Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Khổ vì… gia đình đa hệ

Tạp Chí Giáo Dục

Trong gia đình nhiều thế hệ, mỗi thành viên cần tôn trọng, thông cảm cho nhau (ảnh minh họa)

Do suy nghĩ xưa và nay không giống nhau nên dù là “chuyện nhỏ như con thỏ” nhưng ở những gia đình đa thế hệ vẫn có thể xảy ra lục đục. Hậu quả, thế hệ thứ 3 lãnh đủ.
Chuyện bé xé to
Do cái máy giặt trong nhà anh Đăng (Q.1) bị hỏng nên mọi người phải giặt đồ bằng thau. Chỉ riêng Vân – vợ anh là hơi khác người, chị giặt bằng xô. Thấy vậy, chị gái anh Đăng tỏ ra khó chịu vì cái xô đó để pha nước tắm cho các cháu trong nhà, nhiều lúc ông bà ốm đau cũng phải dùng nó để tắm. Chị đợi mọi người về nhà đông đủ và lôi chuyện cái xô ra xỉa xói Vân: “Sao cô không dùng thau giặt đồ mà lấy cái xô tắm giặt đồ hả, sao cô ở dơ dữ vậy, chẳng khác gì lấy khăn lau đít mà lau mặt”. Vân bực tức trước lời nói khó nghe của chị chồng: “Cái nào mà chả giống nhau, chỉ vì chị quá cổ hủ mới nghĩ như vậy”. Lời qua tiếng lại khiến cho gia đình xào xáo lên, thậm chí không ai thèm nói với nhau tiếng nào.
Chuyện vợ chồng Hương (Công ty Đông Âu) cũng gần như vậy. Hồi Hương và Luân mới quen nhau, mẹ Luân rất thích cô vì ít nói và ngoan. Nhưng cũng chính cái tính ít nói đó lại làm bà ấm ức khi Hương về làm dâu. Một lần vì vội công việc nên Hương nhờ mẹ chồng phơi đồ giúp. Khi bà lượm từng cái đồ trong máy giặt ra phơi thì thấy có đủ loại quần áo cả trong lẫn ngoài của vợ chồng cô, bà rất bực. Hương vừa về đến nhà, bà mắng cô xối xả, Hương im lặng không nói lại nửa lời. Sau lần đó, tưởng con dâu sẽ nghe lời, nào ngờ vẫn chứng nào tật nấy. Bà giận dỗi và hậm hực vì Hương không xem lời mẹ chồng ra gì. Phần Hương thì do chẳng có thời gian để lựa từng cái đồ ra giặt riêng nên mặc kệ mẹ chồng. Khi Luân vừa đi công tác về là mẹ anh đã lôi chuyện con dâu ra nói ngay. Bà giận lẫy nói với con trai đưa bà vào viện dưỡng lão chứ không thể ở với đứa con dâu dơ bẩn như vậy. Luân quay sang hỏi vợ thì cô nói: “Mẹ anh quá khó để sống chung, em muốn dọn ra ngoài”. Luân điên lên vì hai người phụ nữ trong nhà. Tệ hơn nữa, “cuộc chiến giữa các vì sao” không chỉ ảnh hưởng đến người trong cuộc mà còn “văng mảnh” đến trẻ em trong nhà. Mỗi lần bà và mẹ cãi nhau, mấy đứa trẻ không học hành được. Thậm chí chúng còn bị “chấn thương” tâm lý và dần thấm cách “nói chuyện” giữa bà và mẹ.
Mình vì mọi người, mọi người vì mình
Thực ra, mâu thuẫn nảy sinh trong gia đình đa thế hệ thường do những lý do rất vặt vãnh. Nhưng do sự khác biệt về tư tưởng, lối sống giữa các thế hệ nên mới xảy ra cảnh chửi bới, la lối, “mặt nặng mày nhẹ” giữa các thành viên trong gia đình. Nếu ai cũng khư khư bảo vệ “cái tôi” của mình thì sớm muộn cũng tan cửa, nát nhà. Trên thực tế đã có nhiều gia đình đa thế hệ phải “chia đàn xẻ nghé”, tệ hơn nhiều cặp vợ chồng trẻ phải đưa nhau ra tòa chỉ vì con dâu và mẹ chồng không đồng quan điểm…
Muốn gia đình đa thế hệ êm ấm, trước tiên những người trẻ nên “bóp” “cái tôi” nhỏ lại để nhận ra sự thiếu sót của bản thân. Chẳng hạn như trường hợp của Hương. Thấy cảnh gia đình nặng nề nên cô đã tự mình suy nghĩ lại mọi chuyện. Rồi cô chợt nhận ra, mình đã làm chồng và mẹ chồng phải buồn phiền vì tính bảo thủ của bản thân. Cô hối hận nên đến bên mẹ chồng và nói: “Con sẽ không giặt đồ “kín” của con chung với chồng nữa. Mẹ không thích, con sẽ không làm vậy nữa. Mẹ đừng đi nhà dưỡng lão mà hãy ở lại với chúng con. Vợ chồng con và các cháu cần mẹ”. Nghe Hương nói vậy, bà mẹ chồng ôm lấy nàng dâu hỏi: “Con cũng không dọn ra ngoài ở chứ?”. Hương tươi cười trả lời: “Con sẽ không đi đâu cả”. Thấy mẹ và vợ lập lại hòa bình, Luân và các con cảm thấy rất hạnh phúc và vui vẻ.
Về trường hợp của vợ chồng Đăng, đợi vợ bớt nóng anh giải thích cho Vân nghe những lời của chị chồng để nàng hiểu lối sống của gia đình. “Chuyện cái xô là chuyện về những suy nghĩ lâu đời của ông bà từ xa xưa. Bố mẹ và chị gái anh quen cách sống nề nếp – cái gì ra cái đó. Em nên để ý vì mình ở chung…”. Vân im lặng, rồi hôm sau cô xin lỗi chị chồng vì thái độ không phải của mình. Thế là mọi chuyện lại bình thường trở lại.
Hồng Cúc

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)