Cha mẹ hãy khéo léo chỉ cho trẻ thấy mỗi người có một sở trường nhất định không ai toàn diện cả (ảnh minh họa). Ảnh: I.T |
Có đứa con luôn tỏ ra hơn các bạn cùng lứa, thích làm thủ lĩnh, bắt buộc những bạn khác phải tuân theo mình, chị Mai An (Thuận An, Bình Dương) than thở: “Con gái của tôi ngay khi 5 tuổi đã tự coi mình là trung tâm của vũ trụ. Nay cháu đang học lớp 3 mà đã là thủ lĩnh của một nhóm, cháu luôn ra lệnh cho các bạn phải làm gì và luôn cho mình là đúng, không muốn thừa nhận ý kiến của ai. Chúng tôi biết nếu con bé không kìm cách ứng xử “độc tài” của mình thì sớm hay muộn, chúng bạn sẽ lánh xa và sợ cháu có những hành vi tiêu cực như gây gổ, ức hiếp bạn khác”. Những trường hợp này, các bậc phụ huynh cần phải:
Giúp con biết kiểm soát bản thân. Trẻ lanh lợi và tự tin thái quá thường nảy sinh tâm lý ảo tưởng, đánh giá không đúng về bản thân, cho mình giỏi hơn người khác. Vì thế, khi trẻ có biểu hiện tự mãn, thích điều khiển người khác, cha mẹ nên có sự định hướng, uốn nắn, điều chỉnh, giúp con nhận các giá trị cuộc sống ngay từ nhỏ để hình thành nhân cách toàn diện cho con.
Nếu trẻ có chút thành tích đã có biểu hiện coi thường người khác thì không chỉ làm tổn thương đối phương mà đối với trẻ đó là sự bắt đầu của thất bại. Để giáo dục trẻ biết tôn trọng quan điểm của người khác, các bậc cha mẹ nên lưu ý những vấn đề sau:
Cha mẹ dạy cho trẻ kỹ năng đưa ra quyết định, các trẻ thiếu kỹ năng trong giao tiếp luôn nôn nóng tự đưa ra ý định về trò chơi và bắt mọi người làm theo. Vì thế, cần dạy trẻ các cách tạo ra sự công bằng như oẳn tù tì, rút thăm, chờ theo thứ tự… Con bạn sẽ phải chấp nhận nếu muốn chơi chung với mọi người, biết lắng nghe và tiếp thu quyết định đúng đắn của các bạn khác.
Dạy con biết hợp tác với thái độ chân thành. Nếu con bạn có thói quen thích ra lệnh, sai khiến, yêu cầu người khác làm theo ý mình, tính cách này sẽ rất khó thay đổi. Do đó, cha mẹ hãy kiên nhẫn và dạy cho con kỹ năng biết lắng nghe. Khi con thể hiện tinh thần hợp tác, hãy thừa nhận những nỗ lực của trẻ và nói rõ cho nó thấy bạn đánh giá cao những gì trẻ đang nỗ lực như thế. Chẳng hạn bạn khen một cách tế nhị: “Cha / mẹ rất vui khi thấy con biết lắng nghe ý kiến của bạn Khoa. Con đã không cắt ngang và Khoa đã thấy lời nói của mình được trân trọng”, hay “ Cha/ mẹ để ý thấy con có trao đổi với các bạn trong việc học nhóm, chọn trò chơi, làm như thế là biết điều và biết quan tâm đến người khác”.
Đưa ra cách giải quyết những hạn chế, tồn tại của con. Việc này nghe có vẻ to tát vì cái tôi của trẻ rất lớn, chúng thường chỉ thấy ưu điểm của bản thân, nhưng bạn có thể bắt đầu câu chuyện từ những việc nhỏ. Và chuyện người này hơn hoặc thua người khác trong cuộc sống là chuyện bình thường. Cha mẹ hãy khéo léo chỉ cho trẻ thấy mỗi người có một sở trường nhất định, mình mạnh mặt này nhưng yếu về mặt khác, không ai toàn diện cả. Ai cũng có chính kiến và năng lực của mình, không ai muốn răm rắp làm theo ý người khác, nên các bạn rất khó chịu nếu bị con thường xuyên “điều khiển” chúng. Vì thế, con đừng vội cho rằng mình là nhất và phải biết lắng nghe ý kiến cũng như sự chia sẻ của người khác. Nếu làm được như thế, con sẽ được các bạn quý mến, tình bạn của các con sẽ được bền lâu.
Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý)
Bình luận (0)