách Nhà nước chỉ chi cho 200 giờ/năm, giáo viên có thể dạy thêm giờ nhưng trung tâm phải tự chi trả. Ngoài ra, ông Lâm cũng lưu ý các trung tâm cần cân nhắc cách tính lương cho giáo viên dựa vào doanh thu bởi tháng nào không tuyển sinh được xem như giáo viên không có thu nhập. Riêng về đề xuất sử dụng mặt bằng để lấy ngắn nuôi dài, ông Lâm chỉ đồng ý mở xưởng để dạy thực hành chứ không thể cho thuê mướn vì liên quan đến tài sản công.
Về nhân sự, ông Lâm đề nghị các trung tâm báo cáo với thường trực UBND quận/huyện, xem việc sử dụng biên chế hiệu quả chưa, từ đó có hướng sắp xếp lại bộ máy. “Hiện TP có 50 trường CĐ và 50 trường TC, các trung tâm chủ động đến các trường mời giáo viên về dạy hoặc đề xuất cơ chế tuyển dụng chứ không thể cứ mãi kêu ca thiếu giáo viên. Đội ngũ đang làm hành chính nếu dư ra sau sáp nhập, các trung tâm động viên họ đi học sư phạm nghề để bổ sung dạy nghề. Đồng thời rà soát lại các nghề, nếu trùng với các trường TC-CĐ trên địa bàn thì nên bỏ đi, đăng ký dạy các nghề mới phù hợp với xu hướng thị trường lao động. TP đã có gói 120 tỷ đồng đầu tư cho các trung tâm, tuy nhiên để đảm bảo đầu tư có mục đích và hiệu quả, các đơn vị cần rà soát, nhìn nhận lại mình đang ở đâu trong phân khúc thị trường đào tạo”, ông Lâm yêu cầu.
Trong khi đó, ông Đặng Minh Sự (Trưởng phòng GDNN, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) lưu ý các trung tâm nào có dạy nghề phải đăng ký hoạt động GDNN mới có thể cấp phôi bằng. Về việc thiếu giáo viêc cơ hữu, tự nội tại trung tâm giải quyết hoặc phải có cam kết trong thời gian nhất định sẽ có giáo viên cơ hữu cho nghề đó. Ông Sự hướng dẫn: Các trung tâm có thể ký hợp đồng lao động với giáo viên trong 12 tháng, sau đó xác định bổ nhiệm họ vào ngạch viên chức.
T.Anh
Bình luận (0)